15/11/2012 | 16:05:00

Hà Nội: Ngành xây dựng tăng nhanh tỷ lệ nhân lực

Tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo nhằm tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực là nội dung chính của hội nghị triển khai “Quy hoạch phát triển nhân lực ngành xây dựng giai đoạn 2011 – 2020” do Học viện cán bộ quản lý Xây dựng và Đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức tại Hà Nội ngày 15/11.

Với xu hướng chung là “trí tuệ hóa lao động”, trong 5 năm lại đây, chất lượng nguồn nhân lực ngành xây dựng đang dần được cải thiện. Hiện tại, ngành có 33 cơ sở đào tạo, tập trung chủ yếu ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và Nam.

Để đầu tư có hiệu quả, tránh dàn trải trong khi nguồn lực có hạn, Bộ Xây dựng đã quy hoạch mạng lưới các trường thuộc ngành; đồng thời tập trung đầu tư các trường trọng điểm vùng - trọng điểm ngành, trường thuộc Bộ có dự kiến nâng cấp lên các hệ đào tạo cao hơn. Các trường nghề sẽ mở rộng quy mô đào tạo phù hợp với nhu cầu của ngành, chú trọng đào tạo các nghề chất lượng cao, nghề chuyên biệt, đặc thù, công nghệ xây dựng mới.

Cùng với việc tập trung các giải pháp nâng cao kỹ năng làm việc cho người lao động, Bộ Xây dựng cho rằng cần tạo chuyển biến về nhận thức, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc phát triển nhân lực của ngành. Doanh nghiệp không chỉ là nơi sử dụng nhiều lao động nhất mà còn quyết định về số lượng, cơ cấu và chất lượng lao động; nhanh chóng khắc phục nhược điểm “thừa thầy – thiếu thợ”. Đặc biệt, phải chú trọng đào tạo để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý xây dựng về quy hoạch đô thị... theo hướng vừa có kiến thức, kỹ năng và nhiệt huyệt trong công việc.

Năm 2010, nhân lực ngành xây dựng đã có 41% qua đào tạo, năm 2015 phấn đấu tăng lên 52% và đạt 65% vào năm 2020; trong đó khoảng 5.500 người có trình độ sau đại học; 200 nghìn người có trình độ đại học; 124 nghìn người có trình độ cao đẳng, trên 1,32 triệu người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp và 3,32 triệu người được đào tạo nghề... Đặc biệt, 50-60% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân lực này sẽ tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc.

Thời gian tới, ngành xây dựng sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhằm thu hút người lao động, nhất là các chuyên gia giỏi, đội ngũ trí thức trẻ trên cơ sở thực hiện chế độ đặc thù, nhất là đối tượng thường xuyên lưu động theo các công trình, công việc không ổn định, thường xuyên công tác và làm việc tại môi trường nặng nhọc, độc hại, các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới.../.

Thu Hằng (TTXVN)

Bản để in Lưu vào bookmark