13/11/2012 | 15:11:00

Chợ hoa Mai Dịch trong đêm

Tuy đã nhiều lần đi chợ đêm nhưng khi có dịp lang thang ở chợ hoa Mai Dịch những ngày rét đầu Xuân Tân Mão, cảm giác lạnh giá của đêm Hà Nội với chúng tôi quả thật khó quên.

Thời gian trôi chậm chạp, đêm dài hơn, cái rét thêm tê tái, cả người bán và người mua đều ngụy trang như “nin-ja”.

Chợ đêm ở Hà Nội thường họp sau 0 giờ hằng ngày, đây cũng là lúc phố xá trở nên thanh bình, trái ngược với cảnh tất bật, ngột ngạt, tắc đường quen thuộc của ban ngày.

Với địa bàn rộng, nhu cầu sinh hoạt của người dân trong thành phố rất lớn nên mỗi đêm trên địa bàn Thủ đô có nhiều chợ họp, nhưng với chợ hoa đêm Mai Dịch bắt đầu họp muộn hơn so với chợ đêm khác.

Phải ngồi một chỗ để bán hàng nên những chủ hàng co ro, cố thu lu người, tay luôn xuýt xoa cho vơi bớt cái lạnh của sương đêm. Hơn 2 giờ, các phương tiện tham gia giao thông trên đường vắng tanh, chỉ còn lại những chiếc xe máy cồng kềnh nối đuôi nhau chở hoa đến chợ.

Trong ánh sáng vàng vọt của đèn đường và vài chiếc bóng điện kéo tạm bợ, người bán hàng bắt đầu chuyển từng bó hoa tươi vẫn còn thấm đẫm sương trên từng cánh hoa xuống tấm ni-lông trải trên vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu để bày bán.

Len lỏi trong dòng người lầm lũi mua bán trong chợ, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Mai Anh, một sinh viên của Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội khi cô đang trả giá mua một bó hoa cúc.

Cô nói với chúng tôi: “Mặc dù thời tiết rất lạnh nhưng em thỉnh thoảng vẫn đi chợ hoa đêm. Mỗi lần đến đây, em không chỉ mua hoa cho rẻ mà còn là dịp chứng kiến một nhịp sống không ồn ào, chen chúc, không tắc đường như Hà Nội thường nhật. Đồng thời để mỗi khi dẫn khách du lịch nước ngoài đi tour, em có thể giới thiệu với họ về một nét văn hóa khá đặc trưng về đêm của người dân đất Thăng Long xưa, Hà Nội nay.”

Lang thang dọc theo chợ hoa, tôi giật mình khi anh bảo vệ trông xe của chợ hoa gọi giật giọng: “Có phải cậu là nhà báo không?”, cũng chẳng để cho tôi trả lời, anh nói luôn: “Nhìn cái máy ảnh và ống kính to đùng thế kia chắc là nhà báo rồi, cậu đến chụp ảnh, lấy tin à?!.”

Bất ngờ trước thái độ thân thiết ấy, tôi la cà ngồi với anh bảo vệ cùng uống chén trà nóng cho ấm bụng, đồng hồ lúc này đã chỉ sang 4 giờ 30 phút.

Ngồi cà kê với anh bảo vệ, tôi biết được nhiều thông tin nóng hổi hơn là hỏi mấy chị bán hoa. Vì khi đang nói chuyện với tôi mà có khách, các chị chủ hàng lại đon đả chào mời mua hoa nên câu chuyện đành bị bỏ dở.

Tôi gặng hỏi tên để trò chuyện cho thân thiết nhưng anh bảo cứ gọi tôi là bảo vệ chợ cũng được rồi. Qua câu chuyện với người bảo vệ, tôi được biết, ở chợ này hiện có hơn trăm hộ kinh doanh, trong đó hầu hết là người dân trực tiếp trồng hoa ở làng hoa Tây Tựu, huyện Từ Liêm (Hà Nội).

Hoa Tây Tựu luôn nổi tiếng với cúc và nhiều loài hoa rất đẹp.

Cũng như nhiều chợ hoa khác, ở chợ hoa Mai Dịch có bán hầu hết các loại hoa như: Cúc, hồng, lan, ly, lay ơn… Song nhiều nhất vẫn là hoa hồng và hoa cúc.

Một phần do quy mô chợ cũng không lớn và điểm họp chợ ngay trước cửa Nhà hát Quân đội nên hầu hết hoa ở đây là của làng hoa Tây Tựu. Còn lại một số loại hoa khác được đem đến từ vùng trồng hoa của huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và cả hoa ở Đà Lạt (Lâm Đồng) chuyển ra.

Đúng là ở Hà Nội, mỗi khi nhắc đến hoa, người ta nhớ đến đào Nhật Tân, quất Phú Thượng, sen Tây Hồ và cúc Tây Tựu…

Là người chẳng mấy khi mua hoa, thỉnh thoảng có việc mua hoa, tôi cũng mang máng giá của mỗi bó hoa gọi là tạm được vào khoảng hơn trăm nghìn đồng.

Nhưng có dịp thâm nhập chợ hoa và hỏi giá, tôi bỗng giật mình vì giá rẻ đến... bất ngờ. Mỗi chục hoa hồng, hoa cúc có giá chừng hơn 10.000 đồng. Vì giá rẻ thế nên khách hàng chủ yếu đến mua buôn.

Cũng như chợ hoa khác, chợ hoa đêm Mai Dịch không chỉ bán hoa mà còn có cả những người bán lạt giang, giấy, dây nơ để bó hoa.

Những người này thường bán rong khắp chợ, không cố định, về sáng, khi chưa hết hàng, họ đi lại nhiều hơn để cò kè, mời gọi người mua hoa mua luôn những thứ đó cho tiện.

Tuy lời lãi ít song họ vẫn đêm đêm gắn bó với chợ hoa để góp nhặt từng đồng bạc lẻ trong cuộc sống mưu sinh.

Đến chợ hoa đêm mua bán chủ yếu là phụ nữ, thỉnh thoảng có đàn ông làm nhiệm vụ chở hoa sau khi các bó hoa đã có chủ. Ở một góc giữa chợ hoa, một quán cóc nhỏ bày bán xôi, trứng, bánh mì đến cà phê, nước chè của bà lão cũng đông khách không kém sạp hoa.

Người mua, người bán tranh thủ làm nắm xôi nóng cho đỡ đói và chén nước trà nóng ấm bụng, mấy bác tài xế vào hút thuốc lào để chống chọi lại với cái rét “cắt da cắt thịt” của sương đêm dày đặc.

Lần lượt từng bó hoa được người mua chằng lên xe máy để chở đi vội vã như để trốn cái lạnh của đêm và còn về nhà bó hoa kịp bán cho những khách đến cửa hàng mua sớm.

Như một chu kỳ chung, cứ đến dịp giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu hoa phục vụ người dân tăng lên khá cao và giá cả cũng nhích thêm được đôi chút.

Vui đấy, nhưng với người trồng hoa vẫn canh cánh một nỗi buồn vì giá bán tăng chẳng mấy trong khi những mặt hàng khác như phân bón, xăng dầu cứ thất thường thì lời lãi cũng chẳng nhiều.

Ngày mới bắt đầu khi chợ đêm vừa kết thúc. Bóng đêm nhạt nhòa, bình minh ló rạng, trời về sáng cũng là lúc chợ tan để cho từng gánh hoa, từng chiếc xe đạp thồ chở hoa đến các siêu thị, cửa hàng hoa hay len lỏi đến từng ngõ ngách của Hà Nội bán cho người dân./.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark