15/08/2010 | 16:31:00

Kể chuyện nghìn năm theo cách hiện đại nhất

Phối cảnh Bảo tàng Hà Nội. (Nguồn: Internet)

Bảo tàng Hà Nội sẽ là bảo tàng hiện đại nhất Việt Nam, sử dụng tối đa các yếu tố đa phương tiện, với một không gian đầy ắp âm thanh và ánh sáng.

Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Trưởng Ban cố vấn Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội đã khẳng định như vậy tại buổi tọa đàm về dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội vừa diễn ra tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Hiện đại, mới mẻ về tư duy và thiết kế

Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Mai Hùng nhấn mạnh, Bảo tàng Hà Nội là một công trình mang nhiều nét khác biệt so với những bảo tàng hiện có tại Hà Nội.

Sự mới mẻ trước hết thể hiện ở tính quốc tế trong việc tìm kiếm ý tưởng thiết kế cho một công trình kiến trúc hiện đại, theo yêu cầu chuẩn mực của một bảo tàng. Tại Hà Nội, hiện chỉ có hai bảo tàng được thiết kế theo chuẩn mực này là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Về ý tưởng thiết kế tòa nhà bảo tàng, phương án của Liên danh GMP International GMbH-Inros Lackner AG (Cộng hòa Liên bang Đức) đã được lựa chọn từ gần 20 phương án dự thi. Đây cũng là đơn vị đã trực tiếp thiết kế Trung tâm Hội nghị Quốc gia, công trình lớn nằm liền kề bên Bảo tàng Hà Nội.

Ý tưởng chủ đạo trong hình thể kim tự tháp ngược của Bảo tàng Hà Nội là con người và thiên nhiên phải hòa quyện, nên thiên nhiên như ùa vào tầng 1, như hòa nhập với công trình. Ông Phạm Mai Hùng cho rằng Bảo tàng Hà Nội là bảo tàng đầu tiên sử dụng ý tưởng thiết kế này.

Sự mới mẻ của Bảo tàng Hà Nội còn nằm ở tư duy và cách thức triển khai thực hiện.

“Khi chuẩn bị đề cương trưng bày cũng như kịch bản thuyết minh nội dung và giải pháp trưng bày, tôi tham vấn rất nhiều nhà khoa học, nhiều cán bộ cấp Trung ương ở nhiều lĩnh vực khác nhau như bảo tàng học, khảo cổ học, dân tộc học, kiến trúc sư, họa sỹ, nhà nghiên cứu lịch sử…”, ông Phạm Mai Hùng cho biết.

Hà Nội cũng đã tham vấn Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch, mà trực tiếp là Cục Di sản Văn hóa, đề nghị tiến cử các đơn vị có đủ năng lực thiết kế nội thất trưng bày cho Bảo tàng. Và trên cơ sở tìm hiểu kỹ các đối tác từ Australia, New Zealand, Ấn Độ và Đức được Bộ giới thiệu, Công ty Tư vấn Story Inc của New Zealand đã được “chọn mặt gửi vàng.”

Điều này chứng tỏ lãnh đạo thành phố hoàn toàn không bị động nhưng cũng không chủ quan nếu chỉ dựa vào đội ngũ cán bộ chuyên môn của thành phố thông qua Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch. Ông Phạm Mai Hùng đánh giá đó là một giải pháp tối ưu cho tới thời điểm này.

Ngoài ra, để có nguồn vốn đầu tư lên tới 2.300 tỷ đồng cho dự án, Hà Nội đã mạnh dạn xin Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư công trình theo mô hình BOT và được chấp thuận. Đây cũng là một yếu tố khiến tiến độ của Bảo tàng được đảm bảo.

Sử dụng nhiều nhất các yếu tố đa phương tiện

Điểm đặc biệt nữa của Bảo tàng là được trưng bày trên tinh thần kể một câu chuyện hoàn chỉnh về văn hóa lịch sử Thủ đô, nhưng không thể hiện một cách đơn tuyến.

Câu chuyện sẽ được kể một phần dựa trên hiện vật, phần còn lại dựa trên cốt truyện kết hợp các thiết bị đa phương tiện, “đầy ắp âm thanh và ánh sáng.”

Người xem có thể nghe tiếng ồn ào khu phố cổ, tiếng động trong 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô năm 1946, những âm thanh từ trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972…

“Việc sử dụng đa phương tiện, tranh tầng sâu và hệ thống máy chiếu liên hoàn sẽ giúp người xem nhìn tận mắt rặng núi này đã hình thành bao nhiêu năm, dòng sông kia đã bao lần đổi dòng…,” bằng không Bảo tàng sẽ chỉ như một kho lưu trữ tư liệu khiến người xem mệt mỏi, ông Phạm Mai Hùng nói.

Các nhà khoa học Việt Nam đã tham vấn cho Hà Nội thể hiện 3 tuyến trưng bày có quan hệ hữu cơ với nhau. Cụ thể, một tuyến có tính biên niên về lịch sử văn hóa Thủ đô, một tuyến giới thiệu các chuyên đề bổ trợ tuyến biên niên sử và một tuyến trưng bày ngoài trời.

Những thông điệp chủ đạo mà Bảo tàng muốn gửi đến người xem là, một Hà Nội với đặc điểm tự nhiên đặc trưng tiêu biểu, một Hà Nội có chiều sâu văn hiến ngàn năm, tiêu biểu cho những gì trí tuệ nhất, tài năng nhất, xuất sắc nhất của đất nước, và một Hà Nội nhiều lần bị chiến tranh tàn phá nhưng con người đã đứng dậy, chiến đấu và chiến thắng.

Thừa nhận có những khó khăn khi đặt hàng ý tưởng trưng bày tổng thể một công trình văn hóa ở Hà Nội cho đối tác nước ngoài, song ông Phạm Mai Hùng cho rằng, đối tác Story Inc đã trình bày một ý tưởng không mới nhưng rất hay, lấy cảm hứng từ câu chuyện “Rồng bay lên.”

“Đó là một con rồng trong quá khứ, nhưng cũng chắc chắn là hình ảnh tương lai của Hà Nội và Việt Nam, khi vị thế và nội lực của đất nước đang tăng lên mạnh mẽ”, ông Phạm Mai Hùng nói.

Hiện thành phố đang cân nhắc 2 phương án để thể hiện ý tưởng đẹp nhưng không dễ thực hiện này. Trong khi Story Inc thì muốn một con rồng có tính cơ học bay lên theo vòng xoáy thiết kế của bảo tàng Hà Nội lắp đặt bằng các thiết bị hiện đại, có thể chuyển động được, thì các nhà khoa học Việt Nam thiên về một con rồng “ảo”, không mang tính điêu khắc, hình khối, chỉ nhìn thấy được khi chiếu lên.

Sớm bổ sung những hiện vật "không thể không có"

Ông Phạm Mạnh Hùng đánh giá Bảo tàng đã được xây dựng tương đối nhanh, hiện đã cơ bản hoàn thành toàn bộ tòa nhà.

Về mặt nội dung, như đã nói ở trên, kịch bản trưng bày và thuyết minh nội dung, các điểm nhấn trưng bày đã được chuẩn bị và lãnh đạo thành phố đang chuẩn bị phê duyệt ý tưởng trưng bày tổng thể.

Cho rằng con số 50.000 hiện vật tuy không nhỏ song vẫn chưa đủ để trưng bày, ông Phạm Mai Hùng khẳng định Hà Nội vẫn phải tiếp tục “quá trình không ngừng nghỉ” nghiên cứu và sưu tầm hiện vật, mà trước mắt là những hiện vật “không thể không có” về đặc điểm tự nhiên, thiên nhiên, môi trường.

Hà Nội đã làm việc nghiêm túc với các cơ quan như Viện Thổ nhưỡng, Viện Địa chất-Khoáng sản, Viện Tài nguyên-Môi trường để họ giúp có một cái nhìn tổng quan về vấn đề này và chỉ ra những mẫu vật cần phải có.

Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, du khách sẽ được chiêm ngưỡng từng phần Bảo tàng, như triển lãm sinh vật cảnh Hà Nội tại khu ngoài trời.

Bên trong Bảo tàng, du khách sẽ bước đầu được tiếp cận hệ thống các sưu tập hiện vật chuẩn bị cho trưng bày chính thức.

Chẳng hạn, tại tầng 1, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các hiện vật gốm sứ. Tầng 2 sẽ giới thiệu các sưu tập có liên quan đến nội dung chính yếu của Bảo tàng Hà Nội, nhưng ở mức chưa gia công nhiều, chưa sử dụng nhiều các yếu tố khoa học công nghệ.

Tầng 3 sẽ trưng bày hàng loạt sưu tập quý hiếm của các nhà sưu tập tư nhân nổi tiếng, trong đó có những hiện vật gắn liền với Thủ đô, những cổ vật độc bản duy nhất thể hiện sự phát triển văn hóa văn minh của dân tộc Việt.

Hy vọng những người yêu Hà Nội, lòng luôn hướng về Hà Nội sẽ rất vui mừng khi Bảo tàng Hà Nội mở cửa đón khách tham quan. Và ở đó, những gì gắn bó với Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến sẽ kể tiếp với mọi người câu chuyện về Thủ đô yêu dấu./.

(Chinhphu.vn/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark