06/11/2012 | 11:06:00

Phục hồi nghệ thuật múa cổ TL-HN: Còn lắm gian truân

Đã bước sang giai đoạn thứ ba của chương trình phục hồi và phát triển múa cổ Thăng Long - Hà Nội nhưng đến nay, các nghệ sỹ của Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội vẫn còn không ít trăn trở trước sự vắng bóng ngày càng nhiều nghệ nhân có tên tuổi, sự thờ ơ của lớp trẻ... Mới đây, Liên hoan múa cổ Thăng Long - Hà Nội lần thứ ba được tổ chức đã cho thấy, việc phục hồi múa cổ còn lắm gian truân.

Linh hồn của đất Thăng Long

Theo nhiều tài liệu, Hà Nội có trên 80 điệu múa cổ, chia thành các thể loại múa dân gian, múa cung đình và múa tín ngưỡng tôn giáo...

Tuy nhiên, thời gian và biến động lịch sử đã làm mất đi nhiều điệu múa độc đáo, trong đó có múa cung đình. Hiện, chỉ còn khoảng 30 điệu múa, chủ yếu là múa dân gian, tồn tại trong các lễ hội truyền thống của các làng cổ ở Thủ đô. Bởi thế, trong Liên hoan vừa qua, người dân vui mừng khi được chứng kiến 220 nghệ nhân của các làng, xã đã trình diễn 8 điệu múa đặc sắc. Trong đó, độc đáo nhất phải kể đến màn múa Chạy cờ do các nghệ nhân làng Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì - Hà Nội) thể hiện. Đây là điệu múa trong lễ hội của làng, diễn ra trong tiếng hò, trống phách với từng tốp cờ, vừa múa vừa chạy, tạo khí thế sức mạnh như những cánh quân rồi tụ họp với nhau thành sức mạnh đoàn kết, có thể chiến thắng mọi kẻ thù. Màn múa Thiên long bát bộ của các nhà sư chùa Đống Lim ở xã Long Biên (Long Biên - Hà Nội) cũng gây nhiều ấn tượng với những màn võ thuật biểu hiện quyền uy và sức mạnh phi thường. Theo ông Như Bình, Phó chủ tịch Hội Nghệ sỹ múa Hà Nội, điệu múa này được trình diễn trong những dịp lễ hội Phật giáo, khánh thành chùa, tổ đường, cầu siêu... mong dân làng bình yên an lạc, quốc thái dân an.

Trong các màn múa cổ của Hà Nội, đáng chú ý nhất là múa Bài bông của làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung (huyện Phú Xuyên). Điệu múa do ông Lương Đức Nghi, nghệ nhân của làng có công phục dựng. Cũng tham gia trong Liên hoan lần này, ông Nghi cho biết: “Múa Bài bông nằm trong hệ thống các bản múa của nghệ thuật Ca trù, thường được sử dụng trong các dịp đại lễ của chốn giáo phường hoặc nơi cửa đình khi hát thờ, phục vụ lễ hội và mang nặng tính lễ nghi. Múa Bài bông được truyền khẩu từ đời này sang đời khác, trở thành một phần không thể thiếu của nghệ thuật diễn xướng dân gian làng Phú Nhiêu. Nội dung của hát múa Bài bông thường là ca ngợi đất nước, phản ánh cuộc sống lao động của người nông dân, tình yêu đôi lứa... âm điệu là tổng hợp các làn điệu dân ca, còn vũ điệu là các điệu múa dân gian và cung đình”.

Gian nan chuyện bảo tồn!

Ông Như Bình cho biết: “Những điệu múa cổ đất Thăng Long - Hà Nội không những đẹp mà còn là sự kết tinh văn hóa truyền thống dân tộc, thể hiện bản sắc, ý chí, tình cảm và tâm linh của người Thăng Long trong suốt mười thế kỷ qua”. Thế nhưng, ai cũng hiểu rằng, các điệu múa cổ đó theo thời gian sẽ ra đi cùng với những nghệ nhân cao tuổi. Nếu không tìm và khôi phục thì một kho tàng văn hoá quý giá sẽ vĩnh viễn mất đi”. Trăn trở đó đã khiến cho Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đặt ra nhiệm vụ tìm, phục dựng những điệu múa cổ của đất Thăng Long. Nghĩ thì dễ nhưng bắt tay vào làm mới thấy gian nan.

Ông Nguyễn Văn Bích, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu triển khai dự án khôi phục các điệu múa cổ của Hà Nội từ đầu năm 2006. Bên cạnh việc tìm kiếm, tra cứu tài liệu, chúng tôi phải lặn lội về từng miền quê, tìm kiếm những đội múa. Ban đầu, có giải pháp đưa ra là dùng một đội múa chuyên nghiệp rồi dạy họ những điệu múa cổ. Nhưng tôi nghĩ, nếu làm như vậy thì các nghệ sỹ chuyên nghiệp sẽ khiến múa cổ không thể hiện được đúng chất vốn có của nó. Phần hồn của làng xã, của một vùng đất chỉ có người con của làng ấy mới thể hiện được. Khôi phục những điệu múa cổ là mong ước của tất cả người dân Hà Nội chứ không chỉ riêng chúng tôi. Nhưng tìm lại các nghệ nhân xưa đã khó, khôi phục và gìn giữ càng khó hơn. Nhất là chỉ trông vào nguồn ngân sách của Nhà nước. Song rất mừng là Hội đi tới đâu cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân”. Ông Bích xúc động tâm sự tiếp: “Hầu như bà con không đòi tiền công, lại bỏ cả công việc để tham gia nhiệt tình. Khi tới làng Phú Nhiêu, tìm hiểu về điệu múa Bài bông, từ trẻ tới già, không kể nắng mưa, ngày đêm đến tập trung ở sân đình để tập. Các nghệ nhân già thì mừng không kể xiết. Họ chỉ mong, trước khi trở thành người thiên cổ, được một lần thấy cháu con mình biểu diễn điệu múa truyền thống của làng”.

Song điều khiến ông Bích và những người khôi phục các điệu múa cổ trăn trở là, nghệ nhân hiểu biết về múa cổ ngày càng hiếm dần. “Có khi đoàn nghiên cứu tìm đến nơi thì người cuối cùng biết về điệu múa cổ đó đã qua đời. Cũng có khi, họ chạnh lòng khi thấy thế hệ thanh niên chẳng mặn mà. Tại nhiều nơi, khi đoàn chúng tôi đến, ngay sau khi đề cập vấn đề, nhiều người là con cháu của các nghệ nhân đã tỏ vẻ khó chịu. Hoặc cũng có khi, các cụ già thì nỗ lực thuyết phục lớp trẻ nhưng rất ít người tham gia”, ông Bình cho biết. Được biết, năm 2010, Hội Nghệ sỹ múa Hà Nội tiếp tục nâng cao, cải biên để cho các tiết mục múa cổ gần giống như cũ, tiến hành ghi hình, in tập sách ảnh về múa cổ Thăng Long.
Cũng theo ông Bích, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội đang tới gần, vì thế, để nhanh chóng hoàn thành dự án khôi phục múa cổ, bên cạnh sự nỗ lực của các ban, ngành, rất cần sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là sự hưởng ứng của những người dân đang sinh sống tại nơi sinh ra những điệu múa cổ.

Theo Hà Minh – Báo Kinh tế nông thôn

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark