09/05/2013 | 18:59:00

Cần bảo tồn làng cổ Đường Lâm một cách hài hoà

Những ngày gần đây, thông tin 78 hộ dân làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cùng ký tên vào lá đơn gửi các cơ quan chức năng xin trả lại danh hiệu "Di tích Quốc gia" khiến mọi người đều ngỡ ngàng và băn khoăn. Lý do họ đưa ra là: Điều kiện sống của người dân trong làng cổ vô cùng khó khăn khi nhu cầu sinh hoạt hàng ngày càng cao, việc xây dựng nơi ở lại vướng các quy định bảo vệ di tích. Ngày 9/5, phóng viên TTXVN có mặt tại làng để tìm hiểu những vấn đề liên quan đến vụ việc trên.

Trên 300 hộ dân vùng lõi có nhu cầu về nhà

Trong những ngày này, khắp các thôn ở làng cổ Đường Lâm đều “nóng” câu chuyện trả lại danh hiệu di tích; trong nhà ngoài ngõ đều bàn tán xôn xao với những ý kiến trái chiều, nhưng đều chung một tâm trạng bức xúc vì nhu cầu nhà ở không được mở rộng. Đến nhà ông Kiều Văn Triệu mới chứng kiến trong tổng diện tích 160m2, kể cả sân hè và 3 ngôi nhà để ở diện tích 64 m2, nhưng đang là nơi sinh sống của 14 người. Hai người cháu trai của ông đều trên 30 tuổi, nhưng chưa lập gia đình và có lập cũng chưa biết ở vào đâu. Ông Kiều Văn Tuấn - con trai ông Triệu như chạm vào đúng nỗi bức xúc bị dồn nén từ lâu khi được hỏi về vấn đề này: “Chỉ có chừng này diện tích cho hơn 10 người của 3 gia đình nhỏ, chúng tôi vô cùng khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Cơi nới, sửa chữa nhà cửa để có chỗ ở cho thoải mái cũng không được vì vướng hết thứ nọ, tới thứ kia.”

Bí thư Chi bộ thôn Mông Phụ Hà Huy Mão cho biết: Chi bộ tôi chưa bao giờ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì động cái gì cũng vi phạm. Dân trong làng lúc nào cũng bức xúc vì không biết chịu đựng tình cảnh này đến khi nào. 9 năm qua, kể từ khi làng cổ Đường Lâm đạt danh hiệu di tích cấp Quốc gia, đời sống nhân dân chưa được cải thiện nhiều, trong khi phải chịu quá nhiều thiệt thòi.

Đem vấn đề này hỏi lãnh đạo xã Đường Lâm, ông Giang Mạnh Hoằng - Chủ tịch UBND xã thừa nhận: Hơn 300 hộ dân trong vùng lõi làng cổ (thôn Mông Phụ) trong tổng số trên 400 hộ có nhu cầu về nhà ở. Tuy vậy, việc giải quyết nhu cầu của dân đang gặp vướng mắc, do nhiều năm nay Đường Lâm chưa có quy hoạch tổng thể. Người dân muốn có quỹ đất mới để giãn các hộ gia đình, tránh tạo sức ép cho di tích hoặc muốn có một mẫu nhà truyền thống để xây dựng, nhưng đến giờ vẫn chưa có. Thực tế người dân không phải không biết trân trọng di sản, muốn bảo tồn di sản, nhưng không biết bảo tồn theo hướng nào và phải chờ đợi quy hoạch quá lâu.

Trưa 9/5, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã cùng Cục Di sản, thị xã Sơn Tây đã khảo sát thực trạng quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của người dân, nhằm đưa ra giải pháp tốt nhất trong thời điểm này. Theo quan điểm của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, những ngôi nhà cổ có giá trị cao cần tập trung bảo tồn và cần nâng cao đời sống cho người dân với những ngôi nhà phù hợp hơn. Khi có lợi ích từ việc phát huy giá trị di sản, người dân sẽ giảm bức xúc, gắn bó hơn với làng cổ.

Ông Trương Minh Tiến cũng cho rằng: Người dân cần "chịu đựng" thêm một thời gian ngắn nữa, giảm bức xúc bởi việc xin trả lại danh hiệu sẽ không có lợi cho chính mình. Chính quyền đang từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đang cố bảo tồn di sản thì người dân cũng nên ủng hộ. Thời gian này, các hệ thống chính trị cần tuyên truyền vận động để ổn định tâm lý người dân làng cổ.

Các cơ quan chức năng cần sự vào cuộc

Chính quyền xã Đường Lâm hay Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm (trực thuộc UBND thị xã Sơn Tây) đều khẳng định, chưa nhận được bất cứ văn bản nào của bà con làng cổ Đường Lâm về việc xin trả lại danh hiệu, mà chỉ nghe dư luận thông tin. Mấu chốt của vấn đề này do UBND thị xã Sơn Tây chỉ đạo cho xã Đường Lâm chuẩn bị cưỡng chế ba ngôi nhà sai phép, không có phép dẫn đến hành động tức thời của người dân. Đồng thời còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất trong việc khai thác du lịch làng cổ Đường Lâm nhằm bảo tồn, phát huy, đem lại nguồn lợi cho chính người dân.

Nhưng dù sao việc chậm trễ quy hoạch dẫn đến vướng mắc trong sinh hoạt hàng ngày của người dân là hiện hữu. Người dân không phải không có ý thức trong bảo tồn di sản, nhưng việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển cần đặt trong thế hài hòa. Mà điều này chính lãnh đạo xã Đường Lâm thừa nhận, xã chưa có lời giải bài toán này. Bản thân người dân cũng cho rằng, bảo tồn di tích hay khai thác du lịch đều cần phù hợp với cuộc sống người dân. Theo ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm: Đúng là người dân đang bức xúc, nên các cấp, ngành cần làm thế nào để giảm bức xúc cho người dân, giữ được các ngôi nhà cổ. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần có chính sách đặc thù cho Đường Lâm để người dân có được lối thoát.

Với chức năng là c ơ quan quản lý trực tiếp di tích làng cổ, ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cũng thừa nhận: Thực tế trong những ngôi nhà cổ có tới 3 – 4 thế hệ cùng sống trong diện tích 70 – 80%, luôn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ không gian nhà cổ. Nh ưng đây là làng cổ đầu tiên được công nhận di sản cấp quốc gia, nên không tránh khỏi bất cập trong quản lý . Trong khu vực 1 làng cổ phải giữ nguyên trạng yếu tố gốc, người dân muốn thay đổi kết cấu nhà phải xin phép từ Bộ cho tới cấp xã mới được phép xây dựng, gây ra nhiều bất cập cho người dân. Ban quản lý đã có một số văn bản đề nghị Cục Di sản hướng dẫn việc xây dựng trong làng cổ.

Thành phố Hà Nội và thị xã Sơn Tây cấp phép cho người dân và kiến nghị các cấp có cơ chế, có văn bản hướng dẫn để người dân thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày. Đơn vị này cũng thực hiện nhiều giải pháp để khách du lịch đến với Đường Lâm, tạo thêm công ăn việc làm cho dân, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Hiện Ban đang đốc thúc các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ quy hoạch làng cổ, riêng khu quy hoạch đang vướng mắc nên rất khó khăn trong việc giãn dân. Một mặt đề nghị các cấp quan tâm đến việc giãn dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, có kinh phí chống xuống cấp các ngôi nhà cổ để người dân yên tâm gắn bó với làng cổ. Nhưng vấn đề từ chủ trương áp dụng vào thực tiễn còn nhiều bất cập, mới xảy ra những cực đoan trong dân và nhiều hộ dân ký vào đơn trên.

“Quan điểm của chúng tôi phải giữ di tích làng cổ Đường Lâm, không chỉ cho riêng người dân Đường Lâm, mà cho cả nước bởi đây là di tích cấp quốc gia” – Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm khẳng định. Nhưng điều quan trọng, các cơ quan chức năng cần giải quyết triệt để các nhu cầu bức xúc trong dân thì việc bảo tồn mới bền vững. Vì vậy, cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng để việc bảo tồn di tích quốc gia hài hòa với nhu cầu sống của người dân./.

Hồng Kiều

Bản để in Lưu vào bookmark