20/08/2010 | 15:24:00

Trống đồng và nỏ thần cho sân khấu Đại lễ

Hoàng Hà Tùng đang thực hiện bức tranh Huyền thoại cố đô. (Nguồn: TT&VH)

Một ngày cuối tuần, tôi nhận lời mời về thăm xưởng vẽ của họa sỹ Hoàng Hà Tùng ở huyện Chí Linh, Hải Dương. Ngạc nhiên, bởi ở thời điểm “nước sôi lửa bỏng” mà người thiết kế sân khấu chính đêm Đại lễ tại Sân vận động Mỹ Đình vẫn còn tâm trạng ẩn mình vẽ tranh nơi phố núi.

Sân khấu là một chiếc nỏ thần

Xưởng vẽ của họa sỹ Hoàng Hà Tùng là dãy nhà xây bằng đá nằm trên một ngọn đồi giữa bạt ngàn đồi núi của xã Văn An - cách Đền thờ Chu Văn An khoảng 1km. Kế bên cạnh là trang trại của một nhạc sỹ có tiếng và bên kia là phần đất đang xây dựng của một diva Hà Thành.

Trong tiết trời oi nồng của tháng Ngâu, Hoàng Hà Tùng xoay trần quanh bức tranh sơn mài khổ lớn đang thực hiện. Bức tranh có tên "Huyền thoại cố đô," kích thước 4,5mx1,8m, dự kiến sẽ ra mắt công chúng vào tháng 10 tới.

“Đây là tác phẩm tôi làm cho Đại lễ 1.000 năm với tư cách cá nhân nên phải tranh thủ thời gian giữa các kẽ hở của công việc đang ngổn ngang ở Hà Nội”- Hoàng Hà Tùng tâm sự - “Khi được mời làm họa sỹ thiết kế sân khấu cho đêm Đại lễ tại Sân vận động Mỹ Đình, tôi đã đọc rất kỹ kịch bản văn học, làm sao thiết kế một sân khấu đơn giản nhất nhưng lại nói được nhiều điều nhất. Quan trọng là chuyển tải được các ý tưởng của kịch bản văn học và ý đồ của đạo diễn."

Từ suy nghĩ đó, ý đồ của họa sỹ là chọn trống đồng làm trái tim của sân khấu; đằng sau là một con đê hình vòng cung dài 75m, rộng 7m và cao khoảng 4,5m, trên con đê có năm cửa ô hình cánh sen trắng. Nối giữa trống đồng và con đê là chiếc cầu màu đỏ, tựa như cầu Thê Húc ở Đền Ngọc Sơn (Hồ Gươm). Sau con đê là bức tường thành tượng trưng cho thành Cổ Loa xưa...

“Nhìn tổng thể, sân khấu là một chiếc nỏ thần. Thân nỏ là chiếc cầu, cánh cung là triền đê màu vàng cao 4,5m...” - họa sỹ khẳng định.

Với ông thông điệp của hình ảnh đầy sức gợi này là sức sống của một dân tộc có truyền thống yêu nước. Lịch sử của Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung là lịch sử dựng nước và giữ nước.

Ông cho rằng ngày nay, khi chúng ta đã hội nhập, thì hình ảnh nỏ thần vẫn là biểu tượng nhắc nhở chúng ta về tinh thần cảnh giác, phát triển đất nước nhưng phải luôn giữ bản sắc dân tộc.

Riêng chiếc trống đồng - trái tim của sân khấu nơi các nghệ sĩ tái hiện các giai đoạn lịch sử của dân tộc bằng ngôn ngữ múa - được thiết kế với độ cao 2,5m. Ý tưởng của họa sỹ là thiết kế một sân khấu “không đụng hàng,” sử dụng công nghệ cao, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Theo đó, trống đồng có thể nâng lên hạ xuống ở độ cao 7-8m; hình tượng các danh nhân lịch sử xuất hiện thông qua công nghệ chiếu sáng 3D...

Đã có một số công ty của Italiay, Singapore thể nghiệm việc chiếu sáng như thế này, rất hiệu quả. Họ cũng đã thực hiện cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xem. Nhưng vì lý do kinh phí, nên kết cuộc phương án được duyệt là “trống đồng nằm yên.”

Cũng theo Hoàng Hà Tùng, thì sân khấu trống đồng đêm Đại lễ sẽ có màu trắng để “bắt sáng” phát huy hiệu quả của chiếu sáng trong việc tái hiện lịch sử.

Và bức tranh dát vàng kỷ niệm Đại lễ

Còn nhớ hồi đầu năm nay, tại “Không gian văn hóa Việt” 9 Hàng Trống, Hà Nội, họa sỹ Hoàng Hà Tùng đã cho ra mắt bức Tranh quê chất liệu sơn mài với dòng sông dát vàng dài 24 m treo kín 3 mặt tường của gian phòng hơn 200m2. Với bức tranh này, ông dám chắc là bức tranh sơn mài dài nhất Việt Nam.

Và giờ đây, chỉ bức tranh mới vừa hoàn tất phần gắn trứng và cửu khổng (vỏ của loại trai biển sống lâu năm), Hoàng Hà Tùng nói: “Bức tranh tái hiện những huyền thoại ở cố đô Hoa Lư xưa và nay. Phần trên của bức tranh là một người đàn bà đang bay với đôi cánh phượng hoàng, hai bên có hai con rồng uốn lượn. Phía dưới là những cô dân quân đang chở đá bằng những chiếc xe cút kít; kế bên là những người đàn bà tắm suối trong sự hoan lạc. Những người đàn bà này tôi vẽ cách điệu, không xác định giai đoạn lịch sử nào; rồi những điệu múa cổ; đời sống sinh hoạt của người dân... Cứ như thế, huyền thoại và hiện thực đan xen nhau trong một tác phẩm.”

Vẫn sử dụng nhiều chất liệu vàng trong tác phẩm, nhưng khác với bức Tranh quê bằng vàng ròng trước đây với cả một dòng sông vàng “lộ thiên,” thì đến "Huyền thoại cố đô," Hoàng Hà Tùng “chôn vàng” dưới lớp son. Anh bảo, bức tranh này anh vẽ cho 10 năm sau. Người xem sẽ không nhận ra vẻ đẹp của nó ngay sau khi hoàn thành, mà phải đợi 10 năm nữa khi lớp cánh gián bay đi, lớp vàng lộ ra... mới thấy hết vẻ đài các, sang trọng của một cố đô huyền thoại.

Khi biết Hoàng Hà Tùng vẽ bức tranh này, chủ một doanh nghiệp đã đặt hàng và đề xuất tạm ứng 50% kinh phí nhưng tác giả đã từ chối. Lý do là muốn làm một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa trước, sau đó mới tính đến việc bán.

Dẫu vậy, đề xuất của nhà doanh nghiệp nọ cũng khiến Hoàng Hà Tùng phấn chấn vì cho rằng việc bảo trợ cho tác phẩm nghệ thuật là hết sức cần thiết để nghệ sĩ có đủ điều kiện sáng tác những tác phẩm chất lượng cao.

Theo kế hoạch, bức tranh sẽ hoàn thành vào tháng 10 tới và sẽ được họa sỹ tổ chức lễ ra mắt tại Chí Linh. "Tôi dự kiến thuê một đội văn nghệ để làm một cuộc triển lãm sắp đặt. Đây là cách chào mừng Đại lễ của riêng tôi và tôi sẽ chơi cuộc chơi nghệ thuật này cùng với những người bạn yêu hội họa của mình,” ông nói./.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark