09/04/2010 | 18:48:00

Người dày công phục dựng trang phục cung đình

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi chỉ dẫn một số chi tiết thêu phức tạp cho thợ thêu.

Trong 20 năm qua, những bộ trang phục cung đình trưng bày ở những cuộc triển lãm và bảo tàng trong và ngoài nước đã thu hút sự chú ý của công chúng.

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi ở thôn Đông Cửu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội đã dày công phục dựng áo vua, trang phục cung đình.

Nghề thêu từ khi được ông Tổ Lê Công Hành (1606-1661) truyền dạy cách đây 350 năm vào giữa thế kỷ 17 ở xã Quất Động-Thường Tín, dần tỏa rộng khắp các làng lân cận. Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, hậu duệ những nghệ nhân thêu thôn quê Thường Tín được trưng dụng tới Huế làm các trang phục cung đình như long bào, áo, mũ, hia, hài cho triều Nguyễn (1802-1945).

Chúng tôi về Đông Cửu gặp nghệ nhân Vũ Văn Giỏi và vợ là chị Nguyễn Thị Bé để xem lại các bộ trang phục triều Nguyễn và nghe anh chị kể về quá trình phục dựng áo vua.

Năm 10 tuổi, Vũ Văn Giỏi bắt đầu biết thêu và dần kế thừa cha ông nghệ thuật thêu rồng, thêu phượng. Thêu rồng, phượng cung đình - nét đặc sắc lâu đời vùng Thường Tín xưa được thể hiện qua kỹ thuật thêu đường lượn, đường viền các khối hình, thêu nối đầu, thêu đột, thêu kim tuyến… Dần dần, anh học thêu áo vua và trang phục cung đình.

Năm 1998, chiếc áo thái tử triều Nguyễn đã được anh phục dựng thành công sau bốn năm nghiên cứu. Qua hơn 15 năm làm nghề phục dựng trang phục cung đình, anh làm được 30 bộ áo, từ áo vua tới áo hoàng hậu, thái tử, công chúa. Bộ trang phục cung đình của nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã gắn liền sự kiện UNESCO công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại năm 2003.

Nói về nghề cùng kỹ thuật phục dựng áo vua, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi cho biết: "Loại trang phục này đòi hỏi tỉ mỉ, khắt khe, chính xác tới từng chi tiết như chọn tơ, xe chỉ, nhuộm màu, đường thêu. Để hiểu về mẫu mã trang phục cung đình xưa anh phải tự mày mò nghiên cứu qua sử sách, hoa văn, họa tiết trên các di vật còn lại trên bia đá cổ, đình, chùa, cũng như học hỏi các cụ già làm nghề thêu trong làng…"

Trang phục mỗi triều vua có chất liệu riêng nên phải chọn sao cho phù hợp. Triều Lý (1009-1225) dùng gấm vóc may lễ phục, vua mặc áo màu vàng, quần tía, búi tóc, cài trâm vàng.

Triều Nguyễn (1802-1945), trang phục vua có mũ miện, áo long cổn, xiêm, đai, hia… Áo long cổn bằng sa nam màu vàng trầm, thân áo thêu nhiều họa tiết như rồng, mặt trời, mặt trăng, sao, núi. Vạt thêu rồng, mây, hình sóng nước… Tay áo thêu họa tiết hình con dơi cùng rồng quay đầu xuống. Bên trong mặc áo đơn màu bạch tuyết, cửa tay thêu hình rồng, mây.

Chất liệu vải, chỉ thêu bằng tơ tằm. Cách thêu đường canh nào, theo đúng đường canh đó. Dù có hàng ngàn mũi chỉ trong một đường canh thì các mũi này phải đều nhau cả về độ dài lẫn khoảng cách. Chỉ thêu tơ tằm màu sắc hòa nhã, không bóng nhưng cũng không xỉn.

Áo của mỗi ngôi thứ khác nhau cũng dùng một loại chỉ khác nhau. Áo vua (long bào) dùng chỉ xe hai chiều, nền màu ngũ sắc thiên lam, vàng. Áo hoàng hậu có màu tím, đỏ, hồng. Áo hoàng tử màu vàng. Màu kim tuyến áo hoàng hậu khác áo công chúa, hoàng tử. Mỗi trang phục đều có quy định riêng khắt khe về khoảng cách giữa các họa tiết, khuy cài... nên mỗi trang phục phải đặt một thợ riêng giỏi làm cho từng chi tiết. Bộ áo đơn giản nhất cần bốn thợ thêu trong vòng năm tháng.

Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi tâm sự: "Phục dựng trang phục cung đình đã thành nghiệp rồi. Dường như các vua 'có chỉ' cho mình gắn bó với việc làm sống lại trang phục cung đình các triều đại." Nghệ nhân cũng mong muốn thành phố Hà Nội có sự đầu tư tiền của để phục dựng trang phục cung đình triều Lý (1009-1225) trưng bày tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark