16/09/2010 | 17:10:00

Người xây Văn Miếu

Văn Miếu ngày nay. (Nguồn: Internet)

Tòa tháp Báo Thiên không còn, nhưng công trình để đời nữa của Lý Thánh Tông là Văn Miếu thì gần 1.000 năm vẫn cổ kính mà sáng rực giá trị và ý nghĩa giữa Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Sử cũ chép 60 năm sau ngày định đô Thăng Long, ở phía ngoài Cửa Nam Hoàng Thành (cửa này có tên gọi đầy ý nghĩa là cửa Đại Hưng - Sự hưng thịnh lớn) đã mọc lên một tòa kiến trúc làm sáng giá cho kinh đô nước Đại Việt, mãi cho đến tận ngày nay đó là Văn Miếu.

Vì thế, người cho xây dựng Văn Miếu vào năm 1070 rõ ràng là một nhân vật đặc sắc của Thăng Long đương thời.

Ông chính là thái tử Lý Nhật Tôn của Thái Tông Lý Phật Mã, người nối tiếp sự nghiệp của Lý Thái Tổ, hoàn thiện cuộc định đô Thăng Long ở đầu thế kỷ 11.

Trở thành "Lý gia đệ tam đế", Lý Nhật Tôn - về sau được gọi bằng miếu hiệu Lý Thánh Tông chính là người mở ra kỷ nguyên phát triển thịnh vượng của cả vương triều Lý nước Đại Việt.

Là người tài giỏi và ham việc chữ nghĩa trí tuệ ngay năm đầu chính thức kế vị vua cha Lý Thái Tông ngồi ngai thiên tử ở tuổi 32, Lý Thánh Tông đã ban hành luôn hai sự kiện văn hóa tinh thần đặc sắc đó là: Đổi quốc hiệu Đại Cồ Việt thành Đại Việt và dùng niên hiệu Long Thụy Thái Bình - sự an khang thịnh vượng với vẻ đẹp của rồng cho nhà vua.

Bốn chữ Long Thụy Thái Bình này về sau và cho đến bây giờ vẫn thấy nổi nét sắc sảo trên những viên gạch nung được dùng làm vật liệu để Lý Thánh Tông liên tiếp cho xây dựng những công trình kiến trúc kì vĩ ở khắp miền đất nước.

Tòa tháp Báo Thiên - cây cột trụ chống trời giữ yên non sông đất nước như lời thơ của Phạm Sư Mạnh là đệ nhất "tứ đại khí" báu vật hàng đầu trong bốn vật khổng lồ của nước Đại Việt và văn hóa Thăng Long nằm trong số những công trình mà Lý Thánh Tông đã cho xây dựng trong thời gian trị vì ở độ tuổi 30 của mình.

Tòa tháp Báo Thiên không còn, nhưng công trình để đời nữa của Lý Thánh Tông là Văn Miếu thì gần 1.000 năm vẫn cổ kính mà sáng rực giá trị và ý nghĩa giữa Thủ đô Hà Nội ngày nay./.

("Kể chuyện ngàn xưa Thăng Long-Hà Nội"/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark