16/11/2012 | 14:07:00

Hà Nội hay Bắc Ninh thờ Bà chúa coi kho?

Đình thờ Bà Chúa Kho đã ngự trị tại ngõ 612 đường Đê La Thành (phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) từ nhiều năm nay. Lịch sử của ngôi đình thể hiện rõ lai lịch bà chúa trông coi kho tàng của triều đình và cũng làm sáng tỏ thêm hiểu lầm của nhân dân về ngôi đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh.

Đình Bà Chúa Kho ở Giảng Võ là nơi thờ bà Lý Thị Châu Nương, nữ tướng thời Trần. Bà chính là người phụ trách kho lương của triều Trần, được nhân dân quen gọi là Bà Chúa Kho. Theo thần phả lưu giữ ở đình Giảng Võ (Hà Nội), nữ tướng Lý Thị Châu Nương quê ở phường Võ Trại (nay là Giảng Võ), từ nhỏ tinh thông võ nghệ, cung kiếm. Đến tuổi trưởng thành, Châu Nương lấy chồng là Trần Thái Bảo, một vị tướng trấn giữ Hoan Châu (nay là Nghệ An). Khi giặc Nguyên Mông sang xâm lược, bà giả trai theo chồng đánh giặc và chỉ huy việc bảo vệ kho lương, hỗ trợ hậu cần cho binh sỹ.

Sau chiến thắng quân Nguyên, vua Trần ban thưởng cho Trần Thái Bảo chỉ huy đạo quân bảo vệ Hoàng cung, Châu Nương được đặc cách coi quốc khố với chức “Quản trưởng quốc khố” (coi giữ kho tàng quốc gia). Trong kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2, Trần Thái Bảo chỉ huy, chặn giặc, bảo vệ cuộc rút lui của triều đình, còn Châu Nương chỉ huy quân lính chuyển kho, bảo vệ của cải, lương thực.

Khi nghe tin chồng tử trận, sau khi giấu kín an toàn kho lương, bà đã lấy khăn hồng thắt cổ tự vẫn để giữ gìn tử tiết. Sau khi quân giặc bị dẹp tan, vua về kinh, biết tin Châu Nương tử tiết bèn phong bà là “Quản trưởng quốc khố công chúa” (Công chúa trông giữ kho tàng quốc gia) và sau ban cho làng Giảng Võ (lúc đó là Võ Trại) và các làng ở Diễn Châu (Nghệ An) tất cả 22 nơi lập thờ, riêng miếu thờ ở Giảng Võ là đình chính.

Đình Giảng Võ thờ Bà Chúa Kho ở ngõ 612 đường Đê La Thành, phường Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội). Chiến tranh và thời gian tàn phá, ngôi đình phải trùng tu nhiều lần nhưng quy mô kiến trúc vẫn khá đẹp. Cổng tam quan mang tên là Bảo Khánh Môn trước đây nay chỉ còn dấu tích là bốn viên đá xanh cỡ lớn. Bên sân đình còn hai miếu thờ hai nàng hầu của bà Châu Nương, chính giữa là Phương đình, phía trong cùng là tòa Đại đình, nơi thờ bài vị, có long ngai và tượng bà Châu Nương… Dấu tích cổ nhất của đình là hai nhà tả mạc, hữu mạc nằm bên tòa Đại đình còn khá nguyên vẹn. Ngoài ra còn bốn con nghê đá, hai tấm bia đá và một số trụ đá trước đây dùng là chỗ kê cột đình.

Ngoài nơi thờ chính là đình Giảng Võ, tại Hà Nội còn một số nơi thờ vọng Bà Chúa Kho Lý Châu Nương, đó là đình Ngọc Khánh và đình Hào Nam. Hàng năm, vào những ngày lễ, địa phương thường tổ chức đơn giản, gọn nhẹ nhưng thành kính vào dịp ngày sinh (12/2 âm lịch), ngày hóa (20/7 âm lịch) của bà Chúa. Ngoài ra, theo thông lệ, cứ đến ngày 23/12 âm lịch, Trung tâm hội chợ triển lãm Giảng Võ phối hợp với UBND phường Giảng Võ, Nhà hát Tuồng trung ương tổ chức lễ rước bài vị và bát hương thành hoàng làng, cầu cho quốc thái, dân an.

Sáng lộ đình Giảng Võ thờ Bà Chúa Kho đã sáng tỏ thêm nhiều hiểu lầm của nhân dân về đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh. Theo kết quả nghiên cứu của hai tác giả Trần Minh và Nguyễn Trí Tuệ, Bà Chúa Kho thờ tại Bắc Ninh vốn là Hoàng hậu vua Trần, sau lâm bệnh mất, vua thương tiếc sai 72 làng quanh vùng lập đền thờ, trong đó có Cổ Mễ (nay thuộc Bắc Ninh) là quê gốc của bà lập đền lớn trên một quả núi đất có tên là núi Kho.

Về sau, các triều đại sắc phong làm nữ thần, nhân dân quen gọi là Bà Chúa núi Kho (tức Bà Chúa Kho) chứ không phải là bà chúa trông coi kho tàng của triều đình như đời sau lầm tưởng. Và cũng vì hiểu lầm gốc tích về đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh mà nhiều người đến đây cầu, xin ban phát của cải, tiền bạc. Khẳng định kết quả nghiên cứu của hai tác giả Trần Minh và Nguyễn Trí Tuệ là đúng, giáo sư Vũ Ngọc Khánh (Viện văn hóa dân gian) cho rằng: “Thông tin về sự tích các vị thần thánh được thờ phụng ít được phổ biến nên dẫn đến các hiểu lầm như trường hợp Bà Chúa Kho”.

Đình thờ Bà Chúa Kho ở Hà Nội được thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử năm 1983, và năm 1994 nâng lên cấp quốc gia. Diện tích của ngôi đình trước kia là 10.000 m2 nhưng hiện nay còn rộng 1.700 m2. Đó là hậu quả quá trình lấn chiếm của các hộ dân xung quanh. Mặc dù, thành phố đã có những chỉ thị di rời, xong vẫn còn 15 hộ dân lấn chiếm trong vành đai khu vực 1 (vành đai cấm). Để bảo vệ di tích, cũng là để bảo vệ chứng tích của thành phố 1000 tuổi có bề dày về văn hóa lịch sử, đình thờ Bà Chúa Kho đang rất cần sự quan tâm của các nhà quản lý để chấn chỉnh các hoạt động vi phạm.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark