09/02/2012 | 10:56:00

Nhà cửa trong phố phường Thăng Long và sự phát triển

Thời Lý với xu thế xây dựng một nước Đại Việt đàng hoàng, bên cạnh việc xây dựng khang trang của nhà nước thì việc xây dựng của nhân dân – nhất là ở kinh thành, cũng được đẩy mạnh và từ nhà tranh muôn vươn lên nhà ngói.

Năm 1084 vua Lý Nhân Tông xuống chiều “cho thiên hạ nung ngói lợp nhà”. Nhà lợp ngói thì bộ khung nhà bằng gỗ, bền chắc và rộng rãi, khang trang hơn nhà tranh. Nhưng rồi có lẽ nhà ngói sân gạch của dân được xây dựng ồ ạt, phần nào lấn át đền đài và cung điện của nhà nước, nên năm 1097 vẫn chính vua Lý Nhân Tông lại ra lệnh “cấm dân gian bách tính không được xây nhà ngói”. Như vậy nhà cửa của nhân dân – dù ở kinh thành cũng chỉ còn là những nếp nhà tranh.

Cho đến cuối thế kỷ XIII, sau khi nhà Trần ba lần đánh thắng quân Mông – Nguyên hai bên lại giao hiếu, sứ giả Nguyên là Trần Phu (tức Trần Cương Trung) sang ta, thấy trong dân dã hầu hết là nhà tranh, đã ghi lại trong sách An Nam tức sự: “Làm nhà không có kiểu gấp mái hoặc không kèo, mà mái từ đòn dông (xà nóc) đến giọt tranh cứ thẳng tuột một mạch như đè hẳn xuống. Vì vậy nóc nhà rất cao, nhưng mái hiên chỉ cách mặt nền chừng 4 – 5 thước (khoảng 1,5m đến 1,7m), có nhà mái còn xuống thấp hơn nữa, nên trong nhà có phần tối, phải trổ cửa. Trong nhà không bày bàn ghế, có giường phản hoặc trải chiếu cói ngay xuống nền nhà, cạnh giường ngủ có lò than để sưởi khi trời lạnh, cũng để tránh hơi ẩm xông lên khi mưa nắng. Cũng có nhà lợp ngói, kiểu ngói ta lợp như hình vẩy cá”.

Đoạn sử trên do người nước ngoài nhìn và kiến trúc dân gian Việt Nam, sớm nhất hiện còn đến nay, tuy sơ sài song thật đáng tin, đã khái quát được lối kiến trúc của nhà dân thời Trần, cho thấy kiến trúc luôn thích nghi với môi trường nhiệt đới nóng về mùa hè, lạnh về mùa đông, độ ẩm cao. Ở đây ngôi nhà vườn cao mà bám chắc, những khắc phục về nhiệt độ và ánh sáng đều giản đơn đến bất ngờ mà hiệu quả cao, từ cấu trúc trên hình thức luôn mang nét riêng Việt Nam.

Không chỉ nhân dân lao động sinh sống trong những ngôi nhà như vậy, mà cả các danh sĩ cũng thích ở nhà tranh. Văn thơ thời Trần ghi lại chỗ ở của Nguyễn Tử Thành:

“Thềm rêu loang vách vết sên bò

Gió xuân cỏ mọc xanh rờn cả sân”

Ngay đến Nguyễn Úc làm quan trong Viện Hàn Lâm cũng “nương thân dưới mái nhà tranh”. Nguyễn Phi Khanh rất tự hào về ngôi nhà ở của mình:

“Rào tre bao quanh nhà có muôn nhanh ngonh,

Nhà cũ chừng hơn năm thước ở bên chùa cổ”

Và cả với quán khách của ông cũng thật bình dị:

“Nhà tranh bên khóm hoa xuân đẹp mãi,

Cửa sài ngoài cột liễu, khách dễ tìm”

Ở đó, như nhà ở của Chu Văn An cũng thật thanh bần, cửa chỉ bằng tấm phên ghép bằng cành cây mà lại như một mảng trang trí: “Cánh cửa phên che nghiên ngăn cái rét nhẹ”.

Trong cái thú ở thôn xóm, Nguyễn Phi Khanh cũng tự hào về một ngôi nhà ngói đơn sơ:

“Vài gian nhà học khuất trong lau lách

…Sương phủ trên mái nhà, trữu nặng ngàn viên ngói

…Gió xuân đầy thềm thú biết bao nhiêu!”

Sang thời Lê, tình hình xây cất nhà cửa ở Thăng Long chủ yếu vẫn bằng tranh tre. Nguyễn Trãi trong lúc long đong “triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải”, đã ở “góc thành Nam, lều một gian”. Một gian lều thì hẳn là nhà tranh tre đơn sơ, phù hợp với gia cảnh:

“Ao bởi hẹp hòi, khôn thả cá,

Nhà quen tuế tóa, ngại nuôi vằn

Thậm chí cả khi đã hiển đạt, ông vẫn sống trong căn nhà nhỏ bé như người ở ẩn, được cái xinh xắn như ông từng tức cảnh:

“Hiên và song nho nhỏ, nhà tranh thấp thấp,

Nhà quan bỗng thấy giống như nhà ẩn dật”.

Và cái thú vui của kẻ sĩ là “lều tranh đọc sách cạnh hoa chơi” tự bằng lòng với ngôi nhà mới ở “chỗ quạnh chỉ hơn một cung đất mà đầy gai bụi”, tức gần như túp lều giữa mảnh vườn hoang chỉ rộng chừng 5 thước. Ngôi nhà có hiên và cửa ấy nhìn ra ngay vườn hoa, suốt ngày đêm mang thiên nhiên đẹp đến với Nguyễn Trãi, hòa quyện trong nhà với ngoài vườn, cảnh và tình:

“Hé cửa hiên chờ hương quế lọt,

Quét hiên ngày lệ bóng hoa tàn”

Và ngôi nhà của Nguyễn Như Đổ còn đơn sơ đến gần như hoang dã:

“Nhà tranh vẫn sơ sài

Rêu biếc thềm phủ khắp

Cỏ xanh sân mọc đầy”

Bên cạnh nhà cửa của nhân dân, trong kinh thành còn có các công sở mà quy mô và bố cục mặt bằng của nó được nhà nước quy định theo hình chữ công, mỗi dãy chỉ vài gian.

Kinh thành thời Lê được phiên chế thành 1 phủ 2 huyện là phủ Phụng Thiên và huyện Thọ Xương huyện Quảng Đức. Và như vậy ở đây cũng có những kiến trúc được quy định cho các địa phương: Tri phủ và tri huyện công đường 3 gian 2 chái, lợp bằng cỏ tranh, cứ 4 năm lợp lại 1 lần, nghi môn 1 gian, ngục đình 3 gian 2 chái, bốn chung quanh trồng 2 lần dậu bằng tre, không bao tường.

Ở ngoài cửa Đại Hưng năm 1491 nhà Lê cho dựng đình Quảng Vân. Theo Bùi Xương Trạch (1450 – 1529) thì “nhà vua lo rằng chính sự nhiều, thần dân đông, không thể bảo tận mặt, nói tận tai được, nên mới gọi các thợ vẽ kiểu mẫu; dùng tài ông Thùy, khéo ông Thâu xây dựng lên ngôi đình ở cửa Đại Hưng làm chỗ dán các giấy má nói về công việc chính trị của vua. Về hình thức, cột rất cao, chạm đục thưa thớt. Dẫu thấp mà không xấu xí, dẫu đẹp mà không lộng lẫy. Thế là mẫu mực được vừa phải”.

Còn ở trên đường bao kinh thành, trong Tử trấn có trấn Nam thờ Cao Sơn đại vương ở làng Kim Liên, theo tấm bia Cao sơn đại vương thần từ bi minh tính tự dựng năm Hồng Thuận 3 (1510), hiện còn ở đền, thì năm 1509 tướng Văn Lữ của Tương Dực tiến vào kinh thành đánh Lê Uy Mục, khi đi đến huyện Thuận Hóa thấy “nơi đây núi rừng rậm rạp, một dải mênh mông, có vùng sâu tên là Lầm rộng khoảng 1 mẫu, sâu thẳm vô cùng, phía trên có đền mái lợp tranh. Trong đền, dựng tảng đá có đề chữ “Cao Sơn đại vương”. Như vậy đền làng Kim Liên vốn trước khá đơn sơ chỉ lợp cỏ tranh.

Nhà văn Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) người huyện Đường An (Hải Dương), ngoài nhà ở quê còn có nhà riêng ở Hà Khẩu (phố Hàng Buồm – Hà Nội). Trong sách Vũ Trung tùy bút, ở bài Tự thuật, ông đã tả về nhà mình:

“Nhà ta ở phường Hà Khẩu huyện Thọ Xương, trước nhà tiền đường có trồng một cây lê, cao vài mươi trượng, lúc nở hoa trắng xóa thơm lừng, trước nhà trung đường cũng trông hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra quaar trông rất đẹp”. Nhưng ông cũng cho biết: “Buổi ấy, bao nhiêu những loại trân cầm, dị thú, cổ vật quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, Chúa [Trịnh Sâm] đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì”. Vì thế hai cây lựu và cả cây lê của nhà Phạm Đình Hổ đã bị bà mẹ ông sai chặt đi.

Phía bắc hồ Hoàn Kiếm là khu xây dựng cung phủ của chúa Trinh. Thế kỷ XVIII, danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Được triệu vào phủ chữa bệnh cho chúa Thịnh, thấy: “Quanh co hơn dặm đâu đâu cũng là lâu đài đình gác, cửa ngục dèm châu, lóng lánh chiếu xuốn đáy nước, cao vút tận trời xanh. Hai bên đường toàn là hoa thơm cỏ lạ những loài thú quý, những con chim đẹp bay nhảy hót vang, từ dưới đất bằng nhô lên một ngọn núi cao, cây cổ thụ bóng che râm mát. Một cái cầu bắc ngang qua dòng nước uốn quanh, đá hoa làm lan can…Thực không khác gì cảnh thần tiên” (Thượng kinh ký sự). Nhà văn Phạm Đình Hổ cũng thấy: “Trong phủ chúa, tùy chỗ điểm xuyết bày vẽ ra hình núi non bộ trông như bến bể đầu non. Mỗi khi đêm thanh cảnh vắng tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bể, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa bão táp” (Vũ Trung tùy bút).

Vẫn trong Vũ Trung tùy bút Phạm Đình Hổ còn cho biết các phường phố phía đông kinh thành: “Lại như kinh thành khi xưa có phường Giang Khẩu tiếp giáp bờ sông Nhị, liền với cái ngòi sông Nhị chảy vào sông Tô, hàng năm bờ sông bị nước xói, không thể giữ cho khỏi lở được. Thời Lê trung hưng mới đạc suốt dọc bến phường Hà Khẩu, để cho Hoa kiều trú ngụ. Các hiệu khách liền làm đơn xin tải đá làm mỏ hàn chắn phía thượng lưu, từ bấy giờ mới bớt nạn xói lở. Ven sông về phía nam, dần dần nổi bãi phù sa, người đến tụ họp đông đúc. Bởi thế, những phường thái cực (nay là sau phố Hàng Bạc và ngõ Sầm Công), Đông Hà, (nay là phố Hàng Gai), Đông Các (nay là phố Hàng Bạc) nhà ở hai dãy phố xen liền mãi cho đến vạn Hàng Mắm, vạn Hàng Bè, bến Tây Long đều trở thành phố phường đô hội cả”. Ở đoạn khác, ông cho biết tổ chức và sinh hoạt ở thăng long: “song đất kinh thành đông đúc, nhà ở liền nhau, thường có hỏa hoạn, lại nhiều những kẻ đầy tớ nhà quan, du đãng cờ bạc, gây chuyện đánh nhau, cãi nhau, cũng là những kẻ vô lại trộm cắp, nhiều lắm không thể kể xiết được, chẳng khác gì Lục Hải khi xưa. Đời Trịnh An Vương (1709 – 1729), Nguyễn Công Hãng làm thượng thư cầm quyền chính, mới chia hai huyện [Thọ Xương và Quảng Đức] ra làm tám khu, mỗi khu đặc một người trưởng khu và một người phó khu; lại chia ra 5 nhà là một tị, 2 tị là một lư, mỗi lư cũng có một lư trưởng, 4 lư là một đoàn, mỗi đoàn đặt một quản giám, hai quản điemr, dưới quyền người khu trưởng và trực thuộc quan Đề Lĩnh. Đó là phỏng cái ý cổ nhân bảo trợ phù trì lẫn nhau, phàm những việc phòng hỏa, phòng trộm và nhất thiết những việ giao dịch thuế má đều ủy trách kho khu trưởng, đoàn trưởng ca”.

Sang thời Nguyễn, Thăng Long – Hà Nội không còn vị thế kinh đô nữa, song vẫn là trung tâm kinh tế – văn hóa, nhưng giờ đây triều đình có những quy định rất chặt chẽ về nhà cửa của nhân dân và quan lại, chắc hẳn ở đây cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt. Điều 156 luật Gia Long quy định về kiến trúc:

- “Nhà ở trong bất cứ trường hợp nào cũng không được dựng trên nền hai cấp hay chồng hai mái (chồng diêm), không được sơn vẽ và trang trí. Cấm làm nhà gác cao bằng vai kiệu của trưởng quan đi tuần.

…Cấm dân dùng gỗ lim làm nhà. Cấm chạm chổ các vì kèo. Cấm làm nhà chữ “Công” chữ “Môn”.

…Nhà dân không được làm quá 3 gian 5 vì kèo và không được trang trí. Kiểu nhà làm đẹp quá thì bị tội lộng hành. Vườn có cây đẹp thì phải tiến vua.

…Đối với các quan lại đệ nhất và đệ nhị phẩm, công đường có 7 gian và 9 vì kèo, trên nóc mái được trang trí hình hoa và hình động vật, cửa chính mở 3 gian 5 vì kèo. Đối với quan lại từ tam phẩm xuống đến ngũ phẩm thì công đường có 5 gian 7 vì kèo, nóc được trang trí hình đầu động vật, cửa chính mở trên 3 gian 3 vì kèo”.

Là trung tâm kinh tế và văn hóa, dù tổ chức cơ cấu theo phường – thôn – trại, nhưng ở những khu sản xuất thủ công và buôn bán mà từ nhiều thế kỷ trước đã tập trung ở phía đông kinh thành, theo xu thế thời đại nó càng được phố hóa.

Theo một số tranh mà một số họa sĩ Pháp vẽ khi thực dân Pháp vừa chiếm được Hà Nội, thì phố phường Hà Nội ở cuối thế kỷ XIX cơ bản vẫn đầy dẫy nhà tranh. Trên nóc cửa nam, tòa vọng lâu có thêm chòi canh phía trên vẫn đều làm nhà tranh. Và các dẫy nhà của các phường ở Hà Nội đã xây dựng san sát theo kiểu nhà ống, mặt tiền các nhà nối nhau thành đường khá thẳng tạo ra dãy phố ở hai bên đường đi thẳng tắp. Các mái nahf lô nhô nhưng ăn nhịp như ở các thị trấn, đường phố rất ít cây xanh. Lòng đường ở giữa được đắp cao hoặc lát đá, hai bên có dãy nước thoát được đậy kín, vỉa hè không làm cao hơn mặt đường nhưng vẫn được xác định rõ ràng và khá rộng. Ở những phố buôn bán lớn – nhất là những phố có Hoa kiều ở, hai đầu phố thường có cổng xây chắc chắn với hệ thống cánh cửa ban ngày mở ra để đi lại, nhưng đêm khuya thì đóng lại để ngăn ngừa trộm cắp và có tuần phố canh gác./.

(Cẩm nang tri thức Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark