08/11/2012 | 08:24:00

Hà Nội: Những điều chưa biết về tục cưới gả ở Kim Lan

Tháng 4-1961, Hà Nội mở rộng lần thứ nhất, làng Kim Lan, huyện Gia Lâm chia tay vùng văn hóa Kinh Bắc để về Thủ đô. 49 năm đã qua, làng gốm cổ nhà cao đường rộng đã trở thành làng nghề xinh đẹp ở bờ Bắc sông Hồng, nhưng những nét xưa độc đáo vẫn được người dân ghi nhớ, trong đó có tục cưới gả.

70-80 năm trước, ở làng con trai 12 tuổi đã lấy vợ, vợ chừng 15-16 tuổi. Đôi bên tất nhiên đều chưa có bất kỳ khái niệm nào về tình chồng vợ, nhưng cưới xong, chú rể trẻ con cũng theo cha mẹ mừng rằng: “Nhà mình có thêm người làm rồi!”. Nhiều nhà chưa có buồng riêng, chồng vẫn ngủ với bố và anh trai, còn vợ thì nằm cùng mẹ chồng, chị dâu.

Hằng ngày, người vợ phải cùng mẹ chồng thức khuya dậy sớm lo cơm nước rồi ra đồng chăn trâu, cắt cỏ… còn người chồng thì vẫn chơi bi đánh đáo. Có cặp lấy nhau dăm năm mà vẫn chưa nhập phòng. Một cụ ông kể: Lấy vợ lúc 14 tuổi, vợ 17 tuổi, chưa biết yêu đương là gì. Tới lúc chồng 21, vợ 24 vẫn ngủ riêng, vô tư. Gái quê tầm ấy chưa sinh con đã là muộn. Sốt ruột quá, một đêm, vợ chồng người anh khênh chú em đang ngủ say sang đặt bên cạnh “cô ấy” ở gian bên.

Nửa đêm giật mình thấy người bên cạnh mặc yếm trắng lốp, người chồng ù té chạy về chỗ cũ ngủ tiếp. Sáng hôm sau, chú em trách chị dâu: “Chị làm trò gì thế, em không thích đùa thế đâu?”. Bà này cười trừ, và vẫn đùa dai, phải kiên trì ba lần mới “được”. Năm nay cụ ông 88 còn cụ bà 92 tuổi, cả hai vẫn khỏe mạnh, trí óc minh mẫn.

Việc lấy vợ, lấy chồng chủ yếu do cha mẹ hai bên sắp đặt. Nhà có con gái ngoan ngoãn, được các gia đình có con trai để ý từ khi 9-10 tuổi. Việc dạm hỏi không có mối manh, thường do một người bà con họ nội, họ ngoại ở xóm mách bảo. Muốn công việc thành công thì “liệu con gả chồng”, xin đừng “đũa mộc mà chòi mâm son”, tức là phải “môn đăng hộ đối”. Cụ lý nọ có cô con gái xinh đẹp, chàng trai nghèo đến dạm, bèn nói thách nộp đủ 100 đồng thì cho cưới. Ngày ấy sào đất chỉ có giá độ 20 đồng, nhà trai đành bỏ cuộc.

Sau khi đánh tiếng, mọi việc êm xuôi thì chạm ngõ. Người làng nói, tối chạm ngõ là tối bỏ đi, nghĩa rằng, buổi đó không thành thì cũng không sợ mang tiếng với làng. Buổi tối đi chạm ngõ thường chỉ có hai người là mẹ đẻ và một bà cô hay bà dì. Lễ vật gồm chục quả cau, chục lá trầu, thêm ít vỏ quạch, tất cả để trong một cái thúng khảo đậy vỉ buồm, thường đi lúc nhọ mặt người.

Đến nhà gái, chủ khách hàn huyên chuyện trên trời dưới biển một lúc lâu thì nhà trai vào chuyện, ngỏ lời. Bà mẹ cô gái bao giờ cũng nhún nhường đáp: “Ông bà bên nhà có lòng thương cháu thì thật quý hóa nhưng cháu nó còn vụng về lắm!”. Trước khi chia tay, bao giờ nhà trai cũng hỏi bà mẹ ngày giờ và năm sinh cô gái để đi xem tuổi, vì theo lệ xưa lấy vợ phải xem tuổi đàn bà.

Xem tuổi xong, đến tối thứ tư, sau lần chạm ngõ, nhà trai lại đem lễ vật gồm cau, trầu, vỏ đến nhà gái để bàn chuyện chính thức cho lễ ăn hỏi, từ cách thức, lễ nghi, đến mọi thủ tục liên quan. Sau lễ này, nhà trai xin phép được mang cau biếu nhà gái, chỉ biếu hơn 100 cau mời chú, bác, cô, dì; ai không đến được thì đến nhà biếu một quả, báo tin cháu gái sắp lấy chồng.

Sau lễ này, chàng trai phải đi sêu bố mẹ vợ tương lai. Có câu Lấy vợ phải cưới liền tay/Chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha. Khi dạm hỏi đôi bên con trai, con gái ít khi tường mặt, nếu để lâu ngày bị người đời bình phẩm rồi ngãng ra là chuyện thường.

Cưới ngay còn đỡ tốn kém vì chỉ phải đi sêu một lần, gồm có gạo nếp, đỗ xanh, một cặp gà trống, mái. Sêu tháng 8 thì tháng 9 có thể xin cưới được. Nhà nghèo chưa có tiền cưới thì trong năm phải đi sêu cả Tết Đoan ngọ mồng năm tháng Năm, Tết Cơm mới tháng 10 và Tết Cả.

Gần ngày cưới nhà trai mang cơi trầu đến nhà gái xin cưới.

Lệ làng buộc giàu nghèo thế nào thì nhà trai cũng phải mang lễ vật đến nhà gái, để giữ thể diện, chứ không ai cho không con gái. Nhà trai nghèo thì biện mâm xôi, thủ lợn để bên gái làm cỗ mời chú, bác, cô, dì. Còn số đông, khi được ướm hỏi về sính lễ, nhà gái thường nói: “Xin nhà trai một cái lễ tùy tâm”. “Tùy tâm” nhưng cũng khá thịnh soạn. Tiền mặt 20 đồng, nhà khá vài trăm. Hai lợn mỗi con trăm cân ta, tạ gạo nếp, hai tạ gạo tẻ, 50 chai rượu ty (rượu của hãng được nhà nước cấp phép). Mỗi thứ xếp vào mâm thùng hình vuông cỡ 60-70cm sơn son thếp vàng, mượn của hàng giáp, có nắp đậy, 4 góc phía dưới có lỗ để xâu thừng nhuộm đỏ cho các chàng trai khiêng.

Nhưng cuộc đời không chỉ giản đơn là có “đi”, đôi khi vì thương con ngon của nên còn có “lại” nữa. Một anh có bằng Xéc-ti-phi-ca lấy con gái cụ chánh hương hội, được hậu đãi lại. Lúc đến xin cưới, mọi việc xong xuôi, bố vợ cho chàng rể đồng hồ, bút máy, mấy đồng mua sách, quần áo ta, quần áo Tây, trong đó có cả bộ complet loại đắt tiền nhất. Quần áo ta ba lớp: trong áo trắng, giữa áo đoạn (áo gấm), ngoài cùng là áo sa có thêu hoa. Ngoài ra, bố vợ lại đỡ cho ba tháng học phí nữa.

Sáng hôm cưới, chú rể đến nhà gái, mang lễ đến các nhà mà nhà gái phải gửi giỗ như ông cậu của vợ, bà dì, nếu là chi thứ phải mang lễ đến nhà thờ tổ. Lúc sắp rước dâu, ông cậu, bà dì cho cháu rể thường là 2 hào, có khi 5 hào và nói: “Cho cháu hai hào về mua con gà giống”. Khi nhận tiền, chú rể quỳ và lễ hai lễ. Tiền ấy góp lại có khi đủ thuê một sào đất công được một chương (thời hạn) là 5 năm, vợ chồng cày cấy lấy hoa lợi. Vốn lớn dần, có người dành mua được hai sào tư điền.

Đi rước dâu thì chọn một cụ song toàn, có dâu rể, cháu nội ngoại dẫn đầu đoàn. Chủ nhà đưa cụ vài đồng tiền lẻ loại 2 hào, 5 hào. Cụ mặc áo the khăn xếp, tay cầm bó hương đen; tiếp sau là các ông trẻ, bà trẻ rồi mới đến cô dâu, chú rể, và các phù dâu, phù rể. Đón dâu thường vào giờ Dậu (6-7 giờ tối). Đoàn rước về đến cổng thì đã có một cái cối đá úp giữa ngõ, người ta đốt nắm rơm hơ lên trên, cô dâu bước qua. Cụ song toàn đến giữa sân thì cắm bó hương vào bát hương trên nhang án, để ngay sau đó làm lễ tế tơ hồng.

Nhang án đặt trước cửa gian giữa nhà, hướng ra đường, đặt mâm ngũ quả, bát hương, lọ hoa, đằng trước trải chiếu hoa, chú rể quỳ trước, cô dâu quỳ sau. Một cụ đồ đẹp lão, viết bài văn tế lên giấy hồng điều, đứng bên nhang án đọc, đến đoạn nào phải vái thì người tuyên văn ra hiệu để chú rể, cô dâu vái. Đọc xong cụ đưa chén rượu lễ, rể uống trước, dâu uống sau. Rồi vợ chồng đi chào ông chú bà bác bên nội. Cũng như bên nhà gái, các vị đều cho các cháu 2 hào hoặc 5 hào để làm vốn, người nhận tiền vái tạ. Rồi các vị nhà gái đưa dâu ngồi vào mâm cỗ. Số lượng người đã có người nhà trai nhanh chân về trước báo để sắp mâm cho vừa đủ.

Lại nói, khi đoàn rước dâu từ nhà gái đi được 50m thì gặp trẻ con chăng dây tơ hồng, tức đoạn thừng nhuộm hồng hoặc là cây rom có những quả chín đỏ. Cụ cầm hương vui vẻ cho 1-2 hào, các cháu lại dọn dây cho đi. Có đám gặp hai ba lần, có đám không gặp trẻ chăng dây lần nào. Người làng tối kỵ bị cắt dây, nên thường vui vẻ xử sự, từ xưa chưa bao giờ để chuyện đó xảy ra.

Khi làng có đám cưới, bố mẹ một số nhà bảo con: “Nhà ấy có đám đấy, mày có đi nhập tịch không?”. Thế là mấy đứa trẻ cỡ 12-13 tuổi được thể đứng sẵn bên đường, khi đoàn rước dâu đi qua là nhập vào. Đoàn về đến nhà thì chúng chỉ được phép đứng đầu ngõ, nhưng sau đó vẫn được gia chủ mời ăn. Mâm cỗ cũng có đủ các thức như mời khách và cũng chỉ ngồi 5 trẻ một mâm như người lớn.

Cưới xưa ở Kim Lan không có lệ mừng tiền. Các cụ bề trên hai họ thường phát lộc bằng tiền như đã kể ở trên. Người sang có chữ mừng câu đối, viết lên nhung, lên lụa màu đỏ rồi treo tường, nội dung bám sát gia cảnh chú rể thì mới hay. Cụ Nguyễn Phú Hào kể, cách đây 70 năm có hai cụ, một ở Bắc Ninh, một ở Nam Định, là bạn thân lại cùng làm việc cho một chỗ. Cụ Nam Định cưới vợ cho cháu đích tôn. Khi đi nhờ thầy đồ viết chữ, cụ Bắc Ninh phải nói rõ các mối quan hệ và nhấn mạnh là ông nội của chú rể vẫn còn sống. Nam hải cao đường hoan tửu chước/Bắc thành thân hữu hảo tâm chung. Nội dung câu đối khá hay, được nhiều người đến dự tán thưởng.

Các cặp vợ chồng cưới ở Kim Lan ngày ấy, những người còn sống đều đã ở độ tuổi 80-90, khi được hỏi chuyện xưa đều hào hứng kể lại một cách vui vẻ. Vợ chồng chung sống 60-70 năm, luôn giữ lòng chung thủy, làm tròn bổn phận của người chồng, người vợ với làng xóm và tổ tiên và ít xảy chuyện vợ nợ con kia. Tục ấy đã “xưa lắm rồi”, nhưng nay ngồi ghi chép lại vẫn thấy có những điều thú vị để suy ngẫm./.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark