08/10/2023 | 21:20:00

Một Hà Nội thú vị trong tản văn của Nguyễn Ngọc Tiến

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến (trái) và nhà văn Trương Quý tại buổi giao lưu giới thiệu sách. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tối 8/10, tại Hà Nội, nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến giới thiệu với độc giả hai cuốn sách mới về những trải nghiệm, suy tư sâu sắc của ông đối với các lĩnh vực văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam.

Tập tản văn "Hà Nội còn một chút này" bao quát từ lịch sử, địa lý, văn hóa cho đến những câu chuyện nhỏ nhặt trong đời sống cư dân. Qua những trải nghiệm thực tế của một người gắn bó lâu năm với Hà Nội cùng những điều tra, khảo cứu trong thư tịch, sách vở, tác giả Nguyễn Ngọc Tiến cho thấy một Hà Nội thú vị, phong phú.

Ông đặt ra một loạt các câu hỏi: Vì sao người Hà Nội thường dùng từ "Bờ Hồ" để chỉ Hồ Hoàn Kiếm? Vì sao một số tòa nhà trên phố Tràng Tiền lại có mái hiên che kín vỉa hè? Vì sao lại gọi là Chợ Giời? Hàng bánh mỳ đầu tiên của Hà Nội nằm ở đâu?

Tập tản văn 'Hà Nội còn một chút này.' (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tác giả đưa bạn đọc tiếp tục "đi dọc," "đi ngang," "đi xuyên," "đi quanh" Hà Nội để từ đó khám phá ra vẫn còn biết bao nhiêu điều thú vị ở mảnh đất này, cho dù trước đó đã có rất nhiều cuốn sách viết về Hà Nội.

Cuốn sách thứ hai - "Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn" ghi lại những kỷ niệm trên khắp nẻo đường đất nước trong suốt 30 năm “rong ruổi với chữ nghĩa” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến.

Tác phẩm gồm nhiều câu chuyện nhỏ, trong đó "Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn" là một lần tác giả có cơ hội được nghỉ lại trong Hoàng Thành Huế. Ông được nằm ngay trên nền điện Càn Thành. Khu vực này xưa kia từng là cấm cung lộng lẫy nhưng nay chỉ còn là một nền đất hoang lạnh. Trong bối cảnh và không gian đặc biệt đó, Nguyễn Ngọc Tiến có cơ hội suy ngẫm về lịch sử, từ đó liên tưởng đến hiện tại, về thế thái nhân tình.

Là một tác giả dày dạn kinh nghiệm, song mỗi khi cầm bút viết, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến luôn tâm niệm rằng phải viết điều gì độc đáo, kể những câu chuyện khiến người khác muốn nghe. Vẫn là những phố ấy, những nhân vật, sự kiện ấy, nhưng ông không bao giờ viết lại những điều đã biết, nói lại những điều người nghe đã nhàm.

Theo nhà văn Trương Quý, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến viết về Hà Nội nhiều và hay, điều đó nhiều người đã biết nhưng mạch văn của ông sâu rộng hơn nhiều. Ông viết về đất nước mình cũng phong phú, thú vị không kém.

Nhà văn Trương Quý cho rằng "Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn" là cuốn sách tập hợp các bài viết thể hiện quan điểm, suy ngẫm của tác giả về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam trong quá khứ cũng như trong hiện tại.

“Anh Tiến có bút lực trong rất nhiều đề tài chứ không chỉ riêng về Hà Nội. Anh khám phá những dấu mốc đầu tiên của một sự kiện, hoặc tìm đến những khía cạnh của vấn đề mà chưa ai từng biết. Anh mở ra những lát cắt của lịch sử, xâu chuỗi các sự kiện và dẫn dắt đến những câu chuyện rất hấp dẫn,” nhà văn Trương Quý nhận định.

Buổi giao lưu ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cũng đã khép lại Hội Sách Hà Nội lần thứ VIII-năm 2023 với chủ đề “Thắp lửa tri thức-Kiến tạo tương lai.”./.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958 tại Hà Nội. Ông gắn bó phần lớn cuộc đời mình với thành phố quê hương và có gần 30 năm làm phóng viên cho Báo Hànộimới. Ông đã xuất bản nhiều sách, bao gồm tản văn, khảo cứu lẫn sáng tác văn học, như: “5678 bước quanh hồ Gươm,” “Đi dọc Hà Nội,” “Đi ngang Hà Nội,” “Đi xuyên Hà Nội,” “Chuyện quanh quanh Dâm Đàm,” “Chuyện Thăng Long Kẻ- Hà Nội Hàng,” “Hà Nội còn một chút này,” “Me Tư Hồng,” “Lính Hà,” “Mong manh”...

Ông từng được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì Tình yêu Hà Nội 2012 và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội năm 2012. Năm nay, ông được vinh danh là Công dân Thủ đô Ưu tú.

Minh Thu (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark