22/12/2012 | 09:51:00

Những ngôi nhà lịch sử cách mạng ở Hà Nội

Nhà số 5D phố Hàm Long - Nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 3/1929.

Giữ vị trí đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước nên Thủ đô Hà Nội có rất nhiều di tích lịch sử cách mạng-kháng chiến, trong đó có nhiều ngôi nhà lịch sử cách mạng. Những ngôi nhà này gắn liền với những sự kiện lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Nhà số 5D Hàm Long - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên


Cuối tháng 3 năm 1929, những người tiên tiến trong Kỳ bộ Bắc kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội là các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung ... đã họp tại số nhà 5D phố Hàm Long để thành lập Chi bộ Cộng sản.

Đồng chí Trần Văn Cung, tức Quốc Anh, được cử làm Bí thư, riêng đồng chí Nguyễn Phong Sắc vì bận công tác đột xuất nên vắng mặt nhưng vẫn được công nhận là thành viên chính thức.

Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam được thành lập ở Hà Nội là một thắng lợi quan trọng của tư tưởng vô sản trong cuộc đấu tranh với tư tưởng phi vô sản và các xu hướng quốc gia khác.

Tại Đại hội Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ lần thứ II (28-3-1929), chủ trương thành lập Đảng Cộng sản được nhiệt liệt tán thành. Nhưng đến Đại hội Thanh niên Toàn quốc họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) từ ngày 1-5-1929, đề nghị thành lập Đảng Cộng sản của Đoàn bắc Kỳ do đồng chí Ngô Gia Tự dẫn đầu đã bị Tổng bộ Thanh niên bác bỏ.

Ngay sau đó, đoàn Bắc Kỳ bỏ đại hội ra về, triệu tập cuộc họp tại ngõ chùa Hương Tuyết (Bạch Mai) để bàn việc xúc tiến thành lập Đảng. Ngày 17-6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Đông Dương cộng sản Đảng chính thức thành lập. Chính cương và Tuyên ngôn của Đảng được công bố. Tờ báo Búa Liềm, cơ quan Trung ương của Đảng và các tổ chức quần chúng của Đảng cũng lần lượt ra đời tại Hà Nội.

Ngôi nhà 5D Hàm Long có 1 tầng, mái lợp ngói ta, một bên giáp nhà số 5C, một bên là ngõ nhỏ ăn sang phố Lê Văn Hưu. Chính địa thế này đã giúp cho các đồng chí của Đảng an toàn. Căn nhà 5D hiện được giữ làm nhà trưng bày của Bảo tàng Hà Nội, các đồ đạc bày biện trong nhà còn lại gần như xưa. Diện tích và mặt bằng vẫn được giữ nguyên.

Nhà số 8 Lê Thái Tổ - nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp

Nơi đây trước kia gọi là đường vua Lê hay đường Bờ Hồ, thuộc phần đất của các thôn Khánh Thụy tả, Khánh Thụy hữu, Tự Tháp, Phúc Phố, Tô Mộc. Tất cả những thôn này đều thuộc Tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Di tích nhà số 8 phố Lê Thái Tổ hiện nay không còn nữa nên việc xác định niên đại xây dựng của ngôi nhà chưa cụ thể. Nhưng vì đây là ngôi nhà của viên Chánh án tòa Thượng thẩm Moocse (Tòa án Tối cao của Pháp tại Hà Nội) nên có thể đoán định niên đại xây dựng nó cùng thời với ngôi nhà của Tòa án Tối cao ở phố Lý Thường Kiệt, vào những năm 20 của thế kỷ XX.

Di tích số 8 phố Lê Thái Tổ trông ra Hồ Gươm - trung tâm Hà Nội. Di tích xưa có diện tích trên 2.000m2 được kiến trúc thiết kế theo kiểu biệt thự của Pháp với 8 buồng ở, hai tầng thoáng rộng.

Theo lịch sử cách mạng, ngày 24/8/1945, Bác Hồ từ căn cứ địa Việt Bắc về tới Hà Nội và ở tại số nhà 48 Hàng Ngang. Nhưng sau một thời gian, để đảm bảo an toàn, Bác đã chuyển đến số 8 Lê Thái Tổ để ở trong những ngày đầu đất nước độc lập.

Tại đây, Trung ương đã quyết định nhiều chủ trương lớn như chuẩn bị cho Tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam; tăng gia sản xuất cứu đói, diệt giặc dốt; chống bọn phản động Việt quốc, Việt cách; chống âm mưu trở lại của thực dân Pháp. Mặc dù ngôi nhà số 8 phố Lê Thái Tổ đã bị thực dân Pháp bắn nát từ ngày đầu Tòan quốc kháng chiến (tháng 12-1946), nhưng vẫn mang ý nghĩa to lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Nhà số 90 Thợ Nhuộm - nơi Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng viết Dự thảo "Luận cương chính trị"

Nhà số 90 phố Thợ Nhuộm trước đây là nhà riêng của một công chức Phủ Toàn quyền tên là Đuyô. Năm 1930, Trần Phú từ Liên Xô về nước đã được bố trí ở tại tầng hầm cùng với nơi ở của anh bếp, bồi.

Chính tại đây, Trần Phú đã dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng. Với văn kiện này, công nhân và nhân dân Việt Nam đã có một Cương lĩnh cách mạng phản ánh đúng quy luật khách quan của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, đáp ứng được những đòi hỏi cấp bách của lịch sử.

Ngay từ năm 1960, trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Thành ủy - Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội đã coi ngôi nhà 90 Thợ Nhuộm là một trong những di tích quan trọng trong hệ thống các di tích cách mạng như 5D Hàm Long, 48 Hàng Ngang.

Năm 1980, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã tới thăm và cắt băng khánh thành bức tượng đồng chí Trần Phú. Bức tượng bán thân bằng đồng đặt tại vườn hoa phía sân trong của ngôi nhà.

Hiện nay, tầng hầm đó được xếp đặt đúng như thời kỳ Tổng bí thư Trần Phú làm việc tại đây. Địa chỉ 90 phố Thợ Nhuộm đã trở thành Nhà lưu niệm./.

 

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark