22/12/2009 | 16:35:00

Ishikawa Bunyo và bộ ảnh bất hủ "Chiến tranh VN"

Trẻ em dọn dẹp vỏ đạn trên quốc lộ 1, tháng 7 năm 1975. (Ảnh: Isicaoa Bundo)

"Ngày thống nhất của Việt Nam đã đến với tôi trong một tình cảm thoải mái và yên tĩnh. Đó là ngày 4/7/1976 hơi nóng nực của buổi đầu mùa hạ. Cũng như mọi sáng sớm, sau khi nhận tờ nhật báo hàng ngày, tôi mở ra đọc một cách bình thản và thấy có bài viết về việc thống nhất Bắc Nam. Bài đó được đăng ở một vị trí tương đối bình thường, nếu không nói là không tương xứng so với các bài báo viết về hiệp định hoà bình Paris hay bài viết lúc Sài Gòn được giải phóng. Tôi còn nhớ cái cảm giác người mình nóng bừng lên...".

Những tâm sự này của Ishikawa Bunyo đã trở thành lời tựa cho tập ảnh phóng sự "Chiến tranh giải phóng Việt Nam", đã mang lại vinh quang không chỉ trong phạm vi nước Nhật quê hương ông. Một tập ảnh vượt qua sức tưởng tượng.

Hơn 10 phóng viên Nhật Bản, như Simamoto Keidaburo, Minchiro Michi, Sawada Kiochi, Ianaghisaca Takeshi... đã chết ở đâu đó, trong một cánh rừng già biên giới, tại một ngã ba giao thông huyết mạch, hay ở một căn cứ quân sự trên trảng cát ven bờ biển... Riêng Ishikawa Bunyo vẫn sống.

Không phải bây giờ người dân Việt Nam mới biết đến Ishikawa Bunyo. Ngay khi 2.000 cuốn sách lớn này được chở bằng 3 xe vận tải loại 4 tấn đến với độc giả, nhân kỷ niệm tròn một năm đất nước hoàn toàn độc lập, ông đã được đánh giá rất cao. Và dù thời gian đã trôi đi, nhưng mỗi khi lần giở coi tập ảnh này, tôi vẫn không thoát khỏi cảm giác ngạt thở.

Các tập ảnh "Chiến tranh và dân chúng" (làm chung với Honda Katsuichi), "Miền Bắc Việt Nam", "Tiền tuyến Việt Nam", "Vượt sông Bến Hải", "Chiến tranh với binh lính và dân chúng", phim truyền hình "Phóng sự đi theo Đại đội lính thuỷ đánh bộ Miền Nam Việt Nam"... của Isicaoa Bundo đã gây ảnh hưởng vang dội.

Thế nhưng tập ảnh “Chiến tranh giải phóng Việt Nam” được bạn bè đồng nghiệp và các chuyên gia báo chí coi là "đã nổi bật lên trong hàng loạt tập ảnh của thế giới về cuộc chiến tranh Việt Nam. Có lẽ đấy là tập ảnh hay nhất".

Trên 300 ảnh màu và 200 trang ảnh đen trắng cùng niên biểu, được tinh lọc từ một thời lượng chụp khổng lồ: gần 12 năm trời, sau khi ông đặt chân đến đủ mọi miền: Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Bình, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Sài Gòn, Tây Ninh, Bình Định... cả trước và sau chiến tranh, đã phác hoạ nên những nét căn bản và sâu sắc về một giai đoạn bi hùng của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Tôi thấy trong ảnh Ishikawa Bunyo, bên vách nhà trát đất có "hai con lợn đang liếm dòng máu tươi của chủ nó vừa bị lính Mỹ bắn chết. Đồng bằng Cửu Long. Năm 1966". Có những xác chết không nhắm mắt nhìn mãi bầu trời xám xịt khi "Trận càn vừa kết thúc. Chẳng biết những người nông dân chết và bị thương này có đúng là du kích hay chỉ là người dân thường bị lính Mỹ buộc là du kích?1967. Sư đoàn bộ binh 25. Tây Ninh".

Và khi Ishikawa Bunyo chụp: "Cụ già nông dân ngồi bên cạnh người con trai bị thương đang hấp hối nằm đó, gương mặt trong sáng bình thản. Dưới ống kính, mặt cụ hơi rạng lên. Từ hình ảnh thoáng qua đó, có thể cảm thấy niềm tự hào của những người quyết tâm bảo vệ đất đai của tổ quốc Việt Nam mình", thì Maruiama Siduo, trong bài bình luận "Nhân dân trong khói lửa chiến tranh", phần "sức mạnh tiềm tàng" chỉ đặt một câu hỏi nhỏ: "cái gì đã làm cho con sông hiền lành trở thành thác lũ?".

Isicaoa Bundo chỉ là một học sinh tốt nghiệp trường cấp ba ban đêm ở Riogoku, Siuri, Okinawa, Nhật Bản. Nhưng sự có mặt kịp thời của ông tại Sài Gòn, chỉ 4 ngày sau "sự kiện Vịnh Bắc Bộ” đã giúp ông có một góc nhìn toàn cảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ảnh của ông có những kẻ giết người hàng loạt như chân dung Trung uý Calley, sư đoàn American, tay đồ tể vụ Sơn Mỹ làm rung chuyển thế giới; ảnh B52 ném bom rải thảm xuống khắp Miền Bắc; ảnh những kẻ ăn sống gan người ngay sau khi trận càn chấm dứt… Cứ thế, ai xem mà chẳng thấy xót xa đến độ tưởng như không thể cầm lòng?

Ishikawa Bunyo cũng nói: "Tôi đã từng sống lâu ngày với binh lính của quân đội chính quyền Sài Gòn và lính Mỹ. Tiếp xúc riêng với bọn họ, thấy họ có vẻ là những con người tốt, rất tử tế. Đặc biệt trong hành quân đánh phá của lính thuỷ đánh bộ Sài Gòn, tôi đã cùng đi và cùng ăn ngủ với họ. Tôi cũng đã nhiều lần trông thấy quang cảnh những binh lính gẩy đàn guitar, tụm thành từng nhóm ca, hát vào lúc mặt trời lặn.

Nhưng khi thấy những binh lính vui vẻ, nâng niu con chim nhỏ đang đậu trên vai kia lại châm lửa đốt nhà dân, tra tấn dã man nông dân, tôi cảm thấy mức độ khủng khiếp của chiến tranh xâm lược, làm thay đổi hẳn tính cách của con người một cách đáng sợ. Nhưng tôi không thấy có gì thù hận để coi những binh sĩ xung quanh tôi, những người bị cưỡng bức làm lính, bị buộc phải cầm súng đi đánh nhau, và bản thân cũng bị thương vong là những kẻ gây thiệt hại. Kẻ gây thiệt hại hơn ngồi ở chỗ khác cơ!

Thế nhưng khi chỉnh lý những cuốn phim đã chụp thì hình ảnh họ lại chính là những kẻ gây ra thiệt hại. Cho nên tôi thường suy nghĩ mỗi khi chỉnh lý phim, là rồi đây làm thế nào để vạch được mặt kẻ đang nấp sau cuộc chiến (tập "Tiền tuyến Việt Nam" - báo Yomiuri)./.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark