14/02/2012 | 21:40:00

Cổng làng - nét duyên quê giữa kinh kỳ sôi động

Thăng Long - Hà Nội với những cổng làng cổ kính nằm trong phố phường sôi động như nhắc ta về lịch sử, truyền thống và văn hóa rất đặc trưng của đất kinh kỳ.

Trong sâu thẳm tâm hồn người Việt Nam, mỗi khi nhắc đến quê hương, không ai lại không nhớ đến hình ảnh chiếc cổng làng. Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng trở thành một nét hồn quê. Sau cánh cổng là cả một xã hội thu nhỏ. Ở đó có họ hàng, làng xóm, có đình đám hội hè, có phong tục, hương ước riêng. Dẫu mỗi nơi mỗi vẻ, nhưng cổng làng từ ngàn xưa đã là một phần của văn hóa Việt Nam.

Một ngày lang thang cùng Hà Nội, giữa ồn ào phố xá, bạn sẽ thấy vẫn còn đó những cổng làng cổ kính, rêu phong, mà thoạt nhìn như lạ, như quen. Thụy Khuê - vùng đất được mệnh danh là có nhiều cổng làng nhất Thủ đô, bởi phố này xưa gắn với vùng Bưởi - ven đô. Cùng với thời gian, vùng quê ấy, nay đã thành phường, thành phố. Nhưng những cổng làng thì vẫn còn đó, ẩn hiện dưới những tán cây, đan xen giữa những ngôi nhà cao tầng hiện đại.

Ngày ngày, các cụ già vẫn ngồi trò chuyện, lũ trẻ vẫn quẩn quanh nô đùa bên chiếc cổng làng. Cụ Phùng Thị Tuất, 77 tuổi ở Thụy Khuê, quận Tây Hồ cho rằng: “Ở làng thì phải có cổng để đi ra, đi vào. Ngày xưa cổng làng nhà tôi bậc bước lên bằng đá, giờ thẳng tuột để đi xe máy cho nên mất cả lối cổ xưa. Ngày đi tản cư, khi về thấy cổng làng nhà mình là vui sướng, cứ chiều đến ra cổng làng để ngồi để chơi. Nay, dù cổng làng không còn như cũ, nhưng còn giữ được cổng làng là vui rồi”.

Mỗi làng của Hà Nội xưa thường gắn với một nghề. Khi xây dựng cổng làng, ông cha ta thường gửi gắm với thế hệ sau bao điều qua từng nét đại tự, ý tứ sâu xa của đôi câu đối bên cổng. Có thể là câu đối vua ban, nhưng phần nhiều là những câu đối ca ngợi giá trị truyền thống, nét đẹp làng nghề, hay niềm mơ ước về một điều tốt đẹp.

Nếu như Ô Quan Chưởng ở phường Đông Hà rêu phong cổ kính; cổng làng Đông Ngạc gắn với nghề làm nem cổ truyền “Giò Chèm, nem Vẽ”; làng Thụy Khuê có nghề làm giấy dó; làng Trung Kính làm hương đen… thì làng Đại Từ lại có tục nuôi con nuôi. Có lẽ chính vì thế mà vòm cổng làng Đại Từ đắp nổi bốn chữ “Đại Từ nghĩa dân”, tương truyền do Vua Tự Đức ban tặng. Kết hợp vẻ đẹp xưa với cuộc sống sôi động hôm nay và ghi nhớ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng (12/10/1958), cổng làng Đại Từ có câu đối: “Chính nghĩa tự nghìn xưa với chữ vua ban càng rực sáng. Đại Từ thời đổi mới theo lời Bác dạy mãi vươn cao”.

Ông Trương Nhâm, ở làng Đại Từ, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Cổng làng là chu vi của thành quách. Ngày xưa đã là cổng thì phải có cánh, nhưng bây giờ thời đại mở cửa, cổng làng phải xây cao như thế này để xe cứu hỏa đi qua được, không ảnh hưởng đến giao thông”.

Trân trọng vốn cũ, hơn một tháng nay, người dân xóm 3, thôn Mễ Trì Hạ, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, góp tiền xây dựng cổng làng. Nguyên làng Mễ Trì có tên Anh Sơn, làng có 4 cổng nhìn về bốn hướng, đặt tên là Anh Sơn Môn. 4 cổng này luôn cửa đóng then cài để tránh trộm cướp, phòng kẻ gian đột nhập. Ngày Vua Lê đến thăm làng, khi ra về bà con tiễn Vua bằng gạo trắng thơm ngon, nhân đó Vua đặt lại tên làng là Mễ Trì. Mễ nghĩa là gạo, Trì nghĩa là cái ao lớn, đó là một vùng đất cấy trồng lúa gạo thơm ngon, từ đó làng Anh Sơn đã đổi thành Mễ Trì. Trải qua những thăng trầm của lịch sử Thủ đô, cổng làng Mễ Trì không còn nữa. Giờ cuộc sống khá giả Mễ Trì đang đô thị hóa mạnh mẽ nhưng bà con góp tiền xây lại cổng làng để ghi lại lịch sử của vùng quê này.

Anh Nguyễn Văn Sự, Chi hội trưởng Hội Nông dân xóm 3 tâm sự: “Những tài sản, di sản của các cụ để lại, thế hệ bây giờ phải phát huy, duy trì, bảo lưu lại. Một số di sản văn hóa của các cụ để lại, qua thời gian một mai đi, bây giờ phải phục chế. Việc xây dựng lại cổng làng để thế hệ con cháu biết được lịch sử của làng”.

Đô thị hoá đang len lỏi vào từng ngõ ngách làng quê. Những cổng làng xưa đã phai màu, thậm chí có nơi, cổng làng không còn người qua lại. Như muốn lưu giữ giá trị văn hoá làng, ông Vũ Kiêm Ninh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hiện sống ở khu tập thể Nam Đồng ấp ủ ý tưởng lưu giữ hình ảnh về cổng làng Hà Nội. Ông có những chuyến điền dã, chụp hàng trăm ảnh cổng làng, ghi chép cẩn thận từng đại tự, câu đối và gặp gỡ người dân để tìm hiểu về phong tục, tập quán từng nơi.

Ông Ninh mong ngày càng có nhiều cổng làng được phục dựng, bởi lẽ, cổng làng là gốc, là hồn của văn hoá làng, mà đi đâu về đâu, người Việt Nam cũng không quên: “Nếu giữ được cổng làng là phải giữ được cái gốc cũ, bởi nếu cổng làng làm theo cách mới ngày nay thì mất đi cái hồn, cái cốt của cổng làng, làm mất đi dáng vóc riêng của cổng làng. Nhiều cổng làng ngày nay làm quá đơn giản, chỉ làm một cái cổng sắt thì còn đâu là câu đối, còn đâu là đại tự, còn đâu những nét đẹp của làng”.

Hà Nội đang hướng tới Đại lễ 1.000 năm. Chúng ta tự hào về một Hà Nội hoà bình, một Hà Nội đang vươn mình mạnh mẽ ngày càng to đẹp hơn. Nhiều con đường, khu phố khang trang với những toà nhà cao tầng. Lại càng tự hào hơn khi giữa ồn ào cuộc sống thời hiện đại, vẫn còn đây đó những chiếc cổng làng. Đó là chứng tích, nói lên nhiều điều về lịch sử, làng nghề, phố nghề, về một cõi riêng tư nho nhỏ trong tâm hồn người Hà Nội./.

(VOV/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark