19/11/2012 | 11:26:00

Hà Nội phố và cây

Phố sẽ chỉ là phố, nhựa đường và bê tông, không hồn cốt, không mênh mang kỷ niệm. Những phố phường Hà Nội đi vào hoài niệm của người dân Thủ đô không bởi giá trị giao thông muôn thủa của nó mà chính bởi hương sắc đầy ấn tượng của 28.000 cây xanh.
 
 Phố sẽ chỉ là phố, nhựa đường và bê tông, không hồn cốt, không mênh mang kỷ niệm. Những phố phường Hà Nội đi vào hoài niệm của người dân Thủ đô không bởi giá trị giao thông muôn thủa của nó mà chính bởi hương sắc đầy ấn tượng của 28.000 cây xanh. Theo thống kê của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, hiện có 68 loài cây được trồng trên các tuyến phố. Tuy nhiên, phố không phải là rừng và việc trồng cây trên phố cũng không nhằm đến mục đích đa dạng sinh học.
 
 Phố phường Hà Nội được hình thành đã ngót nghét ngàn năm nhưng phải thành thực thừa nhận rằng việc hình thành những con phố có "cá tính" mới chỉ diễn ra trong khoảng 100 năm nay, bắt đầu bằng quá trình quy hoạch trồng cây trên phố thời thuộc Pháp. Trước năm 1945, trên các tuyến phố Hà Nội có 46 loài cây, trong đó có nhiều loài xuất xứ không từ bản địa như Bàng, Xà cừ, Long não, Sao, Sếu (cơm nguội)...Mỗi con phố với một loài cây chủ đạo hợp lý đã làm nên một dáng vẻ riêng của Hà Nội không hề giống bất cứ một đô thị nào. Thậm chí mỗi một mùa cũng có dáng vẻ riêng. Mùa xuân hoa Sưa nở trắng dốc Ngọc Hà. Đường Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng quanh năm xanh um, chớm hè hoa Sấu ngọt hương. Đường Lý Thường Kiệt chói loá màu Phượng đỏ trong khi phố Thợ Nhuộm miên man với sắc tím Bằng lăng. Thu sang hàng Xà cừ lão đại trên đường Hoàng Diệu thả ngàn lá dát vàng không gian. Đông về những phố cổ trở nên vô cùng gợi cảm bởi dáng vẻ đầy tính tạo hình của thân bàng trụi lá...
 
 Những con phố lâu nay đã trở thành một niềm tự hào của người Hà Nội, và bản sắc phố phường do những hàng cây tạo nên thực đáng để trân trọng. Cây không chỉ làm đẹp cho phố mà còn góp phần tăng tỷ lệ m2 xanh trên đầu người cho Hà Nội. Hiện nay, tỷ lệ này ở Hà Nội là 4,2 m2/người. Đây là con số chứng tỏ việc phát triển cây xanh trong thành phố của chúng ta có những bước tiến đáng kể. Mỗi năm, Hà Nội trung bình trồng mới được từ 1.500 đến 2.000 cây. Tuy nhiên, tỷ lệ m2 xanh trên đầu người của Hà Nội vẫn còn quá thấp so với những đô thị khác. ở châu Âu, bình quân từ 8-10m2, trong khu vực, tỷ lệ này cũng đạt 6m2, còn theo Công ty Công viên cây xanh Hà Nội thì mục tiêu đến hết năm 2002 cũng mới chỉ là 5m2. ở một đô thị cổ như Hà Nội, với quỹ đất dành cho vỉa hè rất hạn hẹp thì việc tăng diện tích dành cho cây xanh tương đối khó khăn. Đối với những đường phố mới thì phương án khắc phục duy nhất là những giải phân cách xanh. Nhưng việc trồng cây trên giải phân cách không thể đáp ứng nhu cầu bóng mát vì không thể trồng được những loài cây lớn. Trong khi đó, ngay ở các đường phố cũ, một số loài cây qua thời gian cũng đã bộc lộ sự không phù hợp. Cây Xà cừ, một trong những loài cây điển hình của Hà Nội, hiện chiếm tỷ lệ 28% số lượng cây trồng trên phố đã đến lúc cần phải loại bỏ bởi đây là loại cây lớn nhưng bộ rễ chùm của nó rất tốn đất trong khi lại không đủ sự vững chắc. Cây Bàng, cây Sếu (cơm nguội) cũng đứng trong danh sách bị loại bỏ trong quy hoạch cây xanh Hà Nội tương lai. Cây Bàng vốn đã quá ấn tượng trong tranh phố của danh hoạ Bùi Xuân Phái nhưng cây bàng trong tranh không có ...sâu róm. Cây Sếu tuyệt đẹp nhưng thân hình quyến rũ của nó cũng rất được các loài tầm gửi mến chuộng dẫn đến tình trạng cành khô, chết nhiều, không an toàn cho người đi đường. Như vậy, Hà Nội mùa thu trong tương lai sẽ không còn những "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ". Thay vào đó là những loài cây có tốc độ tăng trưởng nhanh như Muồng, Keo, Bằng Lăng, Sữa... Hiện tại, ở những đường phố mới đã được trồng những loài cây này. Đường Nguyễn Chí Thanh, cây keo đã cao tới 7, 8m, đường Trần Khát Trân không lâu nữa sẽ ngập hương hoa Sữa đêm đầu đông, đường Thái Hà, Xuân Thuỷ cây Muồng hoa vàng đã có bóng mát...
 
 Sự thay đổi về chủng loại cây cối được trồng trên phố sẽ có tác động như thế nào đối với bộ mặt phố phường? Bà Tuyết Thanh, Trưởng phòng kế hoạch Công ty Công viên cây xanh Hà Nội khẳng định rằng đây là phương án đã được nghiên cứu khá kỹ càng và tính phù hợp của những thay đổi này đã được chứng minh trên một số tuyến đường. Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ như vậy. Đối với nhiều người dân Hà Nội thì hương vị và dáng vẻ của mỗi cái cây trên đường phố còn là một kỷ niệm chứ không chỉ đơn thuần là ý nghĩa môi trường. Những loài cây mới như Muồng, Keo được coi là một thứ cây tiên phong trong việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc vì khả năng thích nghi với mọi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt là khả năng phát triển rất nhanh. Song về mặt thẩm mỹ thì đây là những loài cây khá đơn điệu. Cây Muồng cành lá quá rậm rạp và trái Muồng thường khô trên cây thành những mảng màu nâu đen không lấy gì làm đẹp. Còn Bằng lăng tuy vào đầu hè hoa tím rực rỡ nhưng không lâu sau đã héo và dập nát trên cây. Tóm lại, đối với phần đông người Hà Nội quan tâm tới vấn đề cây trên phố, những loài cây mới dường như không đem lại nhiều thiện cảm. Vậy đâu là loài cây thực sự phù hợp cho thành phố Hà Nội?
 
 Trước hết, những con phố nào được coi là lý tưởng? Không khó để trả lời câu hỏi này! Có tới 80% người được hỏi cho rằng những con đường như Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Hoàng Diệu là những con đường đẹp nhất. Điều đáng nói, đó đều là những đường phố trong hệ thống "phố Tây", do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ, những con đường quanh năm xanh mát nhưng tầm nhìn lại rất thoáng bởi những hàng cây cao, lá xanh quanh năm. Trong số 4 con phố kể trên, đường Hoàng Diệu chủ yếu trồng Xà Cừ, các phố còn lại có loài cây chủ đạo là Sấu. Xà Cừ, như đã phân tích, tỏ ra không còn thích hợp với đường phố chỉ bởi bộ rễ chùm. Còn Sấu thì sao? Có thể nói đây là loài cây thích hợp nhất với đường phố vì có lá xanh quanh năm, cây cao, bóng mát, thêm vào đó là hương thơm dễ chịu vào mùa hoa và quả Sấu thì đã quá thân quen với bát canh chua mùa hạ... Nhiều người còn cho rằng bản thân bộ rễ nổi của cây Sấu cũng là một vẻ đẹp của Hà Nội Phố. Nhưng cây Sấu có một nhược điểm lớn khiến cơ quan chức năng về cây ở Hà Nội không mấy ưa thích. Đó là chậm lớn. Thời gian để ươm một cây Sấu cho tới lúc có thể đem trồng ngoài đường phố phải mất từ 5 đến 7 năm. Đó cũng là điểm yếu khiến một số loài cây rất đẹp khác phải chung số phận không được trồng mới cùng với Sấu như Sao, Long não...Cũng phải nói thêm đôi chút về loài cây Sao đen. Đây là một trong số những loài cây đẹp nhất của Hà Nội, dáng thẳng và cao thanh thoát, được trồng nhiều nhất ở phố Lò Đúc khiến con phố này một thời được gọi là phố Cò do có nhiều cò tìm về đậu. Cũng như Sấu, Sao trên phố Lò Đúc có được trồng từ hàng trăm năm nay nên đã có dấu hiệu bị cỗi. Tương tự như vậy, hàng Phượng vĩ trên đường Lý Thường Kiệt cũng đã đến tuổi về hưu, mùa hè vừa qua đã không còn ra hoa. Có thể nói, việc trồng lại cây cho những con phố đẹp đã đến thời điểm cần được đem ra bàn như một việc cấp bách. Trồng một cái cây không khó nhưng quyết định trồng loại cây gì lại không đơn giản. Cây trên phố không chỉ là cây, lâu nay đó đã là một niềm tự hào của Hà Nội Phố. Vì vậy, việc quy hoạch trồng cây trên phố không thể chỉ là do chủ quan của một cơ quan như Công ty Công viên và cây xanh, mà còn rất cần sự tham gia góp của nhiều ngành, nhiều cấp./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark