09/09/2010 | 18:01:00

Khắc phục sai phạm xây dựng di tích Ngục Kon Tum

Di tích lịch sử Ngục Kon Tum. (Nguồn: Internet)

Chiều 9/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã tổ chức họp báo về nội dung liên quan đến gia cố móng trụ L150 đường dây 110KV Pleiku-Kon Tum đã ảnh hưởng đến Di tích lịch sử cấp quốc gia của Ngục Kon Tum.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Bình - người phát ngôn của Ủy ban Nhân dân tỉnh thừa nhận việc trụ điện trên được cho phép xây dựng trong khu di tích là có thực. Tỉnh đã chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng… phải kiểm tra, giám sát việc thi công gia cố, đảm bảo hạn chế tối thiểu ảnh hưởng cảnh quan ngục.

Tuy nhiên, phương pháp gia cố của đơn vị thi công không hợp lý, hiện trường ngổn ngang khiến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh khi kiểm tra cũng bức xúc.

Ông Bình thừa nhận việc này cũng có lỗi của cơ quan Nhà nước (TTXVN có liên tiếp hai bài phản ánh trong các ngày 30/7 và 19/8). Tỉnh Kon Tum đã yêu cầu đơn vị thi công phải trả lại hiện trường gò đất - một dấu tích quan trọng cấu thành nên di tích, là nơi thực dân Pháp bắt tù chính trị đắp nên để làm mố với ý đồ xây cầu qua sông Đăk Bla thời kỳ 1930-1931.

Dự kiến đến cuối tuần này việc hoàn trả trên sẽ hoàn thành. Ngoài ra, trụ điện trên sẽ được di dời sau khi đường dây 220KV Pleiku-Kon Tum và trạm biến áp 220KV được thi công và hoàn thành (dự kiến vào quý IV/2011), đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Kon Tum thì việc di dời móng trụ L150 mới được tiến hành.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới tỉnh Kon Tum sẽ tham khảo ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành của Trung ương để nâng cấp di tích Ngục Kon Tum.

Trước đó, năm 1994, theo đề nghị của Công ty điện lực 3 về việc giao đất xây dựng tuyến đường điện 110KV, sẽ có một trụ điện L150 xây dựng ở trong khuôn viên di tích Ngục Kon Tum vì đây là địa điểm đảm bảo được sự an toàn từ địa chất đến kỹ thuật (đảm bảo độ cao cần thiết, tránh phóng điện khi đường dây qua mặt hồ Thủy điện Ya Ly, việc nâng cao trụ là không thể đảm bảo an toàn…).

Thời điểm xây dựng năm 1994, Kon Tum rất cần điện, cả tỉnh chỉ có một nhà máy nhiệt điện, trong khi nhu cầu điện rất cao và tỉnh đã đồng ý với kiến nghị của Công ty Điện lực 3. Tỉnh cũng đã họp và báo cáo lên các Bộ, ngành có liên quan.

Đến tháng 9/2009, cơn bão số 9 đã làm cho nghiêng trụ L150, sạt lở móng, có nguy cơ đổ, vì vậy tỉnh đã đồng ý cho phép gia cố móng, vì đây là nguồn cung cấp điện chính cho Kon Tum. Tuy nhiên trong quá trình gia cố móng, các đơn vị thi công đã có nhiều sai sót ảnh hưởng lớn đến di tích Ngục Kon Tum (trong đó gần như xóa bỏ gò đất) khiến dư luận bức xúc và lên tiếng./.

Hoàng Cao Nguyên (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark