10/01/2012 | 16:23:00

Thăng Long – Hà Nội ngàn năm tỏa sáng

Cuối năm dù bận rất nhiều việc, nhưng đã thành lệ, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội vẫn dành cho phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội một cuộc gặp gỡ để trả lời phỏng vấn các số báo Tết. Gần gũi, cởi mở, thẳng thắn, Bí thư Thành ủy sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi…

Chọn phương án có lợi nhất cho sự nghiệp chung

- Phóng viên: Năm 2009 là một năm đầy gian khó, nhìn lại những gì Hà Nội đã đạt được thật đáng tự hào. Bên cạnh những yếu tố khách quan, xin Bí thư cho biết những yếu tố chủ quan nào đã giúp Hà Nội vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức?

- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Có ý kiến nói năm 2009 là năm rất ấn tượng: Khó khăn, thách thức thì lớn, nhưng cái được, cái thành công cũng lớn và khá toàn diện, có người ví như chúng ta bay trong thời tiết không bình thường, bay trong bão, tuy tốc độ có chậm hơn nhưng vẫn bay đúng hướng và về tới đích an toàn. Sự so sánh như vậy ít nhiều cũng phản ánh đúng tình hình thực tế của năm qua.

Ngoài những khó khăn chung như phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế - tài chính, thiên tai, dịch bệnh... Thủ đô Hà Nội còn có hai việc rất lớn và khó. Thứ nhất là tiếp tục thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng Hà Nội. Năm nay, bộ máy hành chính phải vận hành, giải quyết công việc của đơn vị hành chính mới, lớn cả về diện tích, dân số và khối lượng công việc... Bên cạnh đó có một việc rất lớn, đã, đang và sẽ làm, đó là những công việc chuẩn bị cho kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Dù có nhiều diễn biến bất thường, nhưng thành tựu đạt được của năm 2009 rất khá và tương đối đồng đều trên các lĩnh vực. GDP Hà Nội đạt 6,7%, cao hơn bình quân cả nước. Những chỉ số về kinh tế quan trọng như thu ngân sách vẫn vượt 4,7% so với chỉ tiêu Chính phủ giao; thu hút đầu tư cũng tăng so với năm trước 18% … Hà Nội đã thực hiện thành công chủ trương "biến thách thức, khó khăn thành cơ hội". Thành phố luôn thể hiện sự tập trung, quyết liệt, dứt điểm, đối diện với những vấn đề lớn, khó với tinh thần không lùi bước như: quyết định di chuyển địa điểm xây dựng khách sạn SARS; quyết định đổi mục tiêu dự án xây dựng trung tâm thương mại 19-12; điều chỉnh quy hoạch các sân golf, xử lý vi phạm các công trình xây dựng trái phép; truy bắt, xử lý khẩn trương các đối tượng chặt phá cây xanh ở Thủ đô; vấn đề giải phóng mặt bằng nút giao Thanh Xuân (dự án đường Vành đai 3) …

Đó là những kết quả rất quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, thể hiện sự hợp tác, phối hợp ngày càng tốt hơn. Các cấp, các ngành của thành phố luôn quán triệt phương châm: Năng động - sáng tạo - kỷ cương - văn minh - thanh lịch và Đoàn kết - hợp tác - trách nhiệm. Tinh thần đó được thể hiện trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Chính điều đó đã giúp bộ máy thành phố tỏ rõ được vai trò, trách nhiệm và tạo được lòng tin và sự đồng thuận rất cao trong nhân dân.

Phóng viên: Dù thành phố đã cố gắng nhưng công tác quản lý đô thị vẫn làm người dân chưa hài lòng. Thưa Bí thư, tại sao những lĩnh vực này chưa thể chuyển biến mạnh mẽ?

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Hơn ai hết, tôi hiểu điều đó. Mỗi vấn đề đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan là thiếu những điều kiện để giải quyết một cách triệt để từng loại vấn đề. Lấy lĩnh vực giao thông làm ví dụ. Chúng ta đang đứng trước sự mất cân đối rất lớn. Tỷ lệ, chất lượng đường của thành phố hiện không đáp ứng số lượng phương tiện tham gia giao thông. Đáng lẽ Hà Nội phải có đường trên cao, đường tàu điện ngầm nhưng hiện nay mới chỉ có hệ thống đường bộ, lại rất chật chội. Phải có thời gian, kinh phí đầu tư để bổ sung cho hệ thống hạ tầng. Cơ sở hạ tầng như thế, ý thức tham gia giao thông của phần đông người dân còn kém trong khi khối lượng phương tiện tham gia giao thông quá lớn nên khó tránh khỏi ùn tắc. Còn yếu tố chủ quan ở đây là thiếu sự chủ động trong dự báo về quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng phương tiện tham gia giao thông cá nhân như ôtô, xe máy... Nên ưu tiên đầu tư cho giao thông chưa tương xứng. Bên cạnh đó, các cấp ngành dù đã rất cố gắng, đề ra nhiều giải pháp, song mới là tạm thời…

Đó là chưa kể quan điểm giải quyết những vấn đề có liên quan đến nhập cư, hộ khẩu, mua nhà, mua sắm phương tiện giao thông cá nhân, xử phạt vi phạm hành chính ở Thủ đô... còn rất khác nhau. Tôi thực sự lo lắng, nếu chúng ta tiếp tục chậm trễ, thì dăm năm nữa, tình trạng giao thông ở Thủ đô sẽ khó khăn hơn bây giờ rất nhiều.

Vừa qua, mỗi khi đứng trước một việc khó, nhiều người thường băn khoăn liệu có khả thi, có thành công không? Chúng ta nhiều lúc có quyết tâm nhưng không đủ cao: chứ thật ra nguồn lực, mong muốn của người dân và những người đồng tình ủng hộ rất cao. Nói như thế không phải không có người cản trở. Ngay như vụ xử lý vi phạm trật tự xây dựng ở Mỹ Đình, trước khi phá dỡ cũng có người tìm cách cản trở. Thành phố vẫn quyết làm và đã thành công. Nạo vét bùn ở Hồ Gươm gần đây cũng thế. Bao nhiêu năm bàn thảo vẫn không làm được bởi nhiều lý do, trong đó có những lý do rất khó kiểm chứng, nếu vội nghe mà dừng thì lặp lại như cũ. Nhưng rồi làm thử và thấy tốt. Tôi nhấn mạnh, tinh thần phải dám chịu trách nhiệm để quyết được những việc khó, việc còn có nhiều ý kiến khác nhau, những việc cần kíp, cấp bách. Vấn đề là chọn được phương án tối ưu, có lợi cho sự nghiệp chung, chứ đồng thuận 100% là rất khó.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ chính là sự tu nhân, tích đức

Phóng viên: Là địa phương đầu tiên triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xin Bí thư đánh giá khái quát kết quả Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua?

- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong thành phố đã chủ động, sáng tạo, tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung của Cuộc vận động, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức. Cuộc vận động bước đầu đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương mẫu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với những việc làm cụ thể, thiết thực, gắn với thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, xây dựng kỷ luật lao động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, có lối sống lành mạnh, trong sạch… Cuộc vận động đã có đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thành phố, trong đó, chú trọng ở một số lĩnh vực như: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường quản lý đất đai, tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Ở đâu, ở lĩnh vực nào, cơ quan nào cũng có thể tìm thấy được những tấm gương tốt, tiêu biểu trong việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Có thể khẳng định Cuộc vận động đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố, của từng cơ quan, đơn vị.

Phóng viên: Để tiếp tục thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chi Minh” , đồng chí Bí thư có điều gì muốn nói với cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô?

- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là cuộc vận động lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng cả về nhận thức, tư tưởng và hành động. Đảng ta, nhân dân ta vô cùng tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người không chỉ là hiện thân của một lãnh tụ lỗi lạc đã có công dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đem lại độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta đồng thời còn là một tấm gương sáng ngời, một con người mẫu mực nhất về đạo đức cách mạng, thể hiện cả trong tư tưởng và hành động về Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư. Trung với nước, Hiếu với dân. Từ trong mỗi việc làm bình dị hàng ngày. Người luôn tỏa sáng những giá trị đạo đức tinh thần cao đẹp, tiêu biểu cho truyền thống đạo đức tốt đẹp nhất của dân tộc và tinh hoa văn hóa, đạo đức nhân loại. Bất cứ ai, dù trên cương vị nào, lứa tuổi nào, chỉ cần thực sự tự nguyện, đều có thể học và làm theo tấm gương của Bác để từng bước hoàn thiện tư cách đạo đức của mình, để trở thành những người tốt, có ích cho sự phát triển của đất nước, xã hội. Có thể nói rằng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ chính là sự tu nhân, tích đức đối với mỗi người chúng ta.

Hà Nội sẽ tích cực đi đầu trong chủ trương đổi mới

- Phóng viên: Năm 2010, Hà Nội sẽ tổ chức Đại hội Đảng các cấp, thành phố sẽ lựa chọn nhân sự như thế nào để có được bộ máy tinh gọn, chất lượng?

- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Hà Nội đang tích cực chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, bảo đảm đúng tiến độ theo quy định và đạt yêu cầu cao nhất về chất lượng. Đầu tiên là chất lượng văn kiện. Phải đề ra được những chủ trương, biện pháp, quyết sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn, đáp ứng mong muốn của nhân dân. Thứ hai là những ai sẽ đứng ra tổ chức thực hiện chủ trương đó, có nghĩa là phải chọn được những con người tiêu biểu cho ý chí của Đảng bộ, nhân dân, những người gương mẫu, tích cực, hăng hái, nhiệt tình nhất. Cả hai vấn đề đó muốn làm được phải phát huy tối đa dân chủ, từ dân chủ trong xây dựng chủ trương, đường lối cho tới lựa chọn cán bộ. Hà Nội sẽ tích cực đi đầu trong chủ trương đổi mới mà Trung ương đề ra. Chẳng hạn, Trung ương yêu cầu số lượng đảng bộ bầu trực tiếp bí thư từ 15% đến 20%, Hà Nội sẽ phấn đấu nhiều hơn con số đó: dân chủ nội bộ cũng sẽ được đề cao; các đại biểu có ý kiến gì làm đại hội dân chủ hơn sẽ đều được ủng hộ, như danh sách bầu có số dư lớn hơn quy định; việc giới thiệu đại biểu nữ, đại biểu trẻ sẽ hết sức được coi trọng...

Không chỉ tự hào về quá khứ, phải đóng góp nhiều lần cho tương lai

- Phóng Viên: Năm 2010 Thủ đô tròn 1.000 năm tuổi, một bề dày lịch sử đầy tự hào mà rất ít thành phố lớn trên thế giới có được. Theo Bí thư Thành ủy, mỗi cán bộ, người dân Hà Nội cần làm gì để xứng đáng với niềm tự hào đó?

- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Suy nghĩ của tôi là trong năm 2010, mọi công dân Thủ đô đều nên đặt ra cho mình câu hỏi: “Được thừa hưởng rất nhiều giá trị văn hóa lịch sử - truyền thống đáng tự hào của Thủ đô 1.000 năm văn hiến, vậy mình sẽ đóng góp gì cho năm thứ 1010, thứ 1011 và những năm tiếp theo?". Với tinh thần đó, mỗi người phải làm nhiều hơn, tốt hơn phần việc đang làm, đã có đóng góp thì phải đóng góp nhiều hơn cho tương lai... Ai cũng nên suy nghĩ và thấy trách nhiệm như vậy chứ không phải chỉ tự hào về quá khứ, truyền thống. Như vậy, năm 2010 mới có ý nghĩa đặc biệt. Năm 2010 đâu phải chỉ là mít tinh, lễ hội, kỷ niệm mà là năm lao động, học tập, phấn đấu, cống hiến, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Năm tới, nhiều sự kiện văn hóa - nghệ thuật... cũng phải làm cho sôi động, thiết thực và có hiệu quả, tạo sự lan tỏa từ cơ sở chứ không phải chỉ diễn ra ở cấp thành phố. Từng làng, ngõ, xóm, khu dân cư... đều phải khang trang, sạch đẹp hơn chứ không phải chỉ làm đẹp xung quanh Hồ Gươm.

- Phóng viên: Hà Nội, trái tim của cả nước - cả nước luôn hướng về Hà Nội với những tình cảm cao quý. Bí thư Thành ủy đánh giá như thế nào về mối quan hệ hữu cơ đó?

- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Tình yêu Hà Nội từ xưa tới nay đều có sẵn trong mỗi người Việt Nam. Thủ đô thật sự là của mình, là của người Việt Nam. Dù ở Lạng Sơn, Hà Giang hay Cà Mau, Hậu Giang... đều có chung tình cảm ấy. Tiêu biểu nhất cho tình yêu ấy là câu thơ của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ:

“Ai đi ra Bắc cho theo với/ Thăm lại non sông chốn Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long". Với tình cảm đó, các cấp ủy chính quyền, đoàn thể, tổ chức ở các địa phương cũng đang có rất nhiều công trình, dự án hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tất cả những hoạt động ấy thể hiện tình yêu Hà Nội của mỗi người dân ở mọi miền đất nước đúng với tinh thần Hà Nội luôn trong trái tim ta.

- Phóng viên: Mỗi độ Xuân về, Bí thư Thành ủy đều dành những lời chúc tốt đẹp nhất gửi tới cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Thủ đô. Xuân 2010 là một mùa xuân đặc biệt - ngàn năm có một. Trước thời khắc thiêng liêng Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi, Bí thư Thành ủy có điều gì nhắn gửi?

- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: 2010 là một năm hết sức đặc biệt đối với Đảng bộ và nhân dân Thủ đô. Với tinh thần "Đoàn kết, năng động, sáng tạo, kỷ cương, văn minh, thanh lịch”, phát huy kết quả và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua, tôi mong muốn các cấp, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đón lấy vận hội ngàn năm, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2010. Phối hợp với các cơ quan Trung ương, các tỉnh thành bạn tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tạo cơ sở quan trọng để phấn đấu hoàn thành toàn diện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ thành phố và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XV Đảng bộ thành phố.

Nhân dịp Xuân Canh Dần, thay mặt Đảng bộ, chính quyền thành phố, tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Thủ đô một năm mới an khang, thịnh vượng và tràn đầy hạnh phúc.

Chúc một năm mới đoàn kết, đồng thuận, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, góp phần nâng cao vị thế Thủ đô, để Hà Nội tỏa sáng, xứng đáng là Thành phố ngàn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình, Thủ đô Anh hùng.

Xin trân trọng cảm ơn Bí thư Thành ủy!

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark