17/12/2012 | 10:42:00

Lang thang trên khắp những rẻo làng Hà Nội

Dấu ấn trong ký ức tuổi thơ tôi là gác chuông nhà thờ làng Tám. Đến tận bây giờ tôi vẫn có thể nhớ như in cây thánh giá trên nóc nhà thờ in hình trên nền trời vào mỗi buổi chiều nao nao buồn. Xa xa gác chuông, vượt lên lũy tre xanh rì là những con diều chấp chới trong gió. Lại có những buổi sớm tinh mơ, khí trời trong trẻo và yên tĩnh, tôi nằm lặng nghe tiếng chuông ngân nga trên dòng sông Tô Lịch xanh trong mát lành.

Khu tập thể chúng tôi cách làng Tám bằng con sông Tô Lịch. Lũ trẻ con trong khu tập thể thường háo hức nhìn trẻ con bên làng Tám bơi sông. Lũ chúng tôi đua nhau trèo lên nóc trạm bơm nước hò reo cho bọn trẻ làng Tám... thèm. Bởi bên làng Tám thủa đó chẳng có lấy một cái nhà bê tông mái bằng nào. Chẳng biết bọn trẻ làng Tám có ghen tức không, nhưng quả thật từ trong sâu thẳm đáy lòng, tôi vẫn mong một lần được bơi dưới dòng sông Tô Lịch êm trong xanh mát.

Làng Tám là điển hình của sự thay đổi “làng lên phố” ở Hà Nội. Sông Tô Lịch giờ không còn chở những bông bèo Nhật Bản. Nơi cây cầu khỉ nối làng Tám với khu tập thể lắp ghép của chúng tôi giờ là cây cầu bê tông chịu tải xe 17 tấn.

Gác chuông nhà thờ làng Tám nay bị vùi lấp dưới hàng trăm loại mái bằng, chóp nón, mái ngói tân thời. Tiếng chuông nhà thờ bị nuốt chửng bởi hàng nghìn, hàng vạn thứ thanh âm hỗn tạp. Tôi qua làng Tám cố tìm ký ức tuổi thơ. Làng Tám bàng bạc một màu bê tông, khói bụi, nhịp sống làng hối hả, bộn bề. Hỏi đường ra bỗng dưng giật mình, ai ai cũng một câu “Xin lỗi, tôi không phải người gốc ở đây”.

Tôi kể với nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc về sự mất đi của những làng ở Hà Nội. Ông bảo Hà Nội là tập hợp của nhiều làng, cái gọi là “Thăng Long kinh kỳ-Thăng Long kẻ chợ” xưa vốn bé lắm. Ông dẫn chứng một câu thơ của Nguyễn Bính sáng tác năm 1936 rằng Nhà em ở xóm cây mai trắng/Trên xóm mai vàng dưới đế kinh. Rồi ông nói: “Xóm cây mai trắng là phố Bạch Mai ngày nay, xóm mai vàng đích thị là làng Hoàng Mai. Làng Hoàng Mai giờ thành trung tâm quận Hoàng Mai rồi”.

Làng thành trung tâm quận, người dân khắp nơi về quần cư thêm đông đúc. Nhiều công trình bị lấn chiếm, thấy rõ nhất từ bãi tha ma của chùa làng. Ngày xưa rộng thênh thang giờ “teo” lại còn vài trăm mét vuông. Ba bề bốn bên nghĩa trang là nhà, không gian ngột ngạt bởi hàng vạn khối bê tông.

Làng Hoàng Mai mất nghề làm đậu Mơ. Mất cả tục ném đất rước thành hoàng. Mất thêm vài cái giếng nước ăn rộng như cái ao nhỏ. Mấy cái giếng còn lại giờ chỉ để thầu nuôi cá. Nước đục ngầu ngầu các loại thức ăn của cá. Chẳng còn ai nhắc đến cụm từ “dân bốn chó đá”.

Hà Nội đã mất đi nhiều làng đẹp như làng Hoàng Mai, làng Tám. Mất từ cốt cách, vóc dáng, phong tục, mất cả nghề. Tôi thổn thức hỏi: “Lẽ nào lại thế?”. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc dí dỏm cười: “Mất đâu được mà mất, nó ở ngay đây, nơi trái tim của mỗi người Hà Nội, thử nghĩ xem”.

Xa Hà Nội ta nhớ nhất điều gì? Con đường, góc phố ư? Hay cà phê quán vắng? Hay những đêm Hà Nội phố? Có anh bạn miền Nam từng hỏi tôi điều này. Thú thực nỗi nhớ mung lung lắm, khó diễn tả thành lời cụ thể. Nhà Hà Nội học thì cả quyết nỗi nhớ đó bắt nguồn từ những rẻo làng còn lại trên đất Thủ đô.

Anh bạn tôi người làng Yên Thái, nằm sát hồ Tây. Anh chàng này học tiến sĩ tận trời tây, nhưng về tới làng lại trở thành “thanh niên làng” từ “gốc đến ngọn”. Anh khoe cái đình “Trời ơi” làng mình, giọng thành thực khiến tôi cười chảy nước mắt: “Ai đi qua cổng đình mà gọi “Trời ơi” về đến nhà là lăn ra ốm. Ông không tin à? Có người bị thật rồi đấy!”.

Tôi chẳng biết có nên tin không nhưng bỗng nhận thấy một cái gì rất đáng yêu ở anh bạn. Lại có anh đồng nghiệp người làng Hội Xá bên Gia Lâm kể rằng làng anh từ độ có con đường mới đi mé sau làng, nhiều gia đình mở đường theo hướng đường mới, nhưng người làng hễ có ma chay hiếu hỉ lại đi vòng qua lối cổng làng cũng phía trên đê. Người làng là thế đấy! “Hà Nội làng” là thế đấy!

Nhiều người ví làng giống như một cái phin cà phê. Con người như dòng nước sục sôi nóng cứ đi qua cái “chất làng” tinh luyện ngào ngạt hương thơm để rồi chiết xuất ra những giọt “sống” tinh khiết lắng đọng.

Tôi rất tâm đắc với “lý thuyết” về sự thanh lịch của người Hà Nội mà nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc tìm ra. Đó là quá trình trưng cất, đào thải cái thô lậu để hướng tới Cái Đẹp.

Đất Thăng Long Hà Nội từ ngàn xưa vốn là nơi anh tài hội tụ. Người về Hà Nội có tài cao, nghề tinh đem tinh hoa đất cũ làm lên văn hóa, truyền thống cho đất mới. Những mảnh làng Hà Nội cũng được hưởng lợi từ cái hay, cái mới mà người “tứ chiếng” đem lại.

Có thể kể ra đây những “phở Nam Định”, “bánh đa Hải Phòng”, “bún bò Huế”, “lẩu Thái, lẩu Hàn”... đang dần sánh vai với “bánh cuốn Thanh Trì”, “đậu Mơ”, “cốm Vòng”, “giò chả Ước Lễ”... đề làm phong phú thêm “kho tàng” ẩm thực đất Kinh kỳ. Rồi những nghề mới như kim hoàn, khảm trai, chạm bạc, đúc đồng, in thêu, tranh thờ... đã đến “cư ngụ” ở nhiều làng quanh Hà Nội. Nhiều làng quê quanh Hà Nội giàu lên nhờ nghề mới, nhờ người tài quy tụ về...

Mới hay, ngay cả lúc “vặn mình” thay đổi, những làng quê Hà Nội còn phát huy chức năng “gạn đục khơi trong” vốn có ngàn đời. Lạ thế đấy!./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark