04/12/2012 | 11:06:00

Thượng tá Lê Đức Đoàn: Người chiến sỹ ưu tú của Thủ đô

Gần 20 năm tận tụy bám chốt, tổ chức phân luồng giao thông trên đầu phía nam cầu Chương Dương, cũng từng ấy thời gian, biết bao mạng người đã được anh cứu sống. Đó là thượng tá Lê Đức Đoàn (Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội), người mới được vinh danh “Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2012”, vốn được biết đến như “khắc tinh” của những người có ý định lên cầu Chương Dương nhảy xuống sông Hồng tự tử.

Anh cảnh sát giao thông nghĩa hiệp


Tôi gặp thượng tá Lê Đức Đoàn vào buổi chiều một ngày đầu đông, cái lạnh đầu mùa không đủ để át đi những giọt mồ hôi đọng trên trán anh sau khi làm nhiệm vụ trong giờ cao điểm. Biết tôi là phóng viên, anh vui vẻ tâm sự, đã 53 tuổi, nhưng anh có 34 năm liên tục công tác tại Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội, trong đó 15 năm được giao nhiệm vụ cùng đồng đội bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở cầu Chương Dương. Như mọi người biết, khi lưu lượng phương tiện ra vào cửa ngõ thủ đô ngày càng quá tải, thì áp lực công việc đối với tổ công tác của các anh càng lớn hơn. Ngày nào cũng vậy, 24 giờ trong một ngày các anh phải tập trung phân luồng, điều tiết giao thông qua cầu, vì chỉ cần một chiếc xe chết máy trên cầu thôi thì ngay lập tức cả một đoàn xe ùn lại thành hàng dài, đồng thời còn kéo theo sự ùn tắc của dòng xe trên những tuyến đường nối với cây cầu. Các anh phải tìm mọi cách để giải tỏa nhanh nhất sao cho dòng phương tiện tiếp tục lưu thông. Và niềm vui đối với anh trong mỗi ca trực là các phương tiện qua cầu được thuận tiện, không xảy ra tai nạn giao thông và nhận được những lời chào, cái gật đầu của “cánh” lái xe…

Anh cho biết, trong các ca trực tại đây, anh đã nhiều lần phát hiện, cứu giúp những người định nhảy cầu tự tử, hay tham gia bắt đối tượng cướp tài sản… và đó là những việc làm rất bình dị, đời thường. Chỉ trong năm 2011 anh đã giúp 11 người có ý định nhảy cầu Chương Dương tự tử trở lại cuộc sống. Theo Thượng tá Đoàn, những người định nhảy cầu Chương Dương tự tử đều có hoàn cảnh riêng rất thống khổ, nỗi khổ khiến họ có suy nghĩ tiêu cực tìm đến cái chết. Có phụ nữ hận chồng không chung thủy, có người bị chồng hành hạ quanh năm, một số trường hợp bế tắc trong cuộc sống do công việc bất thành, phải gánh nỗi oan trái, hay có những cô gái chỉ vì giận người yêu cũng tìm cái chết... Anh cho biết, hầu hết những người này đều cố tình “được chết” nên sau khi kéo được họ khỏi lan can cầu, anh và đồng đội lại phải lựa lời khuyên giải, phân tích ngọn ngành để họ từ bỏ ý định quyên sinh.

Trong hàng chục tình huống cứu người như vậy, Thượng tá Đoàn thanh thản nhất là vụ ngăn được hai mẹ con định buông mình xuống sông vào chập tối 6/6/2012. Hôm ấy, anh đang làm nhiệm vụ ở đầu cầu thì nghe tin báo có người định nhảy cầu tự tử. Đã quen xử trí tình huống này nên anh vội nhảy lên xe gắn máy của một người dân. Đến gần giữa cầu, anh thấy một phụ nữ bế bé gái đang trèo qua lan can. Bé gái sợ hãi bám chặt vào thành cầu, khóc ré lên và người mẹ cũng nức nở. Hai mẹ con đã ở tình thế rất nguy hiểm. Anh Đoàn nhảy xuống ôm riết lấy cả hai nhưng người mẹ vẫn cố nhoài ra sông: “Tôi không muốn sống nữa. Hãy để tôi chết!”. Anh Đoàn lấy hết sức giữ chặt, thét lớn: “Em muốn chết nhưng còn đứa con. Con em có tội tình gì đâu mà em nỡ thả nó xuống sông sâu thế này?”. Ngay lúc đó, một đồng đội của anh đã kịp thời đến trợ giúp đưa hai mẹ con vào. Anh Đoàn và các đồng nghiệp nhẹ nhàng phân tích suốt gần 2 giờ thì mẹ con người phụ nữ quẫn trí vì chuyện gia đình mới bỏ ý định quyên sinh, trở về nhà ở quận Hoàn Kiếm.

Người thương binh luôn hết lòng vì công việc


Nhìn Thượng tá Đoàn, ít ai biết được anh là thương binh nặng, di chứng sau lần bắt cướp dũng cảm trong đêm. Đó là việc xảy ra từ năm 1995, tổ công tác của anh được tăng cường cho Đội CSGT Công an huyện Sóc Sơn. Một buổi tối khi anh và đồng đội đi tuần tra qua một khu vực vắng người trên địa bàn huyện, anh ngồi phía trước xe ôtô nên đã phát hiện nhóm thanh niên đang đe dọa một phụ nữ để cướp xe máy. Người phụ nữ cố giằng lại chiếc xe thì bị chúng đạp ngã dúi dụi bên đường. Anh ra hiệu cho lái xe đi chậm lại rồi mở cửa xe ôtô nhảy xuống chạy vội về phía đó và lao tới quật ngã một tên cướp. Bất ngờ, cả nhóm cướp liền dùng tuýp sắt, gạch đập tới tấp vào mặt, vào đầu anh. Bị đánh khá đau nhưng thượng tá Đoàn vẫn ôm chặt tên cướp đó, ít phút sau, đồng đội của anh kịp đến bắt giữ nhóm cướp, đưa anh đến bệnh viện cấp cứu. Ngay trong đêm hôm đó, anh được mổ cấp cứu vì bị vỡ xương sọ (vùng mặt). Sau 3 tháng nằm viện điều trị vết thương, anh đã trở lại đơn vị tiếp tục công tác và được công nhận là thương binh công an từ đó.

Gần 35 năm công tác trong lực lượng Công an, Thượng tá Lê Đức Đoàn vẫn là một chiến sĩ nghèo theo đúng nghĩa đen. Thế nhưng anh nhận được nhiều lời khen ngợi của nhân dân và phần thưởng của Công an, UBND thành phố Hà Nội. Khi được trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú nhân kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, anh thật sự bất ngờ về điều này. Theo anh, danh hiệu cao quý này là vinh dự của lực lượng Công an thủ đô anh hùng mà anh là một trong hàng chục nghìn cán bộ chiến sĩ của Công an Hà Nội. Đây là sự đánh giá, ghi nhận của Thành ủy, UBND TP Hà Nội đối với lực lượng công an Thủ đô trong việc đảm bảo an ninh trật tự giao thông đô thị.

Tâm sự về gia đình, anh cho biết, không những tự hào về công việc của mình mà anh còn rất tự hào về gia đình. Vợ chồng và hai con anh sống trong căn nhà nhỏ của bố mẹ ở ven sông Hồng, thuộc phường Phúc Xá, Hà Nội. Vợ anh cũng là công chức, ngoài đồng lương không có thu nhập gì thêm nên cuộc sống cũng còn nhiều khó khăn. Nhưng vợ anh là người phụ nữ biết thu vén, tằn tiện, nói như các cụ là “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Ngoài ra, vợ anh rất hiểu và ủng hộ công việc của anh. Còn hai con anh, cháu lớn đã tốt nghiệp Trường đại học Cảnh sát, hiện đang công tác tại Công an Hà Nội, cháu thứ hai đang học tại Học viện Ngoại giao. Gia đình là động lực giúp anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

(hanoi.gov.vn)

Bản để in Lưu vào bookmark