17/11/2012 | 08:47:00

Một thời Hà Nội theo phong trào "Tùy theo sức của mình"

Cách đây 40-50 năm, hàng vạn học sinh cấp 1, cấp 2 của Hà Nội sôi nổi tham gia một phong trào mang tên “Kế hoạch nhỏ” cuốn hút nơi nơi.

Cách đây 40-50 năm, hàng vạn học sinh cấp 1, cấp 2 của Hà Nội sôi nổi làm theo những lời khuyên của Bác Hồ trong một bài thơ: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình/Để tham gia kháng chiến/Và gìn giữ hòa bình...” do Người gửi thiếu nhi cả nước từ cuối kháng chiến chống Pháp.

Vâng, có một phong trào mang tên “Kế hoạch nhỏ” cuốn hút nơi nơi. Theo các chỉ tiêu từng đợt của mỗi trường học, các đội viên thiếu niên tiền phong tỏa về khắp chốn, chưa quen đi bộ vài cây số cũng vẫn hăm hở kéo nhau tới giáp ranh các hướng nội, ngoại thành... để thu gom phế liệu, sắt vụn...

Có lần, chi đội 4A (trường cấp 1 Lý Thường Kiệt) của tôi tìm được mấy tấm tôn rộng hơn mặt bàn giáo viên, hè nhau khệ nệ khiêng từ Cầu Giấy về tới phố Sinh Từ, cứ ngót trăm mét lại nghỉ vì mỏi. Thế mà, vẫn hát vang “Vui tung tăng hớn hở, em làm kế hoạch nhỏ, nhặt giấy, trồng cây, chi đội ta có ngay...” theo lời bài ca của nhạc sĩ Phong Nhã.

Gom góp từng chút, từng phần... rồi đến ngày thiếu nhi Hà Nội cùng reo khi nghe thông báo “tuổi nhỏ Thủ đô góp phần nhiều nhất” trong thành quả của trẻ em miền Bắc. Từ các “kế hoạch nhỏ” đó mà đã đủ tiền xây Nhà máy nhựa Thiếu niên tiền phong ở Hải Phòng. Từ đó, nhà máy sớm có nhiều vạn đôi dép nhựa nâng bước cho mọi người đi học, đi làm.

Sau “cao điểm” đó, là mỗi học kỳ - mỗi mùa Hè... vẫn thường xuyên các “việc nhỏ” được nối tiếp. Bên cạnh làm theo mỗi chi đội, phân đội... cùng đi tìm kiếm, thu gom, là hàng vạn đội viên lặng lẽ và tự giác “làm riêng.”

Bạn thì cầm ống bơ, chăm chú nhìn các rãnh nước dọc hè phố, các đống rác ở chợ này chợ nọ... để gắp nhặt hàng trăm, hàng nghìn hột táo bán cho các hiệu thuốc Bắc tách lấy nhân trong hột.

Bạn thì xin bố mẹ sắm cái ấm nhôm, vài bát sành... để đi bán nước vối, nước chè xanh... ở bến xe, nhà ga. Rồi vào các công sở để xin giấy vụn, “quần” khắp các gốc cây bên đường Trần Phú, Phan Đình Phùng... để nhặt xác ve sầu vừa lột. Đó cũng là vị thuốc dân gian, có thể bán được...

Và sau lứa chúng tôi mươi lăm năm, Hà Nội lại cùng cả nước cao trào “Kế hoạch nhỏ” để năm 1978 có “Đoàn xe lửa Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh” rồi năm 1985 có “Khách sạn Khăn quàng đỏ” khá nguy nga.

Một hai chục năm gần đây, “Kế hoạch nhỏ” vẫn còn, song hình như đang “chìm” dần trong nhiều nội dung có “phát” mà ít “động.”

Dĩ nhiên mỗi thời thì cách làm “kế hoạch nhỏ” mỗi khác. Song nhớ xiết bao một thời toàn tâm toàn ý đua nhau “tùy theo sức của mình” mà xây dựng được những kế hoạch nhỏ, góp phần làm nên những công trình lớn.

Và không những thế, từ trong mỗi kế hoạch nhỏ của mình, các em thiếu nhi đều rèn luyện cho mình ý thức tập thể, quan tâm đóng góp sức lực cho cộng đồng, xã hội.

Mong cho riêng Hà Nội sau nghìn tuổi, và cho chung cả nước, các năm học tới sẽ có thêm nhiều những “kế hoạch nhỏ” để lôi cuốn các em tham gia, góp phần đẩy lùi “cơn nghiện” game, chat, đẩy lùi căn bệnh học gạo, học nhồi nhét kiến thức, học không đi đôi với hành./.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark