14/04/2010 | 15:29:00

Đường Nguyễn Trãi

Đường Nguyễn Trãi. (Ảnh: Phương Anh)

Hà Nội có một con đường mang tên một vị anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà chính trị lỗi lạc, đại thần nhà Hậu Lê  - Nguyễn Trãi.

Con đường với chiều dài gần 2,2km, kéo dài từ Ngã Tư Sở đến giáp ranh với quận Hà Đông.

Nguyễn Trãi (1380-1442) - hiệu là Ức Trai, người làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (nay là Thường Tín, Hà Nội), nhưng quê gốc ở làng Chi Ngoại, Chí Linh (Hải Dương). Ông đỗ Thái Học Sinh năm 1400 thời nhà Hồ, làm Chánh trưởng Ngự sử đài.

Khi quân Minh xâm lược, bắt cha ông là Nguyễn Phi Khanh giải về Tàu và giam lỏng ông ở Đông Quan (Hà Nội ngày nay). Ông trốn vào Lam Sơn theo Lê Lợi, dâng sách Bình Ngô, tham gia cuộc bao vây địch ở Đông Quan. Sau khi toàn thắng, theo lệnh vua Lê Thái Tổ ông viết bài Bình Ngô đại cáo, được coi như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai trong lịch sử nước ta.

Ông giữ chức Nhập nội Hành khiển, trở thành nhà chiến lược, nhà ngoại giao, nhà tư tưởng, văn hóa lớn của dân tộc. Ông để lại nhiều tác phẩm thơ văn mang tính nhân đạo tiêu biểu.

Cuối đời bị vu oan, ông về ở ẩn tại Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương), rồi chịu án “Lệ Chi viên” tru di ba họ. Hai mươi năm sau, Lê Thánh Tông mới minh oan cho ông. Ông đã để lại nhiều tác phẩm như "Dư địa chí", "Quân trung từ mệnh tập", "Quốc âm thi tập"

Năm 1980, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới.

Đường Nguyễn Trãi, xưa kia là con đường “Thượng đạo lai kinh” của các trấn xứ Nam về Thăng Long được nắn thẳng lại. Con đường nằm trên đất Kẻ Mọc-Nhân Mục, Thượng Đình, Hạ Đình của huyện Thanh Trì cũ.

Đến năm 1980 con đường này chính thức mang tên Nguyễn Trãi, chạy trên đất phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa và qua các phường Thượng Đình, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, thuộc quận Thanh Xuân; qua khu công nghiệp Thượng Đình với nhiều nhà máy cơ khí và hóa chất lớn. Trở thành tuyến đường huyết mạch nối Hà Đông với trung tâm thành phố Hà Nội.

Trên con đường này, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi (1954), Đảng và Nhà nước đã quyết định xây dựng một xí nghiệp chế tạo cơ khí hiện đại làm nòng cốt cho ngành chế tạo máy công cụ sau này.

Để phát triển nền công nghiệp nhẹ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cùng với sự giúp đỡ của Trung Quốc, Chính phủ đã xây dựng khu “cao, xà, lá” - ba nhà máy Cao su Sao Vàng, Thuốc lá Thăng Long và Xà phòng Hà Nội, khánh thành ngày 18/51960. Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc.

Cũng trên con đường này, Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nay là Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, được khởi công xây dựng năm 1958 đến năm 1963 thì hoàn thành.

Là một trong 13 nhà máy đầu tiên của đất nước được thành lập theo quyết định của Chính phủ, đặt nền móng cho nền công nghiệp Việt Nam, sau khi chiến tranh kết thúc năm 1954.

Dọc đường Nguyễn Trãi có nhiều trường đại học bậc nhất Hà Nội như trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), Đại học Nhạc họa Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Học viện An ninh.

Trong đó, trường có bề dày lịch sử đó là Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, là sự tiếp nối truyền thống của các trường Đại học Khoa học (1941), Đại học Khoa học Cơ bản (1946) và Đại học Tổng hợp Hà Nội (1956), là trường đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản, công nghệ mũi nhọn trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Ngày xưa, Thanh Xuân nổi tiếng với khu “cao, xà, lá”. Đi qua đó, mùi thuốc lá phả ra nồng ngái cả quãng đường dài. Lại lẫn vào đó là mùi nồng của cao su, mùi thơm khét phảng phất của xà phòng. Hình như ngày ấy khâu khử mùi khí thải còn quá kém, nên đã tạo ra đặc trưng mùi cho cả khu vực này. Ngày nay, sự ô nhiễm môi trường đã phần nào được hạn chế.

Con đường bê tông xưa, nay đã có tên là Khuất Duy Tiến đang được mở rộng nối với đường Phạm Hùng, cắt ngang đường Nguyễn Trãi tạo thành đường Vành đai ba đã mang một diện mạo mới, là một phần của gương mặt Thủ đô đổi mới và phát triển.

Đường Nguyễn Trãi dài, rộng, còn có nhiều trụ sở của các doanh nghiệp lớn như Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên Giầy Thượng Đình, Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng LICOGI… đều rất khang trang, hiện đại, xứng tầm thời hội nhập kinh tế./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark