06/03/2012 | 21:10:00

Hà Nội: Nhiều cây xăng vẫn "lách luật" chờ tăng giá

Theo lãnh đạo Petrolimex, hiện đang bắt đầu có tình trạng các nguồn đổ dồn về doanh nghiệp này để mua hàng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trước diễn biến của giá xăng dầu thế giới, một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong nước đã có biểu hiện găm hàng, bán nhỏ giọt hoặc hoạt động thất thường với nhiều lý do “máy hỏng, mất điện”... nhằm trục lợi đã gây không ít bức xúc cho dư luận và người tiêu dùng.

Độc chiêu bán hàng


Trưa 5/3, nhiều người đến mua xăng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu Kim Bài, trực thuộc công ty cổ phần hóa chất quân đội (thuê lại cây xăng cũ của công ty xây dựng và thương mại Thanh Oai), huyện Thanh Oai, Hà Nội, bị bất ngờ khi điểm bán xăng này thông báo hết xăng.

Ngay khi nhận được thông tin này, lực lượng quản lý thị trường số 27 thuộc Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra và phát hiện tại cây xăng này có dấu hiệu vi phạm về kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, từ 11 giờ trưa ngày 5/3, cửa hàng này đã không bán xăng cho khách hàng mà chỉ bán dầu diesel các loại, mở rộng kiểm tra tại bồn chứa xăng và cột bơm đều không còn xăng, trong khi chủ cây xăng thì đi "vắng" và chỉ có nhân viên bán hàng trực tại cửa hàng.

Ông Nguyễn Quý Tính, đội trưởng đội quản lý thị trường số 27, Chi Cục quản lý Thị trường Hà Nội cho biết, ngay khi nhận được thông tin này các cơ quan chức năng đã đến kiểm tra và lập biên bản, tuy nhiên do chủ doanh nghiệp này vẫn chưa về nên tạm thời chưa ra quyết định xử phạt được.

Đây không phải là chuyện hy hữu, bởi trong quí I và II năm 2011 khi giá thế giới biến động nhưng trong nước chưa điều chỉnh thì nhiều cửa hàng xăng dầu (chủ yếu là tư nhân) đã găm hàng chờ giá lên khiến dư luận rất bức xúc.

Một chủ đại lý kinh doanh xăng dầu khu vực Hà Nội tiết lộ, trong những ngày gần đây nhiều xe bồn đang đổ dồn về Tổng kho xăng dầu Đức Giang thuộc Petrolimex để xếp hàng chờ mua xăng dầu "chỉ cần đổ đầy một xe téc như vậy, tương đương 30 khối thì đợi giá lên cũng kiếm được chừng 30 triệu đồng," vị này nói.

Cũng theo ông Tính, ngay từ thứ sáu tuần trước (2/3) Đội quản lý thị trường số 27 đã nhận được đơn đề nghị của một số doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn được giảm thời gian mở cửa bán hàng, thậm chí đề nghị xin nghỉ khi nào hoa hồng lên thì mới bán.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ cơ quan nhà nước, lãnh đạo Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã về làm việc với Huyện Thanh Oai và có công văn yêu cầu tất cả các cây xăng trên địa bàn phải tiếp tục nhập hàng để bán hàng, đảm bảo nhu cầu xã hội, không để thị trường lộn xộn được.

"Làm ăn có lúc lời lúc lỗ, nhưng kinh doanh xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên phải thực hiện theo quy định của pháp luật," ông Tính nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm các vi phạm

Cũng theo phản ánh của người dân, trong khi nhiều cửa hàng xăng dầu luôn viện mọi lý do để đóng cửa ngừng bán hàng nhưng hễ thấy bóng dáng các cơ quan chức năng đến kiểm tra thì lập tức các cửa hàng này đều mở cửa trở lại.

Qua tìm hiểu, thì một trong những nguyên nhân cho thấy, do chiết khấu bán hàng cho các đại lý bán xăng hiện quá thấp, cụ thể với mức hoa hồng từ 50-300 đồng/lít thì càng bán doanh nghiệp càng lỗ, nên nhiều doanh nghiệp luôn tìm mọi cách để "lách luật".

Trao đổi với Vietnam+, Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex cho hay, hiện nay giá xăng dầu thế giới rất cao, thời điểm này giá cơ sở đang cao hơn giá bán hiện hành khoảng 2.200 đồng đối với xăng A92, còn dầu diesel và mazut cũng xấp xỉ ở mức như vậy.

Để đảm bảo nguồn, Petrolimex vẫn đảm bảo theo hạn mức nhập khẩu của Bộ Công Thương, nhưng cũng phải thừa nhận hiện đang bắt đầu có tình trạng các nguồn đổ dồn về Petrolimex để mua hàng. Theo ông Dũng, kịch bản này không khác gì quý I của năm ngoái, nếu không có những biện pháp kịp thời thì hiện tượng đứt nguồn rồi bán nhỏ giọt cũng có thể sẽ diễn ra.

"Về phía doanh nghiệp đầu mối, Petrolimex sẽ làm hết sức mình theo phân công của Chính phủ, hạn ngạch và nguồn trong hệ thống của Petrolimex sẽ luôn đảm bảo không bị đứt, những cửa hàng trong hệ thống phân phối của Petrolimex cũng sẽ đảm bảo như vậy," ông Dũng nói.

Phía Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trên các trục quốc lộ hiện nay đều có lực lượng quản lý thị trường rải đi kiểm tra tại các cây xăng nhằm đảm bảo việc mở cửa bán hàng, "nhưng mở thì vẫn mở, xăng thì hết chỉ mở cửa bán dầu thôi, trong khi dầu thì mấy người mua" ông Tính bày tỏ.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 2 của Chính Phủ chiều 6/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 2/2012 giá xăng dầu đã tăng ở mức cao nhất trong 9 tháng.

Ở thời điểm hiện nay, giá cơ sở nếu chưa tính quỹ bình ổn giá đang cao hơn giá bán hiện hành khoảng 2.000 đồng tùy từng mặt hàng. Như vậy, giá bán trong nước so với các nước trong khu vực và chung đường biên giới, giá chúng ta đang thấp hơn từ 4.000-8.000 đồng/lít.

Theo thứ trưởng, việc điều hành xăng dầu trong thời gian tới sẽ theo nghị định 84/NĐ-CP, tức là điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

"Ở đây, nhà nước sử dụng công cụ là thuế, quỹ bình ổn giá, nếu như sau khi sử dụng các công cụ này mà giá cơ sở vẫn cao hơn giá bán hiện hành thì sẽ điều chỉnh giá bán trong nước ở mức hợp lý," thứ trưởng nhấn mạnh./

Đức Duy (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark