19/06/2023 | 16:06:25

Cổng làng Hồ Khẩu - Nơi lưu giữ miền ký ức đẹp chốn kinh kỳ

Cổng làng Hồ Khẩu ngày nay.

Ẩn trong lòng đô thị Hà Nội hiện đại, tấp nập đâu đó vẫn còn những ngôi làng cổ với gốc đa, giếng nước, sân đình. Bước qua cổng làng, ta như chìm đắm vào một kho tàng truyện kể:

“Ngày xưa ở đây là làng cổ, làng rất cổ. Là làng làm giấy dó nổi tiếng cả Kinh thành Thăng Long. Giấy dó này được sử dụng để in kinh, sử trong nhà chùa, sắc phong của quan lại ngày xưa.”

Đó là chia sẻ của ông Bùi Văn Khôi - người đã có 20 năm làm việc trong ban quản lý di tích làng Hồ Khẩu. Một ông cụ đã ở tuổi xế chiều, lưng có phần còng xuống, mái tóc bạc phơ nhưng đầu óc vẫn còn rất minh mẫn.

Khi nhắc đến cổng làng mình, ông Khôi hãnh diện và nói bằng giọng đầy tự hào “đây là làng của bác” và bộc bạch: “Nói về xa xưa, bác năm nay đã 82 tuổi, trước đây từ đời bố của bác, ông của bác đã có cổng làng này. Nó đã tồn tại trên dưới 1000 năm đổ lại đây. Làng Hồ Khẩu của bác hiện tại có 4 cổng làng: cổng Đình, cổng Đông, cổng Giếng và cổng Chùa. 4 cái cổng này nằm dọc theo đường Thụy Khuê và chỉ có làng Hồ Khẩu có 4 cổng làng. Trong làng còn có thêm 1 cổng Cầu Dừa to đẹp, uy nghi lắm.”

Ngoài việc khoác lên mình lớp sơn vàng mới, cổng làng Hồ Khẩu gần như vẫn giữ được nguyên nét kiến trúc thuở ban đầu. Cổng được xây dựng theo cấu trúc tam quan: 1 cổng chính to và 2 cổng phụ nhỏ hơn. Các phần cột trụ đều có đắp hình trái dành dành cách điệu chầu về 4 phương của đất trời. Mặt ngoài của 2 cột trụ chính có đắp đôi câu đối rất dài nói về lịch sử của làng. Bậc tam cấp và chiếu nghỉ trước cổng cũng được người dân giữ lại hoàn toàn: “Cổng Kim Môn của các bác có 2 câu đối 2 bên rất dài tả về ngày mà 2 vị thánh là Cống Lễ và Cá Lễ đi đánh quân Nguyên ở sông Bạch Đằng thắng trận trở về. Ý của 2 câu đối đó là tả sự nồng nhiệt, sự chào đón của tất cả nhân dân.”

Ở làng Hồ Khẩu, không phải ngẫu nhiên lại có tới 4 cái cổng cùng dẫn lối vào làng. Trong xã hội phong kiến xưa có sự phân bậc giai cấp rất rõ ràng giữa vua quan và dân chúng. Điều này đã được tái hiện qua kiến trúc cổng làng Hồ Khẩu: “Cổng Đình là cổng quanh năm đóng cửa, chỉ tiếp đón những vị quan to về thì mới mở cửa. Ở cổng có chữ Hạ mã, là phải xuống ngựa và đi bộ vào. Mà chỉ có quan to mới được đi vào cổng chính là cổng Kim Môn, cổng to nhất của làng. Dân thường và quan nhỏ phải đi vào cổng phụ là cổng Giếng và cổng Chùa.”

Trải qua cả nghìn năm, đến nay, người dân làng Hồ Khẩu vẫn giữ lại quy ước này. Mỗi năm đến ngày lễ hội của làng, những lễ lạt cũng như lễ rước kiệu sẽ đi qua cổng chính, thể hiện lòng thành kính của dân làng tới các bậc thánh tôn.

“Rước kiệu là phải đi qua cổng chính, không được đi qua cổng phụ. Ngày 15/4 sẽ có rước kiệu, làm rất là to. Lễ này là lễ truyền thống cầu mát cho dân làng, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt.”

Dưới cổng làng ta có thể bắt gặp hình ảnh người nông dân ngồi nghỉ sau buổi làm đồng. Hình ảnh đôi lứa hẹn hò những đêm trăng sáng. Hay bóng người mẹ già đứng ngóng tin con: “Hệ thống cổng làng rất gần gũi, thân thương. Những người xa quê cũng phải đi qua cổng làng, người đi xa về cũng phải đi qua cổng làng. Những người đi bộ đội chống Mỹ, chống Pháp ngày xưa đều dưới cổng làng. Là cái nơi rất tâm linh, linh thiêng, đi thì nhớ, ở thì thương, lúc nào cũng đôn đáo trong lòng cái hệ thống cổng làng của làng mình.”

Đối với những ai đã sống lâu năm ở mảnh đất này, chiếc cổng như người nhà, như người dân trong làng. Từ khi làng Hồ Khẩu còn là làng nghề làm giấy dó nức tiếng của Thăng Long đến hiện tại người dân đã mưu sinh bằng đủ thứ nghề khác nhau thì cổng làng vẫn sừng sững ở đó, như một chứng nhân lịch sử:

“Chiến tích của nó là khi thằng Pháp đi qua làng mình nó thấy cái làng này giết nhiều bọn tây của chúng nên nó giơ súng nó bắn. Hiện nay còn những chỗ nó bị rơi xuống, bị vỡ ra.”

Gần một tiếng đồng hồ dạo quanh làng, thứ tôi cảm nhận được nhiều nhất là sự thân thiện, nồng hậu của những người dân nơi đây. Những tiếng chào, hỏi han ríu rít; đâu đó ở hiên nhà bên, vài cô bác cũng đang uống nước chè, cười nói rôm rả. Tách khỏi sự ồn ào, tấp nập của phố thị ngoài kia, sau cánh cổng làng, mọi thứ dường như chậm lại nửa nhịp, cứ yên ả trôi qua:

“Nếu mà nói về nếp sống làng, tình làng nghĩa xóm, giữa con người với con người, nó gần gũi, thân thương, giúp đỡ lẫn nhau. Chứ nó không như ở ngoài phố, nhà mình sát nhà người ta mà hỏi ông ý bà nọ chẳng ai biết. Nhưng ở đây có thể cháu hỏi bác có thể biết được tít xóm trong kia là con nhà ai, ở đâu biết hết. Tình cảm dân làng gần gũi.”

Chiều tà, khu vực cổng làng Hồ Khẩu trở nên tấp nập, người đánh cờ, người hóng mát, người rục rịch đi chợ chiều,... Trong đôi ba câu chuyện mà họ kể với nhau vẫn có những câu chuyện về cổng làng:
“Nó khác hẳn chứ. 3 cái cổng này đều có bậc hết, bây giờ làm thành dốc lên để đi lại cho nó dễ. Dắt xe máy mà lên bậc này thì bó tay luôn. Có cái cổng giữa là vẫn còn bậc.”

“Thực ra là có cái người ta muốn giữ, có cái thì không giữ được. Một số cái cổng trong các ngõ người ta làm lại giống được nhưng có cái người ta sửa lối lên xuống. Có cái cổng người ta không xây như cũ nữa mà xây đời mới. Tại vì đô thị hóa, nếp sống văn minh lên. Có khi người nhiều tuổi muốn giữ nhưng người trẻ người ta không muốn. Thậm chí nhà mình mới xây 20 chục, con trẻ nó lên nó phá đi xây mới.”

Làng xưa nay đã lên phố phường, nghề làm giấy dó cũng chẳng còn nhưng người dân nơi đây vẫn tự hào về truyền thống của làng, tự hào về những chiếc cổng làng, về mái đình cổ xưa. Trong mắt họ ánh lên sự tự hào, sự nhớ nhung cùng hoài niệm về những ngày xưa cũ: “Đối với các bác thì tự hào lắm, phấn khởi lắm, sung sướng lắm. Cảm thấy tự hào bởi không đầu có như làng của bác. Không có cái cổng làng nào mà nó cổ kính như làng của bác. có thể nói thẳng với cháu là nhất Hà Nội.”

“Cổng làng trước đây là toàn để chơi, trẻ con buổi tối, buổi chiều là ra đấy chơi. Trước là không có nhà như thế đâu, ở đằng trước cổng là bậc đá hết, đá to, ngồi mát rượi lên. Mấy cây bàng là để loa phóng thanh, nghe các tin tức.”

Theo quan niệm dân gian, cổng làng là nơi chứa đựng “hồn làng”. Chiếc cổng làng là một trong những nét văn hóa truyền thống, ngự trị trong tâm thức từ ngàn năm của người dân nước Việt. Những chiếc cổng rêu phong ở làng Hồ Khẩu vẫn còn hiện hữu, như tô điểm thêm nét cổ kính của Thủ đô ngàn năm văn hiến./.

Bản để in Lưu vào bookmark