04/01/2012 | 11:11:00

Góc nhìn khác về quyết định cấm bán hàng rong

Quyết định cấm bán hàng rong đã có hiệu lực trên một số tuyến phố của Hà Nội. Khi nghe tin này, tôi không khỏi lo lắng khi nghĩ về gia đình, nghĩ về cha mẹ tôi. Hàng nước chè với vài chiếc ghế gỗ tự chế của cha đã từng là “cần câu cơm”, thu nhập chính của gia đình, nuôi ba anh em tôi khôn lớn. Ngày ngày, cha mẹ tôi đều thức giấc từ 4h sáng đun nước sôi để chuẩn bị dọn hàng, kịp phục vụ cho những người khách muốn thưởng thức một chén chè nóng trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới. Hàng nước chè của gia đình tôi đã ở đó gần 20 năm, từ khi tôi còn bé lắm.

Lớn lên cùng với hàng nước chè, tôi cũng biết phân biệt thế nào là chè ngon, chè dở, biết cách pha chè thế nào cho ngon,đậm đà mà không bị đắng. Thu nhập từ hàng nước chè của mẹ là tiền học phí của 3 anh em tôi trong suốt 16 năm học, từ lớp 1 cho đến đại học, là tiền ăn ba bữa của gia đình, là những bộ quần áo mới mỗi khi tết đến, là chiếc chăn ấm nhà tôi đắp trong những đêm đông lạnh giá. Cảm ơn cha mẹ nhiều lắm, nhờ những lao động vất vả của cha mẹ mà tôi mới có ngày hôm nay, nhờ vào hàng nước chè của cha mẹ mà tôi đã hoàn thành hết đại học, rồi đạt được học bổng đi du học. Nếu không có hàng nước chè, chắc tôi đã phải nghỉ học từ khi hết cấp II để phụ giúp gia đình.

Biết bao trẻ em trong thành phố Hà Nội đã phải chịu hoàn cảnh như vậy, ước mơ của bao nhiêu em nhỏ đã bị vùi dập vì gia đình quá khó khăn, không có điều kiện cho các em đi học. Tôi còn nhớ một lần khi tôi tham gia phỏng vấn những em nhỏ ở trường cộng đồng 19-5, cha mẹ gửi các em tới đây học vì nhà không có tiền cho các em đóng học ở những trường bình thường khác. Nhiều em vào đây học được một, hai năm cũng bỏ đi bán báo, kẹo cao su vì nhà nghèo quá. Có lẽ tôi đã may mắn hơn các em là vì nhà tôi có hàng nước chè, ngày ngày vẫn kiếm được đồng ra đồng vào. Nếu không có “chiếc cần câu cơm” này, có lẽ tôi cũng đã phải nghỉ học đi làm như các em đó.

Nếu có ai nói hàng quán vỉa hè gây bẩn cho các tuyến phố, làm mất mĩ quan đô thị thì hàng nước chè nhà tôi lại làm sạch thêm cho hè phố. Ngày ngày, mẹ tôi đều quét vỉa hè xung quanh chỗ mẹ bán hàng, mẹ quét lúc sáng sớm, khi chuẩn bị dọn hàng, rồi trưa vắng khách, mẹ lại mang chổi ra quét, tối trước khi dọn hàng về, mẹ lại quét lượt nữa. Những cô lao công thường cảm ơn mẹ vì nhờ mẹ mà các cô cũng đỡ được một phần đường, và hàng nước chè nhà tôi cũng trở thành một điểm dừng chân quen thuộc của các cô lao công sau giờ làm việc. Mỗi tối, sau khi hết giờ làm, các cô lại về đây ngồi, nói đủ chuyện trên trời dưới đất với mẹ tôi. Hàng nước nhà tôi dường như trở thành một điểm tâm sự, nghỉ ngơi thư giãn của các cô sau giờ làm việc.

Giờ đây, khi bôn ba ở xứ người, tôi bỗng nhớ cảm giác ngồi trên vỉa hè, thưởng thức một chén chè nóng, nói chuyện với bạn bè. Nhiều du học sinh khác cũng có cảm giác giống như tôi. Khi nhớ về Hà Nội, họ không nhớ những tòa nhà cao tầng đang mọc lên như nấm, hay những cửa hàng sang trọng đèn pha lê sáng trưng, mà họ nhớ tới những lần ngồi ăn uống trên vỉa hè, thưởng thức các đồ ăn ngon, rẻ, nóng hổi.

Khi xã hội phát triển, các hàng rong, quán ăn tạm bợ sẽ tự mất đi và được thay thế bằng những quán ăn, tiệm café sang trọng hơn. Tuy nhiên, trong khi nước ta vẫn còn là nước kém phát triển, dân ta vẫn còn nghèo thì nên chăng hãy tiếp tục duy trì những hình thức kinh doanh nhỏ, lẻ như thế này. Nếu một số nơi có thực sự gây mất trật tự công cộng, mất mĩ quan đô thị thì tôi thiết nghĩ thành phố nên có kế hoạch quy hoạch, quản lý sao cho người dân vẫn có cơ hội kiếm sống, và những gia đình nghèo vẫn duy trì được “chiếc cần câu cơm” của họ.

Kiểm tra danh sách những tuyến phố bị cấm bán hàng rong, tôi cảm thấy yên tâm hơn khi không có tên phố mà cha mẹ tôi vẫn bán hàng. Tuy nhiên, lòng tôi vẫn bứt rứt không yên khi nghĩ tới những gia đình khác, những gia đính mà miếng cơm, manh áo của họ dựa hết vào gánh hàng rong đó, vào quán nước, hay quán ăn bé nhỏ trên vỉa hè đó, rồi cuộc đời của những em nhỏ trong các gia đình khó khăn đó sẽ đi về đâu nếu cha mẹ chúng không thể kiếm tiền nuôi các em ăn học?./.


(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark