01/03/2012 | 10:23:00

“Doanh nghiệp liên kết thực hiện cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa”

Vừa qua, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội đã tổ chức hội thảo: “Doanh nghiệp liên kết thực hiện cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa” tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì. Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Công Soái và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt tới dự…

Hà Nội có diện tích sản xuất lúa hàng năm trên 200.000 ha, là một trong các tỉnh, thành phố có diện tích sản xuất lúa lớn ở miền Bắc. Tuy nhiên, diện tích sản xuất lúa của từng hộ còn nhỏ lẻ, manh mún, là rào cản quá trình đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở thành phố, với bình quân 4,8 thửa/ hộ và diện tích bình quân chỉ khoảng 400 m2/ thửa, thậm chí nhiều nơi diện tích ô thửa chỉ đạt 200 m2/ thửa. Việc cơ giới hóa trong sản xuất lúa của Hà Nội cũng mới chỉ tập trung ở khâu làm đất đạt khoảng trên 80% diện tích, còn lại các khâu: làm mạ, cấy, bảo vệ thực vật, thu hoạch, phơi sấy bảo quản chủ yếu do các hộ dân trực tiếp tổ chức theo phương pháp thủ công truyền thống, quy mô hộ gia đình. Bên cạnh đó, cơ cấu lao động trong sản xuất nông nghiệp hiện nay rất bất cập, lao động ở nông thôn chủ yếu là người tuổi cao, già yếu. Vì vậy, thiếu lao động trầm trọng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lao động mùa vụ trong sản xuất lúa.

Tại hội thảo, đã có 9 ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp nói chung, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nói riêng. Các ý kiến đều cho rằng, cơ giới hóa nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kỹ thuật trong sản xuất, nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà nông. Đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng đang được bà con nông dân thủ đô rất quan tâm, trở thành nhu cầu cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho rằng, việc áp dụng cơ giới hoá là rất cần thiết để phát triển nông nghiệp hướng hàng hoá, các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo việc dồn điền đổi thửa, tạo cánh đồng mẫu lớn, thành lập các tổ nhóm, HTX dịch vụ để mua máy, tập huấn kỹ thuật đủ khả năng ký hợp đồng làm đất, gieo cấy, thu hoạch bằng máy để mở rộng khâu cơ giới hoá vào nông nghiệp. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất máy cần áp dụng cơ chế bán máy trả góp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt còn cho biết, Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện để sớm ban hành bộ cơ chế hỗ trợ nông nghiệp, trong đó hỗ trợ khâu cơ giới hoá có thể hỗ trợ tới 50% tiền máy hoặc hỗ trợ qua lãi suất ngân hàng, hỗ trợ cho khâu dồn điền đổi thửa tạo điều kiện cho sản xuất hàng hoá. Mô hình liên kết này cần triển khai sớm ở các huyện ven đô, còn các huyện thuần nông thì triển khai mô hình, từng bước mở rộng khâu cơ giới hoá đồng bộ tạo hiệu quả cao trong nông nghiệp.

Trước khi diễn ra hội thảo, các đại biểu đã chứng kiến trình diễn máy cấy trên cánh đồng xã Đại Áng, xem mô hình “Doanh nghiệp liên kết thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa” góp phần từng bước đưa nông nghiệp Thủ đô theo hướng tiên tiến, hiện đại do Công ty TNHH Công nông nghiệp Hà Nội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông thực hiện trên diện tích 24 ha lúa...

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark