04/06/2016 | 15:51:00

Lưới cước Trần Phú - làng nghề đặc biệt của Hà Nội

Làng lưới cước Trần Phú (xã Minh Cường, huyện Thường Tín) là một làng nghề đặc biệt của Hà Nội. Bởi tuy xa biển, nhưng hầu hết người dân nơi đây lại sản xuất các ngư lưới cụ nghề biển và sống được bằng nghề giữa đất Hà Thành.

Từ nghề thủ công truyền thống...

Nằm cách trung tâm Hà Nội gần 40km theo hướng Quốc lộ 1, Trần Phú được ví như “Làng biển giữa đất Hà Thành”. Làng có vị trí chạy dọc theo quốc lộ 1, bởi vậy khi còn cách làng gần 2km, chúng tôi đã nhìn thấy những dãy cửa hàng bày bán la liệt các sản phẩm lưới cước với đủ màu sắc, kích cỡ khác nhau.

Đến thăm gia đình anh Đinh Ngọc Khuyến, một trong những hộ sản xuất lưới cước lâu năm nhất trong làng, cùng với câu hỏi về nghề biển của làng, chúng tôi được nghe về lịch sử của làng nghề đặc biệt này.

Theo sử sách ghi lại, làng nghề lưới cước Trần Phú được hình thành vào năm 1428. Những người già trong làng vẫn truyền lại cho con cháu của họ câu chuyện về bà Thánh Mẫu, người khai sinh ra nghề làm lưới cước cho người dân Trần Phú. Tục truyền rằng Thánh mẫu là người gốc miền biển Thanh Hóa nhưng bà đã chuyển ra vùng đất làng nghề Trần Phú bây giờ lập nghiệp.

Trong một chuyến vi hành qua vùng đất này, nhà vua đã tình cờ gặp được bà và đem lòng yêu quý, rước bà về cung phong làm Tứ phi. Tuy nhiên do nhiều năm sống với vua mà không có con, bà đã xin về lại vùng đất Trần Phú sinh sống nốt quãng đời còn lại. Thỏa theo ước nguyện của bà, nhà vua đã ban cho bà một diện tích đất đai rộng lớn để sinh sống lúc tuổi già.

Vốn dĩ là người miền biển, với tính chịu thương chịu khó, bà đã dạy cho người dân nơi đây cách làm lưới đế đánh bắt cá, tôm mưu sinh. Kể từ đó, nghề làm lưới cước tồn tại cho đến ngày hôm nay ở vùng đất này.

Anh Khuyến chia sẻ: “Ngày từ nhỏ trong làng mình đã thấy mọi người làm nghề đan lưới nên nghề truyền thống này đã ngấm vào mình lúc nào không hay”. Bản thân anh Khuyến, khi mới 5 – 6 tuổi đã biết cặp chì, xâu mắt lưới, đan phao... Năm lên 12 tuổi, anh đã đan được những tấm lưới nhỏ để đánh bắt cá ở ao hồ.

Cũng theo anh Khuyến, thời điểm những năm 1982-1983, khi nghề đan lưới còn làm hoàn toàn bằng thủ công, để đan được một tấm lưới hoàn chỉnh mất rất nhiều công đoạn và thời gian. Mỗi tấm lưới dù là đơn giản cũng phải cần từ 4-5 người đan bởi nghề đan có đặc thù là nhiều công đoạn và mỗi người lại chỉ chuyên thao tác nào đó. Bởi vậy, tuy nghề làm lưới không mang lại thu nhập cao cho người dân trong làng, nhưng người dân vẫn duy trì bởi nó tận dụng được thời gian rảnh rỗi của nghề nông.

... Đến thương hiệu cước Trần Phú

Thời điểm mang tính bước ngoặt trong nghề lưới cước, là vào các năm 1996 và 1997, khi mà lưới cước bắt đầu được sản xuất bằng máy. Các công đoạn thủ công đã được giảm đi nhiều, chỉ còn tập trung vào những khâu quan trọng trong quá trình sản xuất lưới.

Thêm vào đó, thị trường những năm này cũng có nhiều thay đổi. Nếu ngày trước lưới chỉ chủ yếu sử dụng cho đánh bắt cá thì hiện nay nhu cầu sử dụng đã phong phú hơn rất nhiều. Ngoài lưới dùng để đánh bắt cá, lưới còn được sử dụng để bẫy chim, che hoa, che rau, làm bảo hiểm trong các công trình xây dựng ..

Chính nhu cầu sử dụng cao của thị trường đã là yếu tố thúc đẩy nghề lưới cước của làng Trần Phú có những thay đổi vượt bậc. Lưới cước Khuyến Hiền là cửa hàng chuyên sản xuất lưới cao cấp, nổi tiếng trong phạm vi bán kính 100 km.

Ngoài Khuyến Hiền, hiện làng Trần Phú có gần 100 hộ có cửa hàng kinh doanh, xưởng sản xuất lưới với quy mô hàng chục nhân công. Gia đình anh Khuyến hiện cũng có tổng cộng hơn 100 người làm công. Trong đó có khoảng 10 thợ giỏi chuyên nghiệp với thu nhập bình quân 150.000-200.000 đ/ngày, còn lại là những người già, người làm ngành nghề khác nhận về làm trong thời gian rảnh rỗi. Thu nhập của những người này trung bình cũng 50.000-70.000 đ/ngày.

Tuy vậy, anh Khuyến cho biết cửa hàng kinh doanh của gia đình mình vẫn thuộc diện nhỏ lẻ. Anh tiếp tục giới thiệu chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất sợi của gia đình anh Nguyễn Văn Qúy, một trong những xưởng có quy mô lớn nhất nhì trong làng với công nghệ máy móc hiện đại.

Theo như người dân trong làng kể lại, vào những năm 1980, sợi cước dùng để đan lưới ở Việt Nam không có. Các cụ trong làng đã phải đặt mua ở Nhật Bản và Singapore theo các đường cảng biển nhưng rất khó khăn và số lượng hạn chế. Ngày đó, thiết bị máy móc để sản xuất ra sợi cước này không ai dám nghĩ đến.Vậy mà hiện nay, ngay tại trên địa bàn xã đã có xưởng sản xuất sợi cước hiện đại được đầu tư gần chục tỷ đồng.

Mỗi tháng bình quân, xưởng của anh Qúy tiêu thụ 90 tấn cước. Xưởng luôn có 9 công nhân túc trực thường xuyên để vận hành 2 máy dệt sợi và 2 máy sản xuất ra cước. Thu nhập bình quân của công nhân trong xưởng là từ 5-7 triệu/tháng. Có những tháng chạy việc, thì thu nhập thậm chí lên đến 10-12 triệu đồng. Thêm vào đó, gia đình anh còn thuê thêm khoảng 30 hộ chuyên đan lưới thuê.

Hiện nay, lưới cước Trần Phú đã có mặt ở khắp cấc tỉnh thành trong nước và xuất khẩu sang cả Trung Quốc, Lào, Campuchia, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho không chỉ 1500 nhân khẩu của làng mà cả những địa phương khác. Chính sự kiên trì, vượt khó và sáng tạo bắt kịp xu hướng người tiêu dùng, làng lưới cước Trần Phú vừa qua đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tôn vinh danh hiệu: “Làng nghề truyền thống”./.



(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark