17/10/2011 | 15:10:00

Nét đẹp ở lại của người Hà Nội

(Nguồn: Người Hà Nội)

Sau ngày Quốc khánh 2/9 sắp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10/10 Dương lịch, các cụ Cựu chiến binh làng tôi lại gặp nhau chuyện trò tri kỷ bên ấm nước chè xanh đặc sánh để ôn lại chuyện “chiến binh” ngày xưa. Các cụ tâm đắc nhất là câu chuyện của Cụ Thắng nói về một người Hà Nội mà cụ gặp hồi đầu năm Ất Mùi - 55 năm về trước.

Dịp ấy, khi về Hà Nội công tác, Anh Thắng được đơn vị (ở Tây Bắc) giao cho mua một bao đường (của Trung Quốc) đem về. Anh ra chợ Đồng Xuân mua hẳn 1 bao năm chục ký, hết 12,5 vạn tiền Ngân hàng (1951), thuê xích lô chở về nhà bạn ở 28 phố Nguyễn Siêu, ông xích lô mời anh bộ đội cùng ngồi lên xe đi 1 thể. Bộ đội mà ngồi xe xích lô thì ngượng chết, Thắng đi bộ mặc cho ông xích lô mời chào.

Đoạn đường chẳng xa là mấy, nhưng mấy tiếng đồng hồ sau chẳng thấy ông xích lô đem hàng đến, Thắng ra chợ Bắc qua tìm, vẫn thấy ông xích lô đang ngồi chờ khách.

- "Này ông kia, đường của tôi đâu?" Thắng sẵng giọng hỏi. Ông xích lô ôn tồn nói lại: "Đường của chú tôi để ở 38 Nguyễn Siêu từ sáng kia mà, chú ngồi lên xe đi. Vì sốt ruột, Thắng buộc lòng phải ngồi lên xe đến số nhà 38 Nguyễn Siêu, họ vẫn thấy bao đường để ở ngoài cửa. Hóa ra là ông xích lô nghe nhầm số nhà.

Ông xích lô nhìn thấy ông chủ nhà 38, liền nói: “Cái ông này hay thật, thấy tôi bê bao đường xuống hè nhà mình mà chẳng hỏi han gì”, ông chủ nhà 38 nói lại: "Bao đường để đâu còn đó, liên quan gì đến tôi(?)." Bao đường được Thắng và ông xích lô bê lên xe chở thêm 5 số nhà nữa, sau khi cảm ơn ông chủ số nhà 38 “chất phác, thật thà, văn minh.”

Nghe lại câu chuyện Cụ Thắng kể, các cụ đều bảo người Hà Nội xưa là thế, bây giờ vẫn thế cả thôi, trăm người mới có mấy người tráo trở kéo tre đàng ngọn, còn thì vẫn “Người với người là bạn” sống thủy chung, không vu lợi, sống “Mình vì mọi người” trước hết. Rồi các cụ dẫn chứng ra nhiều chuyện đẹp đầy văn hóa, văn minh, nhân tính, nhân văn của người Hà Nội thời nay, tôi ngồi nghe chuyện cũng thấy mát dạ, mát lòng về tấm lòng người Hà Nội do các cụ điểm lại.

Mùa thi Đại học năm ngoái, hai gia đình nông dân ở trong Đông Sơn (Thanh Hóa) đưa ba đứa con ra Thủ đô dự thi, 1 gia đình (1 mẹ + 1 con giái) hỏi thuê 1 chỗ trọ ở gần trường Trung học cơ sở Tô Hoàng, họ hét với cái giá “hữu nghị” là 140.000 đồng/ngày. Gọi là căn phòng cho sang, thực ra nó là một mái che tạm, bên cạnh là một cái cống không nắp, xú uế ghê người, 2 mẹ con chị nọ cáo lui, Mụ chủ nhà trọ nguýt chê là đám “nhà quê”.

Đang đi dò tìm chỗ trọ khác, chị “nhà quê” này gặp 1 người khác đồng hương Đông Sơn đưa 2 con đi thi cùng cảnh ngộ. Vừa đi đến đoạn cuối đường Tô Hoàng, họ được vợ chồng 1 cụ già đưa vào nhà mình “ăn nghỉ” miễn phí trong mấy ngày liền. Vậy là 5 người dân Xứ Thanh yên tâm từ tấm lòng thơm thảo của cụ Hưng chồng bà cụ Hương ở ngách 67/26 Tô Hoàng - Bạch Mai, đã làm một việc làm đầy “Nhân tính, Nhân nghĩa, Nhân văn” đúng phong cách thanh lịch của người Thủ đô Hà Nội hôm nay.

Tuy không phải là dân Hà Nội gốc, nhưng vợ chồng ông Lê Hồng Thảo đều là cán bộ nghỉ hưu ở số 34, ngõ 31, phố Kim Mã cũng đang làm 1 việc “đại nghĩa” như dư luận đánh giá.

Xem báo đưa tin thấy 1 “hàn sỹ” tên là Lê Trung Kiên có gia cảnh đặc biệt khó khăn xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) vừa đỗ thủ khoa trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, vợ chồng ông Thảo, bà Giá đã nhận giúp đỡ toàn diện cho Kiên gồm tiền ăn, học phí, chi phí sinh hoạt, tiền mua sách vở suốt 5 năm học, theo thời giá hôm nay phải đến gần 100 triệu đồng.

Trong dịp kỉ niệm 65 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khách 2/9 vừa qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức buổi lễ vinh danh 10 “Công dân Thủ đô ưu tú,” bên cạnh Anh hùng lao động Vũ Khiêu, giáo sư Phan Huy Lê còn có 1 gương mặt phụ nữ sinh Năm Quý Sửu - chị Trần Mai Anh, 1 người mẹ “Siêu Nhân” cả trong nước và thế giới đều biết tiếng.

Bốn năm trước đây, tuy đã có 2 con trai, nghe đài, báo đưa tin 1 cháu bé trai tận trong tỉnh Quảng Nam bị mẹ bỏ rơi ngay khi lọt lòng ở ngoài đồi rừng, bị súc vật cắn cụt 1 chân và cả bộ phận sinh dục. Thấy không thể đành lòng, nhà báo Mai Anh đã bàn với chồng cũng là nhà báo nhận cháu đó về nuôi, đặt tên cháu là Thiện Nhân.

Trong 50 tháng làm con nuôi người mẹ Siêu Nhân, bé Thiện Nhân được bố mệ nuôi đưa đi điều trị đến 14 lần (trong đó có 3 lần sang tận Mỹ chữa trị). Tuy chưa thật hoàn thiện, nhưng việc làm của người “công dân Thủ đô ưu tú” Trần Mai Anh thật sự là 1 tấm gương sáng chói giữa lòng Thủ đô “Thiên tuế” của nước Việt Nam Anh hùng.

Những việc làm của ông chủ số nhà 38 Nguyễn Siêu năm xưa, của vợ chồng cụ Thảo Giá ở ngách 67/26 Tô Hoàng, ông bà Lê Hồng Thảo ở Kim Mã, vợ chồng nhà báo Mai Anh và ngàn, vạn việc làm đầy ý nghĩa khác của người Hà Nội hôm nay thật đáng trân trọng, họ đang là những bông hoa đẹp trong vườn hoa đẹp, hàng ngày lấn át, loại trừ đám cỏ dại nảy sinh theo truyền thống dân tộc và lời dạy của lãnh tụ Hồ Chí Minh./.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark