16/10/2010 | 16:52:00

Rước lốt hổ - Trò diễn cổ ở xã Minh Cường

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Đống Tranh, một thôn nhỏ ở xã Minh Cường, huyện Thường Tín, nằm ở bên quốc lộ số 1. Đây là một làng quê nông nghiệp lấy nghề trồng lúa nước làm chính.

Người dân Đống Tranh thuần phác và đôn hậu. Làng được thành lập từ lâu, có đền to nằm trên hình đất lưng con phượng, qua nhiều lần tu sửa nay đền mang kiến trúc-nghệ thuật thời Nguyễn. Cửa đền trông về hướng Tây.

Xưa kia, đấy là vùng lầy nước đọng nổi lên nhiều gò đất to nhỏ, dân chúng tưởng tượng gọi những gò đất ấy như con cá đang bơi, đàn lợn đang chạy, đàn gà đang đi ăn.

Chính làng quê có đền làng to đẹp ấy, trước đây đã diễn ra một trò diễn cổ, trò rước lốt hổ, phản ánh niềm vui chiến thắng của con người ở thời kỳ săn bắn.

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa ấy, tại thôn Đống Tranh, người ở còn thưa, quanh làng dày đặc rừng rậm, trước mặt làng đầm lầy um tùm cỏ dại. Ngày ấy bỗng đâu xuất hiện một con hổ dữ về quấy phá cuộc sống yên vui của dân làng.

Nhiều người đi kiếm cua, nhặt ốc, lấy củi đã bị hổ vồ. Nỗi lo sợ ác thú đã bao trùm lên khắp cả làng.

Con trâu con bò không dám ra đồng ăn cỏ. Những đứa trẻ, mặt hoảng hốt lo âu. Người già thì rầu rĩ nghĩ suy. Không ngày nào không có tiếng la thất thanh vì bị hổ bắt.

Diệt hổ dữ để cứu cuộc sống yên lành là mong muốn của mọi người. Nhiều chàng trai khỏe mạnh, giỏi võ thuật ra đi đối đầu với hổ đã không trở về.

Ngày ấy, có một gia đình nghèo sống ở rìa làng, lấy nghề đốn củi nuôi thân. Nhà chỉ có hai mẹ con, gia tài duy nhất ngoài túp lều là con dao và con chó. Người làng gọi họ là mẹ con kẻ khó.

Mẹ con kẻ khó dậy cùng với tiếng gà báo thức để vào rừng sâu chọc cành củi khô, đẵn củi tươi, bó gọn đâu đấy, đợi mặt trời mọc kịp đi chợ xa, chợ gần. Họ đi đâu làm gì, con chó nhỏ cũng đi theo. Con chó nhỏ rất tinh khôn, hễ có loài thú dữ như rắn rết, hổ định hại chủ là nó kịp báo để hai mẹ con biết.

Một lần, họ vào rừng còn sớm lắm. Trời tối om om. Khi tới gốc cây đề mọc ở gò hoang đầu làng, mẹ con kẻ khó thấy con chó cứ rít lên quấn vào chân chủ. Biết có sự lạ, họ theo con chó tiến dần vào bụi hoang. Bỗng họ nhìn thấy một con vật to như con bò non, lưng vằn mầu lửa cháy, đang nằm ngủ trong một hốc cây.

Biết con hổ đang no mồi ngon giấc, bà mẹ bèn trở ngay về làng báo cho đức bà - người cai quản làng lúc bấy giờ. Đức bà là người giỏi võ lại thương dân, nghe tin vậy lập tức cho tụ hợp trai tráng bàn mưu bắt hổ.

Họp bàn xong mọi người ở làng cầm gậy, cầm thừng, cầm cả bó đóm theo lệnh đức bà lặng lẽ cùng mẹ con kẻ khó ra vây gò hoang.

Hổ dữ no mồi ngon giấc. Mọi người xiết chặt vòng vây về phía gốc cây hổ nằm. Và, cùng nhất loạt, những chàng trai khỏe mạnh lao tới dùng cây gậy chẹn cổ, ngáng mồm, thúc bụng, đánh chân hổ. Cuối cùng bằng gậy tre rắn chắc, bằng sự nhất tề xông lên đánh hổ, dân làng Đống Tranh đã bắt sống hổ dữ.

Ngày hôm sau đó, tin làng Đống Tranh bắt được hổ dữ lan xa khắp các làng. Dân chúng nô nức tới xem quái vật như đi hội. Thấy cảnh đông vui là vậy, đức bà mới họp các quan viên bô lão của làng Đống Tranh lại, bàn với thôn mở hội vui, đưa con vật ra tế trời đất giữa bãi chơi của làng.

Và hội được mở. Tiếng trống, tiếng thanh la vang dậy. Người già, trẻ nhỏ nắm tay nhau nhảy múa, và ca hát. Trai đinh thi tài đấu gậy tre.

Kể từ đó trở đi cứ 3 năm hoặc 6 năm một lần, dân làng Đống Tranh lại mở hội tưởng nhớ chiến tích trên. Ngày hội rước lốt hổ cuối cùng vào năm 1936.

Trong ngày chính hội (12 tháng giêng) dân chúng tập trung đông đủ ở cửa đền. Ông trùm trò mặc lốt hổ vào người, giả làm hổ bị trói ngồi trước gian thờ Thành hoàng.

Đầu tiên dân làng diễn trò vây bắt hổ. Dân đinh của làng người này nắm thắt lưng người kia, một tay cầm gậy buộc thừng kéo nhau đi luồn các cửa ở đình. Phải diễn đi diễn lại 3 lần mọi người mới trở lại sân đình đón hổ.

Khi ông trùm gõ một hồi trống lúc ấy hổ sẽ bò từ trong đình ra cửa đình. Bất chợt xuất hiện 2 mẹ con kẻ khó do con hát đóng dắt một con chó ra chặn hổ. Mẹ con kẻ khó liên tục dùng thanh kiếm gỗ trong tay cậy đất ném vào hổ. Hổ vừa chạy vừa chống đỡ.

Lúc ấy nhanh như chớp, một người chạy vào cõng hổ chạy theo đường làng lên đền ông Nghè, nhiều trai đinh chạy theo vít đầu hổ quay trở lại cửa đình đưa xuống thuyền và dềnh thuyền về phía Đông đầm.

Mọi người đi trên bờ đất bám theo thuyền ném đất đá vào hổ dữ. Đồng Đầm ở cách làng hơn 1km. Nơi đây có mộ bà - người cai quản làng Đống Tranh thời ấy đã tổ chức dân làng bắt hổ. Mọi người rước lốt hổ đến trước mộ bà thì vứt ở đó.

Người mặc lốt hổ, sau khi trút lốt thì nhanh chóng đi tắm rửa. Còn mỗi người đan làng chen nhau xé lấy một mảnh lốt mang về nhà làm phước lấy may.

Đây là một hội lôi cuốn 14 làng trong tổng vạn điểm xưa tham gia vào hội. Để tạo thêm không khí tươi vui, dân làng Đống Tranh còn tổ chức một số trò vui khá hấp dẫn như vật lầu, vật lão.

Trò vật lầu được tổ chức ở đình ngoài. Quả lầu bằng củ chuối đẽo tròn. Dân làng đào một hố, moi rỗng bụng, trong chứa bùn ao, miệng vừa quả lầu. Ngày chính hội, hai giáp của làng, mỗi giáp 6 người, khi có hiệu lệnh sẽ chạy lại chỗ hố thò tay moi quả cầu lên. Giáp nào lấy được quả cầu là thắng cuộc, được may, làng thưởng cho 1-2 quan tiền. Đây là trò diễn thi tài.

Trò vật lão tổ chức ở trong đình làng. Lão làng thôn Đống Tranh không vật chỉ ra xem. Vật lão là đội vật gồm 14 cụ ông tuổi từ 50 trở lên ở thôn Nam Triều, huyện Phú Xuyên, quê hương có truyền thống vật từ xưa để đăng cai vật.

Các lão tướng vật vờn nhau, trên xới biểu diễn các miếng vật nhà nghề. Vật lão không cậy vào sức mà chủ yếu người ta chú trọng vào các động tác múa sao cho đẹp mắt, giúp người xem cảm nhận hết cái hay, cái độc đáo của nghề vật.

Sau cuộc vật, các lão vật công kênh nhau làm trò vui như trò cưỡi ngựa đánh gập. Trò một số cụ nắm thắt lưng nhau giả làm rắn, một số khác giả làm nhái nhằm diễn tả lại những miếng, những trò đẹp mắt của người vật.

Những trò vui trên làm tăng không khí tưng bừng của ngày hội rước lốt hổ.

Hội làng Đống Tranh qua trò rước lốt hổ phản ánh tinh thần nông nghiệp kiên cường của những cư dân, chiếm lĩnh vùng đầm lầy rậm rạp ven châu thổ sông Hồng thuở xa xưa./.

(Theo Lễ hội cổ truyền Hà Tây/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark