13/01/2012 | 17:45:00

Quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị ở Hà Nội

Chưa bao giờ có trong lịch sử, chỉ với 20 năm (1986-2006) Hà Nội có sự phát triển nhanh, mạnh và toàn diện đến thế. Từ một Thành phố nghèo nàn, lạc hậu của thời kỳ bao cấp, Hà Nội đã vươn lên trở thành một Thành phố năng động và hiện đại, xứng đáng với vai trò là Thủ đô, một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội quan trọng của cả nước, tiến tới trở thành một trong những Thành phố hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, sự chuyển đổi từ một Thành phố thời bao cấp sang Thành phố thời kinh tế thị trường đã làm cho công tác quản lý đô thị càng trở lên khó khăn và nóng bỏng hơn bao giờ hết. Mặc dù Đảng bộ và Chính quyền Thành phố đã có nhiều nỗ lực đổi mới cơ chế và chính sách quản lý đô thị nhưng bên cạnh những mặt đạt được thì cũng tồn tại không ít những bất cập và sai sót trong công tác quản lý đô thị. Để văn minh, hiện đại và phù hợp hơn với xu thế phát triển của thời đại, Hà Nội cần phải nhìn lại chặng đường 20 năm qua để rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích cho công tác hoạch định chính sách và quản lý đô thị Hà Nội được tốt hơn.

Quản lý đô thị là một lĩnh vực rất rộng lớn, liên quan đến mọi hoạt động của Thành phố, vì vậy trong bài viết này tôi chỉ đề cập đến một số vấn đề quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị Hà Nội thời kỳ 1986-2006.

1.Quản lý đất đai và nhà ở

Về quản lý đất đai: Đất là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, trong đó đất đô thị được xếp vào loại quý giá nhất và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất. Sự đô thị hoá mạnh ở Hà Nội trong hai thập niên qua làm cho công tác quản lý đô thị trở nên phức tạp và khó khăn hơn trước. Quản lý đất đai và nhà ở là một trong những vấn đề nổi cộm hàng đầu. Chính quyền Thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý đất đai.

UBND Thành phố là cơ quan có trách nhiệm cao nhất trong quản lý đất đai và nhà ở. Sở Nhà đất, Sở Địa chính và Sở Quản lý đô thị là những cơ quan chuyên môn giúp UBND Thành phố thực hiện tốt chức năng quản lý của mình. Tuy nhiên, sự tồn tại của cơ quan này dẫn đến sự chồng chéo trong công tác điều hành và quản lý. Vì vậy, đến năm 1995, Sở Địa chính nhà đất Hà Nội được thành lập để thay thế cho các cơ quan trên[1]. Sở là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội, có chức năng tham mưu, giúp UBND Thành phố thực hiện quản lý nhà nước về đất đai; tổ chức thẩm định và trình UBND các văn bản của các sở, ban, ngành, quận huyện về kế hoạch sử dụng đất đai; điều tra, khảo sát, đo đạc, đánh giá, phân hạng đất, lập bản đồ và hồ sơ địa chính; tổ chức việc thực hiện sau khi đã được phê duyệt. Ngoài ra, UBND Thành phố còn thành lập các Phòng Địa chính ở các cấp Chính quyền cơ sở để tăng cường quản lý đất đai và nhà ở được chặt chẽ hơn. Đến năm 2000, UBND Thành phố thành lập Ban chỉ đạo chính sách và nhà ở Hà Nội. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp UBND Thành phố tổ chức hội nghị lãnh đạo các ngành, các cấp trực thuộc giải quyết vấn đề đất đai và nhà ở.

Điều 55 của Luật Đất đai[2] xác định, đất đô thị là đất nội thành, nội thị xã, thị trấn được dùng để xây dựng nhà ở, trụ sở, các cơ quan tổ chức, các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh và các mục đích khác. Đất đai ở Hà Nội được chia thành hai loại: Đất dân dụng (đất ở, đất công cộng, đất trồng cây xanh, đất giao thông…); đất ngoài khu vực dân dụng (đất nông nghiệp, đất kho bãi, đất chuyên nghành, đất an ninh quốc phòng, đất chưa sử dụng…). Căn cứ theo các văn bản pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tiễn của Thủ đô, Chính quyền Thành phố Hà Nội đã ban hành khá nhiều quyết định, chỉ thị và văn bản hướng dẫn việc thực hiện công tác quản lý đất đai và nhà ở.

Căn cứ theo Nghị định 88/CP của Chính phủ ra ngày 17/08/1994 về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, Chính quyền Thành phố đã ban hành một số văn bản hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tới các cấp Chính quyền cơ sở. Theo đó, UBND Thành phố giao trách nhiệm cụ thể cho Chủ tịch UBND các quận, huyện phối hợp với Kiến trúc sư trưởng Thành phố, Giám đốc Sở Địa chính Hà Nội tập trung chỉ đạo các phường, xã tuyên truyền cho nhân dân hiểu và thông suốt quan điểm và nguyên tắc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất.

Để quản lý việc chuyển quyền sở hữu đất đai, UBND Thành phố đã ra Quyết định số 158/2002/QĐ-UB ban hành ngày 15/2/2002, quy định những thủ tục, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, và thế chấp đất đai trên địa bàn Thành phố. Căn cứ theo Nghị định 61/CP ngày 7/5/1994 và Nghị định 21/CP ngày 16/4/1996 của Chính phủ, Chính quyền Thành phố đã ban hành quy định về việc áp dụng hệ số K để đảm bảo giá trị chuyển quyền sử dụng đất đai một cách hợp lý giữa các loại đường phố trong khu vực hoặc giữa các đoạn đường trên một tuyến đường. Việc áp dụng hệ số K được áp dụng cho ba khu vực: trung tâm, cận trung tâm và thị trấn ở ngoại thành.

Căn cứ theo Luật Đất đai, Chính quyền Thành phố đã có một số đổi mới trong công tác giao đất. Đối tượng được Thành phố cấp xét giao đất là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, cá nhân trong nước các tổ chức cá nhân nước ngoài và các tổ chức quốc tế có nhu cầu sử dụng để thực hiện các dự án đầu tư.

Chính quyền Thành phố rất quan tâm đến công tác đền bù thiệt hại cho các chủ sử dụng đất bị thu hồi vào các công trình xây dựng phục vụ lợi ích công cộng và an ninh quốc phòng. Theo Quyết định số 123/QĐ-UB thì việc đền bù thiệt hại trong giải phóng mặt bằng xây dựng tại Hà Nội chỉ được tiến hành và thực hiện đối với các công trình có đầy đủ thủ tục pháp lý. Chính quyền cũng quy định mức đền bù cụ thể đối với từng loại đất bị thu hồi[3].

Để quản lý nguồn đất, Chính quyền Thành phố đã tiến hành lập kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất đai. Thành phố chủ trương khoanh định các loại đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất khu dân cư nông thôn, khu đô thị, đất chuyên dùng, đất chưa sử dụng của Thành phố để điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Thành phố. Ngày 29/11/1999, UBND Thành phố ra Chỉ thị số 22/1999/Ct-UB về dự án kế hoạch sử dụng đất Hà Nội đến năm 2010.

Chính quyền Thành phố cũng tăng cường công tác thanh tra và xử lý những trường hợp cán bộ và nhân dân vị phạm quản lý đất đai. UBND các cấp phải chịu trách nhiệm quản lý đất đai, giải quyết triệt để tranh chấp, kiện toàn ngành quản lý đất đai ở địa phương mình. Ngày 16/1/1992, UBND Thành phố ra Chỉ thị số 04/CT-UB về tăng cường công tác thanh tra quản lý đất đai. Ngày 23/8/1994, UBND Thành phố ra Chỉ thị về kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng vi phạm pháp lệnh đê điều. Ngày 22/12/1995, UBND Thành phố ra Chỉ thị số 48/CT-UB về việc lập quy hoạch phân bố sử dụng đất đến năm 2010 tại 41 xã ngoại thành. Chỉ thị yêu cầu các xã phải báo cáo định kỳ vào tháng 10 hàng năm về tình hình sử dụng và biến động về các loại đất để gửi Sở Địa chính. Ngày 24/2/2001, UBND Thành phố ra Chỉ thị số 15/2001/CT-UB nhấn mạnh việc tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, kiên quyết xử lý các vi phạm đất đai trên địa bàn Thành phố. Chỉ thị nêu rõ trách nhiệm của Sở Địa chính nhà đất Hà Nội là phải phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện của Thành phố để lập kế hoạch tổ chức rà soát, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, phát hiện các vi phạm và đề xuất biện pháp xử lý. Ngày 8/4/2002, UBND Thành phố ban hành Chỉ thị 16/2002/CT-UB về tổ chức thực hiện kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về khắc phục và xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn Thành phố. Ngày 9/4/2002, UBND Thành phố tiếp tục ra Chỉ thị 17/2002/CT-UB đưa ra một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý đất đai, ngăn chặn và xử lý việc mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông lâm nghiệp trái phép. Chủ tịch UBND quận, huyện chỉ đạo UBND các xã, phường và thị trấn không xác nhận việc mua bán đất nông nghiệp không đúng đối tượng và quy định của Luật Đất đai. Nghiêm cấm việc hợp thức hoá để cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất đối với các trường hợp sang nhượng hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng trái pháp luật.

Thuế đất là một nguồn thu quan trọng của ngân sách Nhà nước. Người sử dụng phải có trách nhiệm đóng thuế cho nhà nước. Ngày 20/10/1992, UBND Thành phố ra Quyết đinh số 2514/QĐ-UB về việc thành lập Ban chỉ đạo thi hành pháp lệnh thuế nhà, đất Thành phố Hà Nội. Theo chỉ thị Ban chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp với cục thuế, các ngành, các cấp tổ chức thực hiện pháp lệnh thuế nhà, đất theo hướng dẫn của cấp trên.

Về quản lý nhà ở: Nhà ở gắn liền với đất nên có quan hệ hữu cơ trong tổng thể quy hoạch chung của đô thị. Trong cơ chế cũ, nhà ở là phúc lợi xã hội, người dân có quyền xin nhà nước cấp nhà và thuê nhà với mức giá ưu đãi. Trong cơ chế mới, nhà ở là một loại hàng hoá đặc biệt và tự điều tiết theo thị trường. Vì vậy, nó đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và Chính quyền các cấp.

Kể từ năm 1986 đến nay, Chính quyền Thành phố đã chuyển dần việc đầu tư xây dựng nhà từ cơ chế bao cấp sang cơ chế trợ giúp và cơ chế kinh doanh. Do đó chính sách nhà ở đã có sự cởi mở hơn trước, người dân được phép tự cải tạo và xây dựng mới nhà ở của mình, cho phép các doanh nghiệp nhà nước, tập thể và tư nhân được xây dựng nhà ở để bán và cho thuê. Mua bán nhà ở là việc chuyển quyền sở hữu và quyền sử dụng đất từ bên bán sang bên mua. Bên bán nhà và bên mua nhà phải làm hợp đồng mua bán theo đúng pháp luật và nộp lệ phí trước bạ theo luật định. Như vậy, công tác quản lý nhà ở Hà Nội đã trở lên phức tạp hơn, bởi bên cạnh nội dung quản lý nhà ở còn thêm nội dung quản lý mua bán, trên địa bàn kinh doanh nhà và cải tạo, xây dựng nhà mới.

Ngày 11/08/1987, UBND Thành phố ra Quyết định số 3327/QĐ-UB về việc xây dựng và bán nhà cho công nhân viên chức và nhân dân. Theo Quyết định, những công dân Việt Nam có hộ khẩu tại Hà Nội, chưa có nhà hoặc nhà quá chật được góp vốn để xây dựng nhà và người góp vốn sẽ được nhận nhà ở sau một thời gian, chậm nhất là không quá 6 tháng, quyền sở hữu tư nhân về diện tích nhà mua theo hình thức trên được nhà nước bảo hộ. Năm 1988, chính phủ cho phép Thành phố giao đất cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở để bán.

Năm 1997, UBND Thành phố đã ra Quyết định số 3564/QĐ-UB quy định về việc khai đăng ký nhà ở, đất ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở. Theo Quyết định, Chính quyền Thành phố bắt buộc chủ sở hữu nhà phải có trách nhiệm đi đăng ký nhà ở, đất đai ở tại UBND xã, phường và thị trấn. Thành phố cũng có ban hành các văn bản hướng dẫn về kê khai đăng ký nhà ở, đất ở và cũng như các trình tự, thủ tục kê khai đăng ký xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng ruộng đất.

Do các hoạt động mua bán và kinh doanh nhà ở trên địa bàn Thành phố diễn ra ngày càng phức tạp, nhu cầu về nhà ở tăng đột biên đã dấn đến tình trạng bán nhà không theo mức giá quy định. Các vụ kiện tụng, tranh chấp đất đai diễn ra không ngừng, gây mất ổn định chính trị. Do đó, Chính quyền Thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp để tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh nhà ở như rà soát việc cấp giấy phép kinh doanh, thu thuế, quản lý môi trường, quản lý nhân khẩu… Ngày 3/3/2000, UBND Thành phố ra Quyết định số 23/2000/QĐ-UB cho phép các hộ khẩu tại Hà Nội khi có nhu cầu chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì bên thuê lại nhà phải đến cơ quan quản lý nhà đất để làm thủ tục đăng ký, ký hợp đồng thuê nhà và nộp lệ phí theo quy định. Chính quyền Thành phố không cho phép bán nhà nằm trong khu vực bảo vệ của công trình kỹ thuật hạ tầng, nhà ở trong khu phố cổ, nhà có tranh chấp, khiếu kiện, nhà chuyên dùng, nhà ở thuộc vùng quy hoạch,... Đối với các trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết do cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc chưa cắm mốc chỉ giới quy hoạch thì việc bán nhà ở phải theo đúng diện tích nhà ở đang sử dụng.

Chính quyền vẫn duy trì chính sách phân phối nhà ở (có từ thời bao cấp) đối với người nghèo, nhà cán bộ công nhân viên chức gặp khó khăn, các tổ chức và tập thể xã hội bằng các chính sách hỗ trợ giá, bán nhà với giá ưu đãi, điều tiết giá nhà, giá đất trên thị trường… để phù hợp với những người có thu nhập thấp.

Trong thời gian qua (1996 – 2000), Chính quyền Thành phố đã tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều đô thị mới như Đầm Trấu, Thanh Trì, Linh Đàm, Trung Yên, Định Công, Nam Thăng Long, Mỹ Đình… để đáp ứng nhu cầu ở của người dân. Chính quyền Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở Địa chính – Nhà đất và Sở Kế hoạch đầu tư lập kế hoạch cải tạo, xây dựng nhà ở tại các khu đô thị mới trên địa bàn Thành phố.

Để giải quyết những tranh chấp về nhà ở, Chính quyền Thành phố giao cho các cơ quan chuyên môn tiến hành việc đo vẽ, lập hợp đồng cho thuê nhà, lập hồ sơ về hiện trạng sử dụng đất, chất lượng nhà giao để quản lý hoặc bán nhà. Chính quyền Thành phố đã tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng vi phạm các chính sách nhà ở như cảnh cáo, phạt tiền, đình chỉ việc lấn chiếm, cơi nới trái phép, và bồi dưỡng thiệt hại để giữ vững trật tự đô thị.

2.Giao thông vận tải

Là một Thành phố đông dân, mật độ người tham gia giao thông nhiều, và có nhiều phương tiện giao thông như ô tô, xe máy, tàu hỏa, thuyền bè…, nên công tác quản lý giao thông ở Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Việc xây dựng hệ thống quản lý giao thông hiện đại và đồng bộ là một trong những yêu cầu cấp bách đối với Hà Nội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

UBND Thành phố là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất, có quyền ra các quyết định trong các vấn đề giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố. Chính quyền Thành phố đã thực hiện phân cấp quản lý đến các cấp Chính quyền cơ sở, nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm, năng lực và hiệu quả quản lý giao thông đô thị.

Năm 1987, Sở Giao thông công chính Hà Nội được thành lập để thay thế Sở Quản lý công trình đô thị và Sở Giao thông vận tải trước đó. Sở có nhiệm vụ theo dõi các quy hoạch đã được phê duyệt, nghiên cứu soạn thảo văn bản, hướng dẫn các cấp, các ngành và nhân dân chấp hành các chính sách, luật lệ của nhà nước, của UBND Thành phố về khai thác, sử dụng và bảo quản hệ thống công trình và kỹ thuật đô thị; tổ chức kiểm tra việc thi hành luật lệ giao thông vận tải, kiến nghị với UBND Thành phố về bổ sung các chính sách, thể lệ, quy tắc cho phù hợp với tình hình; quản lý lưu trữ, chỉnh lý các hồ sơ về hệ thống các công trình giao thông vận tải đô thị.

Ban Thanh tra giao thông công chính của Thành phố là cơ quan chuyên trách quản lý giao thông. Ban có nhiệm vụ chủ trì và phối hợp với các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện các quy định về bảo vệ các công trình giao thông đô thị và trật tự an toàn giao thông vận tải; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm về giao thông[4]. UBND Thành phố không ngừng hỗ trợ về chế độ chính sách khen thưởng, lương bổng, và đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để Ban và các Đội Thanh tra của Ban hoạt động có hiệu quả.

Thành phố từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý để tăng cường quản lý các loại hình phương tiện tham gia giao thông như Quy định về đăng kiểm các loại phương tiện, cấp giấy phép đi lại, quản lý các phương tiện giao thông…Ví dụ, trong Quy định về đăng ký phương tiện môtô, xe máy trên địa bàn Thành phố đã nêu rõ: “Kể từ ngày 6/1/2003 chỉ đăng ký phương tiện mô tô, xe máy cho các phương tiện có hộ khẩu tại Hà Nội và có bằng lái xe. Trong trường hợp uỷ quyền phải xuất trình đầy đủ hộ khẩu thường trú, bằng lái xe của người đứng tên đăng ký”[5]. Chính quyền Thành phố cũng đưa ra những quy định chặt chẽ và cụ thể đối với hoạt động của ô tô, công nông, xe thô sơ,… trên một số tuyến đường quy định, từng bước hoàn thiện hệ thống biển báo, chỉ dẫn giao thông trong khu vực nội và ngoại thành. Bên cạnh Luật Giao thông của nhà nước, căn cứ theo thực tiễn giao thông ở Thành phố, Chính quyền cũng có bổ sung thêm những điều lệ mới. Ví dụ, để đảm bảo sự yên tĩnh cho một số bệnh viện, trường học, các cơ quan nghiên cứu, cơ quan ngoại giao…, UBND Thành phố đã bổ sung thêm điều 18 của Luật giao thông về việc sử dụng còi hơi của các xe cơ giới chạy ở một số tuyến đường trong nội thành các giờ quy định.

Do tốc độ tăng trưởng dân số quá nhanh, mật độ và người tham gia phương tiện giao thông ngày một đông đảo nên hiện tượng ùn tắc giao thông, nhất là vào những giờ cao điểm, đã trở thành một vấn đề xã hội rất nhức nhối của Thành phố. Để giảm thiểu vấn nạn ùn tắc giao thông, ngày 3/7/2001, Chính quyền Thành phố đã lập đề án về những biện pháp làm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố. Theo đó “Hà Nội cần phải tiến hành phân luồng các xe từ xa, giảm trọng lượng xe, cải tạo các nút giao thông…; làm đường mấp mô kết hợp với tăng cường hệ thống đèn tín hiệu giao thông, các biển báo trên đường…; giải toả các chợ và các nơi lấn chiếm vỉa hè…; tăng cường tuần đường, hàn vá các vết đào, ổ gà, giữ gìn đường hè thông thoáng…; phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng như xe buýt, tắc xi, xe đưa đón cán bộ công nhân viên, học sinh; tăng cường xây dựng các nút giao thông trọng điểm như Nam Chương Dương, Phạm Ngọc Thạch, Bưởi, Ngã Tư Sở…; xây dựng nâng cấp các tuyến đường giao thông Đồng Tâm - Trại Găng, Ngọc Khánh, Cát Linh, La Thành, Láng Hạ, Thanh Xuân…; nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ đối với các loại hình giao thông công cộng ”[6].

Để đảm bảo đường thông, hè thoáng và mỹ quan đô thị, Chính quyền Thành phố nghiêm cấm mọi hành vi xâm chiếm đường và hè phố như bán hàng, phơi phóng, sản xuất, sửa chữa, họp chợ, để hàng hoá vật tư… Việc trông coi xe đạp, xe máy, đỗ và để xe trên lòng đường và vỉa hè phải đúng theo quy định. Những hành vi sau sẽ bị xử phạt: “Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè bán hàng, sản xuất và dịch vụ, để nguyên vật liệu, xe cộ, trên hè đường không được phép của cơ quan có thẩm quyền; đào hè đường không được phép của cơ quan có thẩm quyền ”[7]. Bên cạnh xử lý hành chính, Thành phố cũng quy định mức xử phạt kinh tế theo từng mức độ vi phạm[8]. Chính quyền Thành phố cũng rất chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý thích đáng các hành vi vi phạm giao thông để đảm bảo trật tự giao thông đô thị.

Mặc dù mật độ giao thông không sôi động như tuyến đường bộ, nhưng Chính quyền Thành phố rất quan tâm đến các tuyến đường sông do Hà Nội quản lý. Bên cạnh việc cải thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật như tăng cường nạo vét bùn đất để khơi thông luồng tầu thuyền qua lại, thiết lập hệ thống biển và đèn báo hiêu, Thành phố đã thành lập Xí nghiệp Quản lý bến thuỷ nội địa thuộc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội. Đến nay Xí nghiệp đã xây dựng xong bản quy hoạch bến thuỷ nội địa trên địa bàn Thành phố, tiếp tục xây dựng dự án mốc giới hành lang bảo vệ đường thuỷ nội địa thuộc sông Hồng và sông Đuống (đoạn qua Hà Nội).

Bên cạnh công tác xây dựng bộ máy và quy định pháp luật về quản lý giao thông đô thị, Chính quyền Thành phố trong 20 năm qua đã không ngừng phát triển hệ thống giao thông đô thị. Kết hợp các nguồn vốn của Nhà nước, nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế, nguồn vốn Thành phố và sự đóng góp của nhân dân, đến nay hạ tầng kỹ thuật giao thông ở Hà Nội không ngừng được sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp, xây mới hiện đại và đồng bộ, đáp ứng khá tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của Thành phố. Cho đến nay, Thành phố có 2 sân bay quốc tế và Gia Lâm và Nội Bài; 5 cây cầu lớn là Thăng Long, Chương Dương, Long Biên, Đuống và Thanh Trì; cầu Vĩnh Tuy cũng vừa đưa vào hoạt động hệ thống nhà ga đường sắt như ga Hà Nội, Giáp Bát, Văn Điển, Long Biên và Gia Lâm; và 6 bến xe khách là Giáp Bát, Gia Lâm, Lương Yên, Nước Ngầm, Thanh Xuân và Mỹ Đình. Nhiều tuyến đường nội thành và vành đai được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng và làm mới. Việc phát triển hạ tầng giao thông đô thị không ngừng cũng đặt ra cho Thành phố nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quy hoạch, điều hành và quản lý các dự án.

Năm 1995, UBND Thành phố đã lập kế hoạch xây dựng và đưa vào sử dụng mạng lưới xe buýt để giảm bớt ách tắc giao thông và các phương tiện giao thông cá nhân[9]. Cho đến nay, hệ thống xe buýt ở Hà Nội phát triển mạnh mẽ ở hầu khắp các tuyến đường nội và ngoại thành, trở thành một phương tiện giao thông quan trọng của đông đảo nhân dân Thành phố. Tuy nhiên, trước mắt để duy trì hệ thống xe buýt hoạt động có hiệu quả, Chính quyền Thành phố đã áp dụng chính sách bù giá.

3.Quản lý nước sạch và môi trường đô thị

3.1.Quản lý nước sạch

Nước sạch là một nhu cầu không thể thiếu của con người dân đô thị. Trong 20 năm qua, nhu cầu nước sạch phục vụ đời sống dân sinh và sản xuất ở Hà Nội ngày càng tăng, do đó hệ thống cung cấp nước sạch trên địa bàn Thành phố cũng không ngừng mở rộng. Quản lý nước sạch cũng là một trong những vấn đề quan trọng của Thành phố.

Do nước sạch là một mặt hàng kinh doanh nên việc quản lý giá bán là rất cần thiết. Chính quyền Thành phố cho phép các cá nhân, tập thể đều có quyền và nghĩa vụ như sau khi đăng ký dịch vụ sử dụng nước sạch của Thành phố. Tuy nhiên giá bán nước cho sinh hoạt và sản xuất được tính theo mức độ khác nhau. Giá nước sạch không cố định mà biến động theo nhu cầu thị trường.

Để đảm bảo sử dụng nguồn nước có hiệu quả, Chính quyền Thành phố đã lập dự án cấp nước sạch đến năm 2010. Trong Tờ trình số 37/TT-UB của UBND Thành phố ngày 10/7/2000, Chính quyền đặt mục tiêu đến năm 2010, 100% dân số nội thành, 8% dân các thị trấn, 60% dân số ngoại thành phải được dùng nước sạch, mức doanh thu phải đạt 70%, và tỷ lệ thất thoát - thất thu 22%. Để thực hiện được chỉ tiêu này, Chính quyền Thành phố đã giao trách nhiệm cho Sở Giao thông công chính, Sở Xây dựng và Công ty Nước sạch Hà Nội phối hợp với các cơ quan quản lý nguồn nước tiến hành kiểm tra trữ lượng, chất lượng các nguồn nước đồng thời chủ động tìm kiếm thêm các nguồn nước dự phòng để cấp nước cho Thành phố. Chính quyền Thành phố cho tiến hành trùng tu, sửa chữa các bể nước tập thể, đặc biệt là ở các khu nhà tập thể, vì các bể này thường rất lớn và bị xuống cấp nên dễ rò rỉ gây thất thoát nước.

Do xẩy ra nhiều vụ đục phá ống nước trái phép, lấy cắp vòi nước công cộng, lấy cắp đường ống dẫn nước bằng kim loại trên địa bàn Thành phố, ngày 30/11/1087, UBND Thành phố ra Quyết định số 4611/QĐ-UB về việc bảo vệ sản xuất và cung cấp nước. Mọi hành vi vi phạm đều bị xử phạt.

Nhờ có sự quản lý khá tốt và đầu tư có hiệu quả, đến cuối năm 2006, các nhà máy nước của Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội đã vận hành với công suất 562.000 m3/ngày đêm để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Cơ sở hạ tầng của ngành cung cấp nước đã được nâng cấp, đầu tư với hệ thống đường ống dẫn nước, hệ thống chuyên chở, hệ thống đồng hồ đo nước. Vấn đề cung cấp nước sạch cho nhân dân, đặc biệt là các khu dân cư đông đúc, các khu cao tầng ở nội thành đã được giải quyết. Công ty Kinh doanh nước sạch đã giảm được 1,5% lượng nước sạch bị thất thoát thất thu.

Bên cạnh việc cung cấp nước sạch, Chính quyền Thành phố rất quan tâm đến hệ thống thoát nước. Hệ thống thoát nước ở Hà Nội gồm nhiều cống dọc, cống ngang, hồ, ao, mương và trạm bơm. Toàn bộ nước thải và nước mưa của Thành phố được chảy vào hệ thống cống ngầm, vào các kênh mương rồi đổ ra các con sông là Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ và Nhuệ. Năm 1991, UBND Thành phố đã thống nhất phương án quy hoạch kết hợp thoát nước mưa và nước thải. Cho đến nay, hệ thống thoát nước ở Thành phố đã được cải thiện đáng kể. Mặc dù vẫn còn nhiều điểm ngập úng cục bộ khi trời mưa to, nhưng Chính quyền Thành phố đã giải quyết được 12 điểm úng ngập cục bộ, hoàn thành chương trình nạo vét toàn bộ hệ thống cống thoát nước.

3.2.Quản lý môi trường đô thị

Để đối phó với nạn ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, năm 1994, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Hà Nội được thành lập, Sở là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND Thành phố, có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường. Từ khi thành lập đến nay, Sở đã xây dựng 14 văn bản pháp quy, văn bản hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường (ban hành năm 1994), và các văn bản dưới luật khác trên địa bàn Thành phố.

Chính quyền Thành phố đã thành lập Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường Thành phố Hà Nội, đồng thời xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường tại các sở - cụm công nghiệp, trên địa bàn Thành phố. Chính quyền Thành phố còn mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế để bảo vệ và quản lý môi trường. Ví dụ, dự án môi trường Việt Nam – Canada, dự án VIE 93-G81, dự án nghiên cứu cải thiện môi trường Hà Nội giữa Chính quyền Thành phố với các tổ chức Jica (Nhật bản)…

Ngày 10/5/2002, UBND Thành phố ra Quyết định số 70/2002/QĐ-UB về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và môi trường. Trung tâm có chức năng nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ và môi trường, cung cấp các dịch vụ thông tin cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu chuyển giao công nghệ môi trường.

Rác thải là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường hàng đầu ở Hà Nội. Nguồn rác thải bao gồm rác thải sinh hoạt, rác thải bệnh viện, rác thải công nghiệp, rác thải xây dựng… Để giải quyết lượng rác thải, ngày 3/6/1992, UBND đã cho phép Công ty Môi trường đô thị Hà Nội mua thêm và đóng mới một số xe cơ giới chuyên dùng trong công tác vệ sinh đô thị để nhanh chóng xoá bỏ tình trạng xoá bỏ rác thải xuống lòng đường; cải tạo, xây dựng một số điểm vệ sinh công cộng; tăng số lượng người thu nhặt rác trên các tuyến phố.

Chính quyền Thành phố cũng nhiều lần gửi các văn bản yêu cầu Sở Giao thông công chính và UBND các quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch quản lý chặt chẽ việc đổ phế thải xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là trong các dịp lễ tết và các ngày kỷ niệm lớn; chỉ đạo Công ty môi trường Hà Nội thường xuyên tổ chức các chiến dịch thu gom phế thải xây dựng tồn đọng trong các Thành phố, nhất là những nơi công cộng; xử lý nghiêm ngặt các hành vi đổ rác không đúng quy định: “Công an, quản lý trật tự xây dựng, thanh tra giao thông công chính, thanh niên xung kích và các lực lượng tự quản tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý thật nặng, nghiêm minh các trường hợp đổ phế thải xây dựng không đúng theo quy định, thu giữ các phương tiện vi phạm, trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng mà xét thấy đủ điều kiện để truy tố trước pháp luật sẽ bị xử lý theo pháp luật ”[10].

Nhìn chung, sau 20 năm đổi mới công tác quản lý đô thị ở Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Bộ máy quản lý các cấp kiện toàn lại theo hướng gọn, nhẹ, liên thông và chuyên môn hoá cao. Bên cạnh hệ thống luật pháp quản lý của nhà nước, UBND Thành phố căn cứ vào thực tiễn hoạt động của Thành phố đã xây dựng được văn bản pháp quy quy định cụ thể các hình thức quản lý.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý luôn được chú trọng, bồi dưỡng nghiệp vụ, để đầu tư nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý được đầu tư theo hướng đồng bộ và hiện đại hoá. Tuy nhiên, công tác quản lý cũng còn gặp nhiều khó khăn do nhiều văn bản của Thành phố ban hành chưa sát với yêu cầu thực tiễn, chưa có tầm nhìn lâu dài, tính định hướng và dự báo. Nhiều văn bản đề ra chỉ có tính chất tạm thời.

Tính liên thông trong các cơ quan quản lý chưa chặt chẽ và thường đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi phải đối mặt với những vấn đề khó khăn. Một số cán bộ quản lý tỏ ra yếu kém về nghiệp vụ, một số khác thì quan liêu và tham nhũng. Một số bộ phận nhân dân tỏ rõ tư tưởng coi thường pháp luật… Chính những điều này đã làm cho công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn, chưa mang lại những hiệu quả như mong muốn. Những yếu điểm đó cần sớm được khắc phục để Hà Nội trở nên văn minh và hiện đại hơn./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark