30/01/2012 | 08:46:00

Kinh thành và Hoàng thành thời Lý

Nhà Lý mở đầu thời đại lịch sử mới Nhà nước phong kiến Việt Nam. Việc chuyển Kinh đô từ Hoa Lư ra làng Cơ Xá ven Hồ Tây để xây dựng nên một Thăng Long của nước Đại Việt là bước ngoặt quan trọng trong toàn bộ quá trình phát triển của dân tộc và là điểm khởi đầu của văn minh làm nên nền tảng cho một Việt Nam sau này.

Việc đầu tiên của Lý Công Uẩn từ Hoa Lư ra Thăng Long là xây dựng Kinh thành và Hoàng thành. Dựa trên thành Đại La cũ, Lý Công Uẩn đã cho xây nhiều vòng thành và vòng ngoài chính là bờ tường cũ của thành Đại La. Nhà vua cho đắp cao hơn, bề mặt rộng hơn để làm đê phòng khi nước các con sông dâng cao vào mùa mưa lũ đồng thời lại làm lũy nếu có chiến sự xảy ra. Quan quân có thể đứng trên lũy này ngăn không cho giặc tràn vào. Vòng thành này có độ dài chừng 30 km. Bên trong bờ thành này là Kinh thành. Kinh thành được chia thành 61 phường, ranh giới giữa phường nọ với phường kia là 4 con đường tạo thành các ô bàn cờ. Quy hoạch như vậy rất gọn gàng thuận tiện cho việc quản lý cư dân. Mặt khác, 4 con đường ranh giới giữa các phường cũng là ranh giới giữa các làng nghề thủ công. Có các cơ sở thủ công, có dân cư thì phải có chợ. Thời nhà Lý có rất nhiều chợ lớn nhỏ trong Kinh thành nhưng chung quy có 3 chợ chính gồm: Chợ cửa Đông, cửa Nam và chợ cửa Tây (Ngọc Hà ngày nay). Các chợ này không chỉ là nơi mua bán trao đổi các sản phẩm sản xuất trong Kinh thành mà còn là nơi buôn bán của các thương nhân, thợ thủ công của các tỉnh ngoài Kinh thành mang vào.

Tuy nhiên, phần quan trọng nhất của Kinh đô là khu vực Hoàng thành. Đây chính là đầu não của Nhà nước phong kiến, nơi vua và các quan hội họp bàn mưu tính kế, tiếp sứ thần. Bên trong Hoàng thành là Cấm thành, nơi ở của vua đồng thời cũng là nơi làm việc. Không phải ai ở Kinh thành cũng có thể vào Hoàng thành và không phải ai ở Hoàng thành cũng có thể tự do đi vào Cấm thành. Ra vào Hoàng thành phải có thẻ của người đứng đầu cấm quân cấp còn ra vào Cấm thành phải có thẻ do vua cấp. Lý Công Uẩn đã cho xây dựng một hệ thống các điện làm việc, cung nghỉ ngơi và giải trí cùng hành lang giải vũ, xen giữa các cung có các vườn hoa, hồ nước. Để tỏ rõ vị thế của Đại Việt, Lý Công Uẩn cho xây một công trình cao tới 4 tầng và nhà vua ở tầng 2 của tòa nhà này. Sau này theo thời gian, công trình đã mục nát và sụp đổ vì các đời vua sau không sửa chữa và cũng không ở tòa nhà này. Lý Công Uẩn lấy điện Càn Nguyên làm thiết triều, do vậy điện này là trung tâm của Cấm thành và các điện khác quây xung quanh. Hoàng thành có 4 cửa chính, hướng ra phía đông là cửa Tường Phù (ra phố Cửa Đông hiện nay), phía bắc có cửa Diệu Đức (ra Hoàng Hoa Thám), phía tây có cửa Quảng Phúc (ra các phường ven Hồ Tây) và cửa Đại Hưng (hướng ra Quốc Tử Giám bây giờ). Những quần thể kiến trúc cung điện được bố trí theo kiểu trục đối xứng ngay ngắn, ngoài bảo đảm tính tôn nghiêm của quyền lực nhà vua thì nó còn là sự phân chia tính chất quan trọng của từng điện. Quần thể cung điện này gồm điện: Càn Nguyên, Tập Hiền Giảng Võ (nơi vua tổ chức chiêu đãi sứ thần), Phi Long Môn, Đan Phượng Môn, Uy Viễn Môn điện Long An, Long Thụy, Nguyệt Minh, cung Thúy Hoan, cung Long Thụy... Gần hai mươi năm sau (1029) Vua Lý Thái Tông cho xây dựng tại khu vực Cấm thành các điện: Thiên An, Tuyên Đức, Diên Phúc, Văn Minh, Quảng Vũ, Phụng Thiên, Diên An, Tường Xuân. Lý Thái Tông lúc này lấy điện Thiên An làm nơi thiết triều và điện này được xây đúng vị trí của điện Càn Nguyên trước đó, chỉ có điều được xây to hơn. Điện Thiên Khánh là nơi Lý Thái Tông làm việc và Trường Xuân là nơi để khí giới nên ba công trình này nối với nhau bằng cầu phượng hoàng. Đợt xây dựng cuối cùng của đời nhà Lý là Vua Lý Cao Tông, năm 1203 vị Vua này đã xây thêm các điện: Thiên Thụy, Quang Minh, Chính Nghi, Thắng Thọ.

Vật liệu xây dựng các công trình ở khu vực Hoàng thành và Cấm thành chủ yếu là vật liệu địa phương như: gạch chỉ, gạch bát, ngói ống lưu ly cùng gạch men xanh và men vàng sản xuất tại Thăng Long. Đá làm móng hay đỡ cột chủ yếu là đá xứ Thanh, vì đá này không ngấm nước sẽ bảo đảm tính trường tồn cho các cung điện. Cột chính, xà đỡ mái và rui mè ở các điện phần lớn là gỗ tốt ở vùng Nghệ An, Quảng Bình. Tuy nhiên, rồng đá cũng như các con vật trong tứ linh lại được tạc bằng đá vùng Hoa Lư mang ra. Theo các nhà nghiên cứu, làng đá Ninh Vân ở Ninh Bình hiện nay là một trong những làng chạm khắc có lịch sử hàng nghìn năm. Làng nghề này từng chạm khắc các sản phẩm bằng đá cho nhà Đinh trước đó. Dù có ảnh hưởng các hoa văn trong chạm khắc cột, câu đầu, hoành phi hay rồng đá... của phương Bắc nhưng các thợ chạm khắc gỗ cũng như đá ở Thăng Long đã tạo ra các hoa văn tinh tế mang nét riêng biệt của Đại Việt. Ngoài cung điện ra thì các loại hình kiến trúc tôn giáo cũng được nhà Lý hết sức quan tâm vì các vua Lý, bắt đầu từ Lý Công Uẩn rất sùng đạo Phật. Kiến trúc quan trọng trong Hoàng thành chính là chùa Một Cột. Chùa Một Cột là một trong những công trình kiến trúc rất độc đáo của Việt Nam cho đến ngày nay và chắc chắn là cả mai sau.

Trong Kinh thành, có một khu vực vô cùng quan trọng làm nên đời sống Kinh đô đó chính là khu vực trại. Tại sao nhà Lý lại cho lập các trại trong Kinh thành, các nhà nghiên cứu lịch sử đều cho rằng, lúa gạo, rau cỏ, hoa quả có thể mang từ ngoài vào Kinh thành nhưng nếu có giặc ngoại xâm thì chính các trang trại này sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân triều đình cũng như dân chúng. Đây là yếu tố quan trọng để kéo dài thời gian chống quân xâm lược vốn từ xa đến muốn đánh nhanh thắng nhanh. Đây cũng là điều khác biệt của Thăng Long với các Kinh đô của các nước trong khu vực. Các trang trại này liên kết với nhau và mỗi trang trại trồng một loại nông sản trên phần đất màu mỡ nặng phù sa của sông Hồng. Dù các trang trại này đã mất từ lâu nhưng tên của các trại vẫn còn được giữ đến ngày nay. Đó là: Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Xuân Biểu, Đại Yên, Vĩnh Phúc, Liễu Giai, Cống Yên, Cống Vị, Thủ Lệ, Bảo Khánh, Vạn Phúc, Kim Mã, Giảng Võ.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu kiến trúc thì vào thời điểm cách ngày nay 1.000 năm mà một vị vua Việt Nam đã xây dựng thành lũy như vậy có thể sánh ngang các vị vua của châu Âu cùng thời. Nhưng có một điều đáng ngạc nhiên là các quy hoạch này dù luôn tính tới yếu tố phòng thủ trước giặc ngoại xâm song cũng rất khoáng đạt và luôn biểu đạt sự khát khao tự do và hòa bình. Các vật trang trí tìm thấy khi khai quật khu vực 18 Hoàng Diệu năm 2004 đã cho thấy rõ điều đó. Kiến trúc của nhà Lý đã định đạt được một số cơ sở ban đầu cho hình thức kiến trúc các nhà nước phong kiến sau này. Những đặc điểm đáng chú ý của kiến trúc nhà Lý mà một phần được thể hiện ở quy hoạch Thăng Long và các công trình kiến trúc của nó là tính quần thể cao, phong cách nhẹ nhàng khiêm tốn, phù hợp với khí hậu và tập quán của người Việt. Các triều đại sau nhà Lý là Trần và Lê dù có xây mới các công trình nhưng nhìn chung vẫn thừa kế di sản kiến trúc của nhà Lý. UBND Thành phố Hà Nội đã lập hồ sơ trình UNESCO để tổ chức này công nhận Thăng Long là di sản văn hóa của nhân loại./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark