13/09/2023 | 14:50:19

Quận Hoàn Kiếm: Bề dày lịch sử và văn hóa đất Kinh kỳ

Hồ Hoàn Kiếm biểu tượng của Hà Nội. (Nguồn: Vietnam+)

Thành phố Hà Nội nằm ở phía Tây Bắc trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng. Phía Bắc Hà Nội tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc; phía Nam là các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình; phía Đông là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên; phía Tây là Hòa Bình và Phú Thọ.

Phần lớn địa hình Hà Nội là đồng bằng, trù phú bậc nhất là đồng bằng sông Hồng, còn lại của huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Quốc Oai là đồi núi.

Hiện nay thành phố Hà Nội có 12 quận bao gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm.

Quận Hoàn Kiếm: Bề dày lịch sử và văn hóa đất Kinh kỳ

Quận Hoàn Kiếm được đặt theo tên của Hồ Hoàn Kiếm, phía Tây giáp quận Đống Đa, phía Tây Bắc giáp quận Ba Đình và quận Đống Đa, phía Nam giáp quận Hai Bà Trưng, dọc từ phía Bắc xuống phía Nam là sông Hồng.

Quận Hoàn Kiếm nằm ở vị trí trung tâm của kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Toàn bộ quận vốn là đất thuộc huyện Thọ Xương cũ.

Là quận có diện tích nhỏ nhất của thành phố Hà Nội, nhưng quận Hoàn Kiếm là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị văn hóa quan trọng của thủ đô.

Trên địa bàn quận có nhiều trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế và văn phòng đại diện nước ngoài, cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, nhiều trụ sở tôn giáo lớn, nhiều di tích lịch sử-văn hóa và di tích cách mạng, các công trình kiến trúc-văn hóa có giá trị.

Quận Hoàn Kiếm còn là nơi tập trung các dịch vụ có kỹ thuật và chất lượng cao, những phố kinh doanh, chợ đầu mối lớn.

Lịch sử hình thành

Quận Hoàn Kiếm được hình thành cách đây gần 1.000 năm, có bề dày lịch sử phát triển.

Trước đây, vùng đất Hoàn Kiếm là ngã ba sông, nơi dòng sông Tô Lịch tách từ sông Nhị, từ phường Giang Khẩu rồi chảy qua các phố phường đông vui, trên bến dưới thuyền.

Nơi đây là đầu mối giao lưu với “tứ trấn” và cũng là điểm hội tụ nhân tài bách nghệ khắp bốn phương mà tên các phố hôm nay còn ghi đậm dấu ấn Hàng Đào, Hàng Trống, Hàng Bạc, Hàng Khay, Hàng Quạt, Hàng Da…

Từ năm 1954-1961, khu vực này gồm khu phố Hoàn Kiếm, khu phố Đồng Xuân và một phần của khu phố Hàng Cỏ, khu phố Hai Bà. Từ năm 1961-1981, gọi là khu Hoàn Kiếm.

Tháng 1/1981, thực hiện Hiến pháp mới, bộ máy chính quyền thành phố được tổ chức thống nhất thành 3 cấp, khu phố Hoàn Kiếm chính thức gọi là quận Hoàn Kiếm, là cấp trên cơ sở; các tiểu khu đại diện hành chính chuyển thành phường, là cấp chính quyền cơ sở. Theo đó, quận Hoàn Kiếm gồm có 18 phường và giữ ổn định cho đến ngày nay.

Quận Hoàn Kiếm hiện có 18 đơn vị hành chính phường gồm Cửa Nam, Hàng Bài, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Đồng Xuân, Hàng Mã, Cửa Đông, Hàng Gai, Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Trống, Chương Dương, Phúc Tân. Trụ sở Ủy ban Nhân dân quận tại 124 phố Hàng Trống.

Văn hóa và di tích lịch sử

Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô. Với bề dày truyền thống quý báu, Hoàn Kiếm còn là nơi lưu giữ 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng nổi tiếng như quần thể di tích Hồ Gươm-Đền Ngọc Sơn-Đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19-8, Nhà Thờ Lớn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, Chợ Đồng Xuân... và đình thờ các ông tổ nghề như đình Lò Rèn, đình Hàng Giấy...

Nói đến Thăng Long-Hà Nội xưa là nói đến “36 phố phường” với những đường phố phường nghề có chữ “hàng” ở đầu.

Quận Hoàn Kiếm hầu như thâu tóm gần hết những phố “hàng” ấy như Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Buồm, Hàng Mã... Những con phố mà tên gọi đã giúp ta nhận biết dáng dấp của những làng nghề.

Khu Phố cổ Hà Nội được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, trở thành cụm di sản đô thị đặc trưng, là tài sản quý giá trong kho tàng di sản văn hóa của Thăng Long-Hà Nội, nơi đang lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc, nét đẹp truyền thống của người Hà Nội hào hoa, thanh lịch.

Kem Tràng Tiền. (Nguồn: Vietnam+)

Những điểm du lịch đẹp không thể bỏ lỡ ở Hoàn Kiếm

Khách du lịch và người dân địa phương đã tổng kết những địa điểm, khu vực không thể không ghé thăm khi tới quận Hoàn Kiếm.

1. Hồ Hoàn Kiếm

Không chỉ tượng trung cho riêng quận Hoàn Kiếm, Hồ Hoàn Kiếm, hay còn gọi là Bờ Hồ, Hồ Gươm, là biểu tượng lịch sử của thủ đô Hà Nội, là điểm “định vị” của rất nhiều người khi lần đầu đến Hà Nội. Đặc biệt, vào các ngày cuối tuần, nơi này còn diễn ra phố đi bộ với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.

2. Nhà thờ Lớn

Nhà Thờ Lớn được xây dựng vào năm 1884 và khánh thành đúng dịp Lễ Giáng Sinh năm 1887. Đây là một trong những công trình kiến trúc phương Tây đầu tiên được xây dựng tại Hà Nội.

Trải qua bao năm tháng, Nhà thờ Lớn Hà Nội được ví như "nhân chứng" xuyên 3 thế kỷ, chứng kiến sự “thay da đổi thịt” từng ngày của Thủ đô.

Hiện nay, nơi này là tụ điểm của giới trẻ với các quán trà cà phê xinh xắn,ấm cúng, và đặc biệt là món nem chua nướng Ấu Triệu.

3. Phố cổ Hà Nội

Còn được các du khách gọi là Old Quarter, khu vực phố cổ Hà Nội, với những con phố quen thuộc mang tên “Hàng…” là nơi tập hợp rất nhiều vẻ đẹp của kiến trúc cổ, những đình miếu xưa cũ, những giá trị văn hóa ngàn năm, cùng một nền ẩm thực phong phú, là nơi bắt buộc phải ghé qua khi tới Hà Nội.

Các địa chỉ ăn uống nổi tiếng trong khu vực phố cổ có thể kể đến chả cá Lã Vọng, bún dọc mùng Bát Đàn, bún ốc cô Huệ Nguyễn Siêu, cháo sườn chợ Đồng Xuân, phở mặn Gầm Cầu…

4. Chợ Đồng Xuân

Được xây dựng vào năm 1889, chợ Đồng Xuân được biết tới là chợ trong nhà lớn nhất Hà Nội, cung cấp đầy đủ hàng hóa như sản phẩm tươi sống, đồ lưu niệm, phụ kiện và quần áo, cũng giống như đồ điện tử và đồ gia dụng.

Nơi đây không đơn thuần là điểm giao thương mà còn có giá trị văn hóa, tinh thần phản ánh cuộc sống sinh hoạt của người dân Hà Nội xưa.

Sau nhiều lần tu sửa, phần mặt tiền của chợ vẫn được bao tồn nguyên vẹn, tạo nên dấu ấn độc đáo cho những bức ảnh, bưu thiếp về Hà Nội xưa và nay.

Vào các buổi tối cuối tuần, nơi đây còn diễn ra chợ đêm, kéo dài từ chợ Đồng Xuân đến khu vực Hồ Hoàn Kiếm, lúc nào cũng nhộn nhịp khách, với những sản phẩm thân thuộc, dân dã của người Việt Nam.

5. Tràng Tiền

Phố Tràng Tiền nhìn thẳng ra Hồ Gươm là một trong những con phố sang trọng nhất của Hà Nội trong thời thuộc địa. Nơi này đặc biệt có Tràng Tiền Plaza, một trong những trung tâm thương mại lâu đời nhất ở Việt Nam, với kiến trúc vừa sang trọng vừa cổ điển.

Ngoài ra, kem Tràng Tiền ra đời năm 1958 cũng là món quà vặt của biết bao thế hệ, và vẫn tiếp tục giữ vững sức hút cho đến ngày hôm nay, chủ yếu nhờ những ký ức về hương vị tuổi thơ. Cho đến hiện tại, món kem đậu xanh mang thương hiệu Tràng Tiền vẫn được nhiều người đánh giá là “ngon nhất Việt Nam.”

6. Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Nhà tù Hỏa Lò hay nhà pha Hỏa Lò là một nhà tù do thực dân Pháp xây dựng trên khu đất xưa thuộc làng Hỏa Lò, nay có địa chỉ số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo.

Đặc biệt, nơi này có tour trải nghiệm “Đêm thiêng liêng” giúp du khách sống lại những khoảnh khắc lịch sử đắt giá tại chính địa điểm "địa ngục trần gian" một thời giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, do rất đắt khách, để tham gia tour này khách sẽ phải đặt trước khá lâu./.

(Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark