07/11/2012 | 11:17:00

Nghĩ về “phong hóa” Thủ đô

Phong tục tập quán thường gắn liền với nếp sống và lối sống đương thời. Nó không bất biến mà chuyển đổi cho thích ứng với từng giai đoạn lịch sử và hoàn cảnh xã hội. Có những điều là hay, là niềm tin với thời này, sẽ thành không hay, thành lạc hậu với thời khác.

Hà Nội là thủ đô của đất nước nên cũng là nơi hội nhập các luồng văn hóa, trong đó có những tinh hoa có thể tiếp nhận, nhưng cũng có không ít những cái không phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam. Nét đẹp bao trùm của phong tục tập quán chốn kinh kỳ là chất thanh lịch, hào hoa, phong nhã của người Hà Nội. Họ có những thứ “kiêng”, làm tốt con người, như kiêng nói tục, nói bậy, to tiếng buổi sớm mai hay đầu năm mới. Mọi điều hiềm khích, va chạm láng giềng, bè bạn, chỉ cần đưa câu mừng tuổi năm mới là tất cả được bỏ qua trong cái bắt tay nắm chặt. Con em trong nhà làm điều sai phạm, trái gia phong, biết hối lỗi đem cơi trầu đến tạ gia tiên tại nhà thờ họ sẽ được xét tha.

Thờ cúng gia tiên đã thành truyền thống trong mọi gia đình trên đất Việt. Một thứ “đạo” tâm linh ăn sâu vào lòng người. Trước ban thờ thường có bức hoành phi mang các chữ lớn “Ẩm hà tư nguyên” (Uống nước nhớ nguồn), hoặc “Đức lưu quang” (Đức tỏa sáng) là châm ngôn cho con cháu noi theo. Một chữ “Tâm”, một chữ “Nhẫn” treo trên tường đâu chỉ để trang trí, mà còn là điều dạy, lời răn đe về cách ăn ở với người, ứng xử với đời.

Tập tục của ông cha lấy cái trục nhà - họ - làng - nước làm gốc.

Nhà - gia đình là tế bào của xã hội. Muốn có mái ấm, người trên phải “tu thân”, làm gương cho con cháu noi theo.

“Dột từ nóc” sẽ rất khó chữa. Người trong nhà phải biết bảo ban, khuyên nhủ nhau, đừng để cho thiên hạ phải can thiệp, còn bất đồng đến mức đưa nhau ra tòa là nhà vô phúc.

Trong họ cùng chung giọt máu tiên tổ phải biết yêu thương, giúp đỡ, động viên nhau, làm sáng danh dòng họ. Có một chốn nhà thờ để hằng năm đi về cúng giỗ, chạp mộ, nhận họ, nhận hàng, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.

Người trong làng, trong phường, nếu không năm - bảy đời sống bên nhau thì cũng bốn phương hội tụ nơi đất lành chim đậu, “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Họ đoàn kết với nhau trong cộng đồng, lập quy ước chung cùng xây dựng đời sống ấm no, yên bình, có văn hóa…

Cao hơn tất cả là đất nước mà mọi người đều có nghĩa vụ và trách nhiệm cùng bồi đắp và bảo vệ. Người Hà Nội tự hào là con dân Việt Nam, dòng dõi Tiên Rồng, càng thêm tự hào vì là người dân của “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”.

Bởi vậy, bảo vệ thuần phong mỹ tục, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, bảo toàn bản sắc văn hóa Việt trên đường hội nhập toàn cầu đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết. Những gì là hủ tục, lạc hậu với cuộc sống hôm nay trong việc cưới, việc tang, việc họ, việc làng, việc phố phường gây lãng phí, phô trương, không lịch sự, ăn ở xô bồ tùy tiện chốn kẻ quê cần phải khắc phục dần từng bước. Đồng thời cũng cần phê phán các hiện tượng a dua, học đòi các tập tục phương Tây xa lạ với truyền thống dân tộc để người Hà Nội có cái nền phong hóa xứng đáng với nghìn năm văn hiến đất Thăng Long.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark