12/09/2010 | 16:27:00

Hoa nếp bánh lòng

Bàn thờ gia tiên ngày Tết. Ảnh minh họa. (Nguồn: Interney)

Vào cữ giáp Tết, cùng với bánh chưng, nhiều gia đình còn làm những cỗ bánh lòng.

Người ta không thể thấy bánh lòng ở quán nước hay các chợ phiên, mà chỉ thấy ở trên bàn thờ gia tiên trong dịp Tết, đón Xuân.

Người làm bánh chọn nếp cái hoa vàng, thóc đều và mẩy hạt, đem ngâm với nước giếng chừng mười phút rồi đổ vào chảo gang đã bắc trên bếp hồng. Dùng đôi đũa cả bằng tre già vừa đảo thóc, vừa nói chuyện mùa màng.

Chảo nóng cơi lửa cho to, thóc trong chảo bắt đầu "cựa" mình, nổ lép bép, rồi "nở" ra những "bông hoa nhỏ."

Lúc này cần đảo thóc cho nhanh, cho đều tay, khi nào chảo thóc đã phơi màu trắng, người ta nghiêng chảo đổ hoa nếp ra sàng, gọi là bỏng nếp. Bỏng được cho ngay vào túi vải để đập vỡ vụn.

Rồi người làm bánh cho đường phên vào chảo, đun nhỏ lửa đến khi nước đường ngả màu vàng hổ phách thì đổ vào đó chừng chén con nước gừng tươi và mươi cánh thảo quả đã tán mịn.

Bấy giờ, người ta trút bỏng vào nước đường, đảo đều nhanh tay, rồi đổ ngay hỗn hợp ấy vào chiếc khuôn gỗ vừa gói bánh chưng.

Người làm dùng chày giã giò lèn cho bánh càng chặt thì càng ngon và giữ được lâu ngày. Bánh được gỡ khỏi khuôn rồi phong lại bằng giấy hồng điều. Màu hồng của bánh lòng, màu xanh của bánh chưng cạnh mâm ngũ quả làm cho bàn thờ gia tiên thêm lộng lẫy.

Khi ăn, người ta dùng dao bổ cau cắt bánh thành từng miếng nhỏ, để tráng miệng sau bữa tiệc đón Xuân. Với vị ngọt của đường mía, vị ấm của gừng và thảo quả, người dùng thấy ấm hẳn lên. Câu chuyện bên đĩa bánh lòng càng thêm ấm tình người, tình quê./.

(Theo Đặc sản và ẩm thực dân gian Hà Tây, Sở Văn hoá thông tin Hà Tây 2004/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark