16/04/2010 | 16:06:00

Lễ hội làng Canh Hoạch tưởng nhớ các thành hoàng

Người dân làng Canh Hoạch làm quạt giấy. (Nguồn: thanglonghanoi)

Làng Canh Hoạch tên xưa là Cổ Hoạch, tên Nôm là làng Vạc hay làng Vác thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội, - một làng quê trù phú từng được dân trong vùng biết tới về nghề làm đồ chơi như đèn kéo quân cho trẻ em, làm quạt giấy.

Những năm gần đây, làng phát triển thêm nghề làm lồng chim. Ngày nào cũng có hàng trăm lồng chim mỹ thuật, kiểu dáng to nhỏ, chạm khảm trai lóng lánh chuyển lên vùng trung tâm Thủ đô.

Canh Hoạch nổi tiếng trong vùng là đất văn vật, nơi xuất hiện hai trạng nguyên thời phong kiến tự chủ. Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 chép "Nguyễn Đức Lượng, người xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, con tiến sĩ Nguyễn Bá Ký, cha tiến sỹ Nguyễn Khuông Lễ. Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ đệ nhất danh - trạng nguyên - khoa Giáp Tuất năm Hồng Thuận 6 (1514) đời Lê Tương Dực, thi đỗ năm 50 tuổi.

Lúc đầu tên là Hề được vua phê cho đổi tên là Đức Lượng. Làm quan đến chức Lễ bộ Tả thị lang. Sau khi mất được phong ''Thượng thư." Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng có người em gái là Nguyễn Thị Hiền lấy công tử Nguyễn Doãn Toại, con ông Nguyễn Doãn Địch, đỗ thám hoa khoa Tân Sửu năm Hồng Đức 12 (1481) đời Lê Thánh Tông, sinh cậu con trai đặt tên là Nguyễn Thiến.

Lên sáu tuổi, mẹ cho Nguyễn Thiến theo học cậu là Nguyễn Đức Lượng. Sau đi thi Nguyễn Thiến đỗ trạng nguyên. Dân gian gọi là trạng cậu, trạng cháu.

Cuộc đời trạng nguyên Nguyễn Thiến được tóm tắt trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 như "Nguyễn Thiến, người xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, 38 tuổi đỗ Hội Nguyên, được ban Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh - trạng nguyên - khoa Nhâm Thìn năm Đại Chính 3 (1532) đời Mạc Đăng Doanh. Ông làm quan nhà Mạc đến chức Lại bộ Thượng thư, ngự sử đài đô ngự sử, Đông các đại học sĩ, Nhập thị kinh diên, tước Thư quận công.

Sau vì bất mãn với nhà Mạc, ông cùng với thông gia là đại tướng Thái tể Phụng quốc công Lê Bá Ly dẫn quân chúng trốn vào Thanh Hóa quy thuận triều Lê Trung Hưng. Vua Lê Trung Hưng ban thưởng cho giữ nguyên các chức tước, đảm trách việc tuyển bộ quan lại cho nhà Lê trong khoảng tám năm. Mất năm Thiên Hựu (1557) đời Lê Anh Tông, thọ 63 tuổi."

Nguyễn Thiến hiệu là Cảo Xuyên, danh sĩ có tiếng ở thế kỷ 16. Ông đỗ trạng nguyên trước Nguyễn Bỉnh Khiêm một khoa, sau đó hai vị trạng nguyên này thường xướng họa thơ văn với nhau. Hiện còn một số bài thơ của Nguyễn Thiến chép trong Toàn Việt thi lục và Bạch Vân am thi tập. Nguyễn Thiến là cha của Nguyễn Quyện một danh tướng lỗi lạc thời nhà Mạc.

Nhắc đến văn hiến làng Canh Hoạch không thể không nhắc tới Nguyễn Quyện. Vốn là tướng giỏi của nhà Mạc, do cha bất mãn, ông giữ trọn chữ hiếu theo cha quy thuận nhà Lê. Sau khi cha chết, Nguyễn Quyện và em ông là Nguyễn Miễn trở lại nhà Mạc. Dân gian thời ấy có câu đề cao công lao của Nguyễn Quyện đối với triều Mạc: Quyện tồn Mạc tại/Quyện bại Mạc vong.

Sau những năm ở với triều Lê-Trịnh (1551-1557), Nguyễn Quyện trở về với nhà Mạc cầm quân đánh một số trận lớn thắng ròn rã đã làm thanh thế quân nhà Mạc cường mạnh hẳn. Nguyễn Quyện còn mang một bộ phận quân về xây dựng căn cứ quân sự lớn và mở mang thương nghiệp ở trang Cổ Hoạch, từ ngã tư Vác đến hết làng Tảo Dương. Đại bản doanh là khu nhà để sắc hiện nay ở làng Canh Hoạch. Thời bấy giờ dân gian có câu: Thứ nhất Cổ Bi/Thứ nhì Cổ Loa/Thứ ba Cổ Hoạch.

Cổ Bi ở huyện Gia Lâm, thế kỷ 28 chúa Trịnh Cương chọn đất ấy xây dựng Phủ đệ, Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh kinh đô thời Thục An Dương Vương. Với câu tục ngữ trên, qua con mắt của người dân, Cổ Hoạch được coi là một trong ba nơi có vị trí quân sự quan trọng và là nơi cư dân sầm uất, kinh tế phát triển ở vùng ngoài kinh thành Thăng Long. Chiến công của Nguyễn Quyện lẫy lừng đất nhà Mạc, vua Mạc phong ông lên bậc Thường quốc công rồi Thái bảo. Nhờ thanh thế của ông dân chúng quê hương ông rất tự hào.

Bẩy huyện xứ Đông là quê hương của nhà Mạc, còn Gạo - làng Tảo Dương, Vác - làng Canh Hoạch - là quê quán và trú quán của Thường quốc công Nguyễn Quyện. Trai gái ở những nơi trên giỏi giang trung thành với nhà Mạc.

Dĩ nhiên, vai trò cá nhân Nguyễn Quyện không thể cưỡng lại được xu thế tất yếu của lịch sử, khi nhà Mạc tuy có nhiều yếu tố tiến bộ nhưng đối ngoại làm mất lòng dân nên không quy tụ được nhân tâm tạo thành sức mạnh bảo vệ triều đình. Năm 1592, Nguyễn Quyện bị thua trận ở Cầu Dền, bị bắt và chết trong ngục. Các học giả Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú soạn sách đều đánh giá cao tài năng quân sự của Nguyễn Quyện.

Lễ hội làng Canh Hoạch có liên quan mật thiết với trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng và Thường quốc công Nguyễn Quyện. Chính hội làng tổ chức vào ngày 12/3 Âm lịch tại đình Canh Hoạch, xưa kia có tên là đình Đụn, nơi sinh hoạt chung cho cả năm giáp của làng.

Đình nằm ở thế đất cao giữa làng, với lối kiến trúc hoành tráng, khỏe khoắn và bay bổng, cửa đình trông hướng Tây. Cái khỏe khoắn thể hiện ở độ thấp của bộ cột kèo đỡ mái, kẻ tiền kéo dài ra, sự to ngang mở rộng của lòng nhà tiền tệ ấy nhưng lại rất thoáng và bay là kiểu kiến trúc của ống muống và nhà hậu cung từ đấy bất ngờ nhô lên một tòa nhà chồng diêm tám mái, các góc đao cong mũi rồng tựa như một bông hoa trên tòa đài vậy.

Người làng Vác rất tự hào về ngôi đình làng mình, truyền ngôn câu chuyện về bà Hậu, tức bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm con trạng nguyên Nguyễn Thiến, năm 1551 cùng thông gia Lê Bá Ly quy thuận vua Lê, theo gia phả thời gian này, Nguyễn Thiến đã gả bà cho chúa Trịnh Tùng.

Sau khi nhà Mạc bị đẩy lên chiếm cứ Cao Bằng, bà ra ở kinh đô Thăng Long. Bà Hậu có truyền sai người làng Gạo -Tảo Dương - nguyên quê nội của cha bà và người làng Vác nơi trú quán và là quê ngoại của cha, lên dỡ dinh cơ của bà chuyển gỗ về quê.

Làng Vác lên trước chọn dỡ căn nhà nhỏ. Làng Gạo lên sau phải dỡ ngôi nhà to hơn. Khi số gỗ đã mang về hai làng hết, bà chúa mới bảo số gỗ ấy bà cung tiến hai làng làm đình. Làng Gạo nhờ số gỗ nhà to nên làm đình lớn. Làng Vác có số gỗ của nhà nhỏ nên đình bé hơn, thay vì đất thợ nên đình tuy bé nhưng kiểu cách lại thanh và đẹp.

Câu chuyện dí dỏm trên đủ giải thích sự ra đời của ngôi đình ít nhất cũng có từ thời Lê-Mạc, đồng thời ca tụng cái đẹp của ngôi đình gắn với nghiệp của những người thợ thủ công mỹ thuật làm quạt “khéo tay hay mắt,” biến những cái thô trở thành cái đẹp trang sức cho làng mình. Đó cũng là một nét văn hóa của làng Vác.

Đình Canh Hoạch thờ ba vị thần, trong đó có hai vị thần tên là Trình Lý, Cao Hàn tương truyền là tướng thời Hùng Vương thứ 18 đem quân đi đánh giặc bảo vệ bờ cõi nước Văn Lang khi dẫn quân qua đất Canh Hoạch thấy đất có thế đẹp, một mặt trông ra sông Đáy, cạnh làng lại có khe nước thay hào rất thuận lợi lập đồn lũy liền đóng quân ở lại.

Đến thời nhà Trần có tướng Trần Uất, con thứ hai tướng quân Trần Hưng Đạo đã sát cánh bên cha chống giặc Nguyên Mông, thấy Canh Hoạch là nơi đắc địa cũng đem quân về lập đồn binh ở làng. Sau đó, ba vị tướng Trình Lý, Cao Hàn thời Hùng Duệ Vương và Trần Uất tên hiệu Minh Lang đại vương ở thời Trần được dân làng tôn thờ làm phúc thần - thành hoàng bảo trợ làng.

Xưa kia, lễ hội làng Canh Hoạch từ ngày 11-13/3 Âm lịch. Ngày 11/3 dân làng tổ chức rước ba cỗ kiệu thành hoàng, kiệu Đức Thánh bả Trình Lý đi trước, tiếp kiệu Đức Thánh hai Cao Hàn và kiệu Đức Thánh ba Trần Uất từ đình xuống cổng Dinh vào đình sắc rước các vị thành hoàng ra đình.

Sau đó, làng dùng kiệu đốn, xuống rước bát nhang của trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng từ nhà thờ trạng nguyên họ Nguyễn và lại rước bát nhang Thường quốc công ở đình Sắc về đình Đụn phối để tế cộng đồng. Ngày 13/3, dân làng tổ chức rước sắc, rước bát nhang trạng nguyên và Thường quốc công hoàn cung.

Xưa là vậy, còn nay, từ năm 1991, khi đình làng được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa, làng mở lại hội. Ngày 11/3 Âm lịch (tương truyền ngày sinh của vị thành hoàng Trần Uất) cả làng cùng ra đình sửa sang đồ lễ, dựng cổng chào và các cây nêu, thân nêu cắm bông tre nhuộm màu đẹp mắt.

Sáng hôm đó, dân làng tổ chức tế nghênh (tế mời), sang buổi chiều khoảng ba giờ dân làng mới cất vai kiệu tổ chức rước ra, đám rước lớn có đội cờ đội trống đội bát âm, bát bửu, gươm hầu, đội múa sênh tiền từ 12-16 em gái, làng có bốn xóm rước bốn cỗ kiệu, theo trình tự: đi đầu là kiệu đốn (kiệu cỗ) rước quan trạng; kiệu bát cống rước bài vị Đức Thánh cả, choàng áo đỏ; kiệu rước bài vị Đức Thánh hai, choàng áo vàng và tiếp kiệu rước bài vị Đức Thánh ba, choàng áo vàng.

Ngoài ra các xóm lẻ và xóm chợ của phố Vác có các cỗ kiệu nhỏ rước cỗ, rước lẵng hoa đi kèm đám rước. Đặc biệt, người làng Vác còn tạo đội hình rước quạt, một sản phẩm độc đáo của làng; trong đó có một chiếc quạt thờ đặt trong hậu cung của đình làng được làm vào đầu thế kỷ 20. Quạt dài hơn 80cm, khi xòe làm thành nửa vòng tròn có đường kính gần 160cm. Hai nan cái bằng sừng trâu đánh bóng đen nhánh, hình mái chèo, chỗ rộng nhất của bản nan hơn 7cm. Đầu quạt to bằng trứng ngỗng, mặt nan cái bằng sừng có chạm hổ phù và hình rồng cuốn thủy; mắt quạt bằng vải lụa.

Phù giá mỗi cỗ kiệu thánh có hai người vác quạt tre. Hai đội múa rồng biểu diễn dẹp đám từ đầu đến cuối đám. Đoàn rước từ đình là đường 22 đi qua ngã tư Vác đến ngõ vào nhà thờ trạng nguyên họ Nguyễn thì kiệu đốn tác ra rước cỗ vào nhà thờ, còn các cỗ kiệu khác đi tiếp xuống đầu làng và quay ngược lên.

Kiệu đốn được hạ xuống đặt trước sân nhà thờ trạng nguyên. Đó là nơi thờ kế tiếp ba đời đỗ Đại khoa của dòng họ Nguyễn là tiến sĩ Nguyễn Bá Kỳ, trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng, tiến sĩ Nguyễn Khuông Lễ.

Nhà thờ kiến trúc chữ nhị, không to tát mà khiêm tốn trên một gò đất cao trông ra ao rộng. Duy chỉ có hai cột đồng trụ búp hoa tựa hai ngọn bút vươn cao lên trời như một tín hiệu báo cho khách xa gần biết đó là nơi thờ.

Các lão làng Canh Hoạch dâng tiến lễ vào nhà thờ quan trạng, sau một tuần tế ông trưởng họ và các lão làng mang bát nhang quan trạng ra đặt lên kiệu đốn và dân làng cùng rước kiệu và cờ biển của trạng nguyên ra đường cái lớn nhập vào đoàn rước của làng đang đợi ở đó, vẫn theo trình tự kiệu rước quan trạng đi đầu. Đoàn rước đi qua cửa đình xuống cổng Dinh ở cuối làng thì một kiệu đi lối cửa đình vào rước bát nhang ông Thường quốc công ở nhà Sắc.

Nhà Sắc hay đình Sắc dưới danh nghĩa của làng nhưng thực chất là nơi thờ Nguyễn Quyện và là nơi ghi công trạng của gia đình trạng nguyên Nguyễn Thiến.

Hiện diện nhà Sắc kiến trúc kiểu chữ nhất, ba gian, hai bên có tả hữu mạc. Gian giữa đặt long ngai bài vị Thường quốc công Nguyễn Quyện, gian bên phải để hòm sắc của các triều đại phong kiến phong cho các vị thành hoàng, gian bên trái đặt bài vị bà Hậu, tức bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, con trạng nguyên Nguyễn Thiến, làng Vác tục gọi là Bà Chúa Thuận. Dân làng rước bát nhang Thường quốc công ra cổng Dinh và nhập vào đoàn rước quay trở lại đình làng để tế cộng đồng.

Các cỗ kiệu được sắp đặt ngay ngắn ở sân đình và các cụ lần lượt rước ba long ngai bài vị, các Thánh và bát nhang quan trạng, quan võ Thường quốc công đặt lên hương án trong hậu cung đình để dân chúng vào lễ Thánh.

Tục hèm của làng Canh Hoạch là dân đi tế và rước việc nhà Thánh không mặc áo đỏ, vàng mà mặc áo màu đen nẹp đỏ.

Ngày 12/3 Âm lịch  - ngày chính hội - các cụ tổ chức tế, dân làng dâng một lễ mặn gồm mặt lợn và ván xôi đầy. Ngày 13/3 Âm lịch, các xóm trong làng ra đình lễ tạ, mâm lễ chỉ làm đồ chay như hương hoa, oản, quả; tổ chức các trò chơi dân gian như đấu cờ, đánh gậy, hát chèo sân đình; đến chiều, sau tuần tế tiễn thì dân làng tổ chức rước kiệu đốn đưa bát nhang quan trạng quan võ Thường quốc công về yên vị, gọi là rước hoàn cung Thánh giá. Dân gian có câu: “Mười một rước ra, mười ba rước về” là vậy.

Hội làng Canh Hoạch là một hội lớn ở trong vùng. Việc cả làng đi rước trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng và quan võ Thường quốc công Nguyễn Quyện là một nét đẹp văn hóa độc đáo, đề cao truyền thống hiếu học và tinh thần thượng võ của làng.

Ngoài ra, những yếu tố trong lễ hội tưởng nhớ các vị thành hoàng thời Hùng Vương - thời Trần và yếu tố rước quạt tôn vinh nghề làng là những nét văn hóa đặc sắc khiến cho lễ hội làng Canh Hoạch trở nên sinh động hấp dẫn với dân chúng trong vùng./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark