12/04/2010 | 17:39:00

Hơn 700 người tham gia Lễ tế Xã tắc tại Huế

Tái dựng hình ảnh vua quan thực hiện nghi thức tế lễ. (Nguồn: Internet)

Trong khuôn khổ Festival Huế 2010, hướng đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và chào mừng 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 8/4 (ngày 24 tháng 2 năm Canh Dần), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ tế Xã tắc tại Đàn Xã tắc thuộc phường Thuận Hòa, thành phố Huế.

Lễ tế năm 2010 được tổ chức quy mô, với hơn 700 người tham gia với đầy đủ đạo cụ, phục trang, nghi trượng, cờ phướn. Lễ tế thực hiện trang nghiêm với đầy đủ các nghi thức truyền thống.

Lễ tế Xã tắc lần đầu tiên được phục dựng một phần trong dịp Festival Huế 2008 (tháng 6), nhằm đưa vào phục vụ du khách và nhân dân.

Lễ tế Xã tắc năm 2009 được tổ chức tháng 3/2009 cố gắng phục dựng đầy đủ các bước của lễ tế, nhằm phục dựng toàn bộ nguyên tác các nghi lễ tế có từ triều Nguyễn.

Ngự đạo đi tế Xã tắc được bắt đầu lúc 19 giờ 40 ngày 8/4 (tức ngày 24/02 Âm Lịch) tại khu vực Ngọ Môn. Sau 3 hồi chuông trống, Ngự đạo xuất phát, tiếp tục di chuyển dọc đường 23 tháng 8 vào đường Lê Huân rồi rẽ qua đường Ngô Thời Nhiệm đến đàn Xã tắc.

Đúng 20 giờ lễ tế bắt đầu với đầy đủ các nghi tiết - Lễ Quán tẩy tức Lễ rửa tay tẩy trần; Lễ Thượng hương tức Lễ dâng hương; Lễ Nghinh thần tức Lễ rước thần đến tham dự; Lễ Điện ngọc bạch tức Lễ dâng ngọc trắng; Lễ Truyền chúc có nghĩa là Lễ đọc chúc văn; Lễ Hiến tước tức Lễ dâng rượu; Lễ Tứ phúc tộ tức là Lễ hưởng lộc; Triệt soạn nghĩa là Lễ hạ cỗ; Tống thần tức Lễ đưa tiễn thần và Tư chúc bạch soạn, nghĩa là Lễ đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Lễ tế Xã tắc năm 2010 được phục dựng gần với nguyên bản và chuẩn xác hơn so với hai lần tổ chức trước.

Ngoài ra, trang phục, lễ phục cho những người tham gia cũng được thực hiện chuẩn xác hơn. Đặc biệt, trang phục của đội nhã nhạc và vũ công Bát dật được phục dựng nguyên bản từ cách thức, màu sắc cho đến hoa văn. Điểm đặc biệt của Lễ tế Xã tắc năm nay là sự tham gia góp mặt của 100 bô lão Thừa Thiên-Huế đại diện cho trăm họ (bách tính) tham gia.

Đàn Xã tắc được xây dựng từ cuối mùa xuân năm 1806, sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ Kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ Bắc sông Hương. Đàn nằm ở nằm tại phường Thuận Hòa, phía Tây Hoàng Thành, đúng theo nguyên tắc “tả Tổ, hữu Xã” có nghĩa là bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã tắc của thành trì phương Đông truyền thống. Đàn Xã tắc là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của cố đô Huế.

Đàn Xã tắc được đắp dựng lộ thiên với quy mô tương đối lớn. Đàn gồm hai tầng, đều hình vuông. Tầng trên cao 1,6m, mỗi cạnh dài 28m, mặt nền tô 5 màu tương ứng với ngũ hành (chính giữa màu vàng thuộc Thổ, Nam màu đỏ thuộc Hỏa, Bắc màu đen thuộc Thủy, Tây màu trắng thuộc Kim và Đông màu xanh thuộc Mộc) và có đặt 32 bệ đá để cắm tàn.

Giữa bốn mặt có xây bậc để lên xuống. Tầng dưới của đàn cao 1,2m, mỗi cạnh dài 70m. Cả hai tầng đều có xây lan can gạch, cao hơn 90cm; lan can tầng trên tô màu vàng, tầng dưới tô màu đỏ. Xung quanh đàn có tường thấp bao quanh. Mở cửa ở ba mặt Bắc, Tây và Đông. Trước đàn có đào hồ vuông làm minh đường.

Năm 2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế trùng tu nguyên vẹn Đàn Xã tắc và khôi phục Lễ tế Xã tắc. Từ đó đến nay, hằng năm, Lễ tế Xã tắc được xã hội hóa tối đa để thực sự trở thành một lễ hội cộng đồng.

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã và đang xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ về Lễ tế Xã tắc để đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.

Chí Cường (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark