03/02/2012 | 10:01:00

Các đường phố Hà Nội theo vần Đ (phần 2)

Đặng Phúc Thông

Đường: dài 1,5km; từ đường Hà Huy Tập (số 670) chỗ ngã ba rẽ vào đường Đình Xuyên qua dốc Lã, Yên Thường đến hết địa phận Hà Nội, đây là đoạn của quốc lộ 1 cũ, trên đất xã Yên Thường, Gia Lâm. Đặt tên tháng 6-2008.

Đặng Phúc Thông (1906 - 1951): quê ở làng Thổ Khối, xã Cự Khối, Gia Lâm, nay là phường Cự Khối, quận Long Biên. Ông đỗ lú tài, được cấp học bổng sang Pháp học và tốt nghiệp Đại học Mỏ, Đại học Cầu cống Paris. Về nước làm kỹ sư Sở Công chính Đông Dương, dạy học ở Trường tư thục Thăng Long, viết báo Khoa học.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính, trực tiếp chỉ huy các đoàn tàu chở lương thực và đoàn quân Nam tiến chống Pháp. Năm 1946, ông tham gia phái đoàn ta tại Hội nghị Phôngtennơblô (Pháp) với tư cách là cố vấn kỹ thuật. Kháng chiến toàn quốc, ông bị mắc kẹt trong Hà Nội tới tháng 9-1947 mới lên chiến khu Việt Bắc gặp Hồ Chủ tịch và nhận nhiệm vụ mới làm hiệu trưởng trường Cao đẳng Giao thông công chính. Ông là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I.

Đặng Tất

Phố: dài 290m; từ phố Trấn Vũ bên hồ Trúc Bạch chạy qua phố Quán Thánh đến phố Phan Đình Phùng.
Đất thôn Quan Quang, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Thôn này sau đổi là Yên Quang. Nay thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Bà Ôtigiông (rue Madame Autigeon).

Đặng Tất (?-1409) là bố Đặng Dung, quê Hoá Châu ra ngụ ở Hà Tĩnh. Cuối đời Trần làm Đại tri châu, tham gia khởi nghĩa chống quân Minh ở phủ Thiên Trường, đánh thành Đông Quan. Năm 1409 bị vua Giản Định giết oan cùng với Nguyễn Cảnh Chân.

Đặng Thai Mai

Phố: dài hơn 1km; từ đường Xuân Diệu rẽ vào khu biệt thự Hồ Tây, ra tới phủ Tây Hồ, trên bán đảo nhô ra hồ Tây.

Đất thôn Tây Hồ, xã Quảng An, huyện Từ Liêm, trước là phường Tây Hồ, tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận cũ. Xưa có xóm Cung (nay là xóm Quảng Khánh và xóm Trong), bán đảo nhô ra hồ có Phủ Tây Hồ thờ mẫu Liễu Hạnh, di tích đã được xếp hạng và đền Kim Ngưu (Trâu Vàng). Cạnh đường có chùa Phổ Linh (xưa là Địa Linh) có từ thế kỷ XI. Từ năm 1996 thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ. Tên phố mới đặt năm 1995.

Đặng Thai Mai (1902 - 1984) người Lương Điền, huyện Thanh Chương, Nghệ An, từng dạy ở trường Quốc học (Huế), tham gia Đảng Tân Việt (1929) bị tù 3 năm, sau ra Hà Nội tham gia mở trường tư thục Thăng Long, lập Hội Truyền bá quốc ngữ, viết báo công khai của Đảng và Mặt trận Bình dân. Sau Cách mạng, ông làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đại biểu quốc hội nhiều khoá, Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông là nhà nghiên cứu văn học, sử học, triết học... có nhiều tác phẩm giá trị. Ông còn là người dịch và giới thiệu nền văn học Trung Quốc. Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996).

Đặng Thái Thân

Phố: dài hơn 200m; từ phố Phạm Ngũ Lão đến phố Lê Thánh Tông.

Đất của khu vực Đồn Thủy, nhượng địa cho Pháp năm 1873, vốn thuộc thôn Tây Long, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là phố Lôbarétđơ (rue Laubarède).

Đặng Thái Thân (1873 - 1910) hiệu Ngư Hải, người huyện Nghi Lộc, Nghệ An, học trò và trợ thủ đắc lực của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Ông tham gia sáng lập hội Duy Tân, Việt Nam Quang phục hội. Bị Pháp vây bắt tháng 3-1910, ông tự sát.

Đặng Tiến Đông

Phố: dài hơn 1,2km, từ đầu phố Tây Sơn, đi cạnh gò Đống Đa qua khu công viên - tượng đài Quang Trung, đến gần hồ Đống Đa.

Đất làng Thái Hà, phường Thịnh Quang, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa.

Tên mới đặt năm 1986.

Đặng Tiến Đông (1738 – 1803) người làng Lương Xá, huyện Chương Đức cũ (nay thuộc huyện Chương Mỹ Hà Nội). Vào Nam theo Nguyễn Huệ, trở thành tướng Đông Lĩnh Hầu, tham gia cuộc tiến công đồn Khương Thượng của quân Thanh, lập nên chiến thắng Đống Đa, giải phóng Thăng Long mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789. Trong sử sách thường ghi là Đô đốc Long. Có ý kiến không tán thành đồng nhất Đặng Tiến Đông là Đô đốc Long (Đại đô đốc Đặng Văn Long, tự là Tử Văn, người làng Vân Hội, huyện
Tuy phước, phủ Quy Nhơn. Còn Đặng Tiến Đông là phó tướng của Đặng Văn Long).

Đặng Trần Côn

Phố: dài 220m; từ phố Cát Linh đến phố Đoàn Thị Điểm.

Đất thôn An Trạch, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay thuộc phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa.

Thời Pháp thuộc là phố Alếcxăng đờ Rốt (rue Alexandre de Rhodes).

Đặng Trần Côn: người vùng Kẻ Mọc, Hạ Đình, xã Khương Đình, huyện Thanh Trì (Nay thuộc phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân), đỗ hương cống, làm tới Tri huyện Thanh Oai, sống khoảng đầu thế kỷ XVIII. Ông giỏi thơ phú, đứng đầu Thanh Trì tứ hổ thời ấy, tác giả Chinh phụ ngâm viết bằng chữ Hán sau được nhiều người dịch sang chữ Nôm. Bản dịch quen thuộc lâu nay vẫn được truyền tụng là của Đoàn Thị Điểm. Tại phường Hạ Đình còn lăng mộ Đặng Trần Côn.

Đặng Văn Ngữ

Phố: dài 700m; từ phố Phạm Ngọc Thạch đi bên bờ đông sông Lừ đến hồ Xã Đàn ngoặt về phía đông qua khu Ngoại giao đoàn.

Đất làng Trung Tự, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc hai phường Trung Tự, Phương Liên, quận Đống Đa.

Tên phố mới đặt năm 1995.

Đặng Văn Ngữ (1910 - 1967): giáo sư, bác sĩ, quê ở An Cựu, Thành phố Huế. Nhà khoa học xuất sắc để lại nhiều công trình giá trị cho ngành y và chuyên ngành ký sinh trùng. Ông từng là Giáo sư chủ nhiệm hộ môn Sinh học, Đại học Y khoa, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng, đào tạo nhiều cán bộ ngành y cho đất nước. Ông hy sinh tại huyện Long Điền, Thừa Thiên khi đi thực nghiệm chống sốt rét cho quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, được truy tặng liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đặng Xuân Bảng


Phố: dài 400m; từ ngã ba phố Đại Từ bên cạnh chùa Đại Từ đi qua khu chung cư Bắc Linh Đàm đến Công ty cổ phần Kỹ thuật Thăng Long, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Đặt tên tháng 6-2008.

Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910): tự Thiện Đình cư sĩ, quê làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn (1856) thời Nguyễn, làm quan từ giáo thụ đến tuần phủ, thích sách và đọc sách đến già không biết mỏi. Ông thích những lời nói và việc làm của cổ nhân, thường nói dân ta nhiều người chỉ đọc Bắc sử mà không học quốc sử, cho nên không biết về núi sông, bờ cõi, quan danh, chế độ, phong tục... ông tham khảo rộng rãi nhiều tư liệu để viết các sách Nhân sự kim giám thư, Nam phương  danh vật bị hảo, Cổ kim thiện ác kinh, Cổ nhân ngôn hành lục, Cư gia khuyến giới tắc, Diễn huấn  tục quốc âm, Tuyên Quang phú... Về quê dạy học, ông mộ dân khai khẩn đất hoang, lập ấp Tả Hành (nay thuộc xã Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình), khôi phục nghề thủ công truyền thống. Khi mất ông được dân tôn làm Thành hoàng.

Đền Tương Thuận


Ngõ: ở phố Khâm Thiên (cạnh số nhà 30 rẽ vào), trong có đền Tương Thuận (thờ Trần Hưng Đạo), đã xếp hạng di tích năm 1993. Đất thôn Tương Thuận, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Khâm Thiên, quận Đống Đa.

Điện Biên Phủ

Đường: dài 1,15km; từ quảng trường Ba Đình đến ngã sáu Cửa Nam, cắt ngang các phố Hoàng Diệu, Trần Phú, đi bên cạnh Cột cờ thành cổ, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, vườn và tượng đài V.I. Lênin.

Đất Thành nội thành Thăng Long, đầu đường xưa là cổng chính tây, đoạn cuối là cửa đông nam.Nay thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình và phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm.

Tên dân gian xua gọi là đường Cột Cờ. Thời Pháp thuộc: đại lộ Puyginiê (avenue Puginier). Sau Cách mạng gọi đường Cộng hoà. Thời tạm chiếm đổi là đại lộ Nguyễn Tri Phương, từ 7-5-1964 mang tên này.

Điện Biên Phủ nằm trong một thung lũng rộng giữa rừng núi Tây Bắc, tỉnh Lai Châu, nơi diễn ra trận đánh quyết liệt của quân dân ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của giặc Pháp kéo dài 55 ngày đêm (13-3 đến 7-5-1954), giành chiến thắng oanh liệt, quân địch phải đầu hàng. Đại thắng này đã buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ lập lại hoà bình ở Đông Dương (20-7-954), mốc mở đường cho sự nghiệp giành độc lập của các nước thuộc địa trong thế giới thứ ba.

Từ đầu năm 2004, Điện Biên Phủ là thành phố tỉnh lỵ tỉnh Điện Biên (tách khỏi tỉnh Lai Châu).

Đinh Công Tráng

Phố: dài 240m; từ đường Trần Kháng Dư đến phố Trần Hưng Đạo. Đất cũ thôn chài Thủy Cơ, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương, sau nằm trong khu vực nhượng địa Đồn Thủy.

Nay thuộc phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Thời Pháp thuộc là phố Béctơ đờ Vile (rue Berthe de Villers). Sau hoà bình 1954 mang tên này.

Đinh Công Tráng (1842-1887): người huyện Thanh Liêm, Hà Nam, một lãnh tụ của phong trào Cần Vương chống Pháp ở vùng Ninh Bình, Thanh Hoá, lập chiến khu Ba Đình. Năm 1883, đã từng đánh trận Cầu Giấy, ông tử trận trong cuộc chiến nổ ra ở Đô Lương (Nghệ An) ngày 5-10- 1887 bên bờ sông Cả.

Đinh Lễ

Phố: dài 200m; từ phố Ngô Quyền đến phố Đinh Tiên Hoàng, chạy bên cạnh Bưu điện Hà Nội.
Vốn là con ngòi cạnh lầu Ngũ Long thời Lê - Trịnh, nơi sau xây chùa Báo Ân, đến thời Pháp thuộc phá đi xây nhà bưu điện. Đất thôn Hậu Lâu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Thời pháp thuộc là phố Phurét (rue Fourès).
Đinh Lễ (?-1427) là anh Đinh Liệt, cháu gọi Lê Lợi bằng cậu; người huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá; tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, đánh nhiều trận thắng lớn ở Khả Lưu, Diễn Châu, Tốt Động - Chúc Động. Ông bị giặc bắt và giết trong một trận chiến với quân Minh ở Mi Động (Hoàng Mai) ngoại vi Thăng Long, tháng 4-1427.

Đinh Liệt

Phố: dài 180m; từ phố Hàng Bạc đến phố Cầu Gỗ cắt ngang qua phố Gia Ngư.

Đất hồ Thái Cực thuộc thôn Gia Ngư và Hương Mính, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm. Thời Pháp thuộc gọi phố Ôđăngđan (rue Od Endhal).
Đinh Liệt (?- 1471): em Đinh Lễ, người Thọ Xuân, Thanh Hoá, tham gia nghĩa quân Lam Sơn; lập nhiều công lớn trong chống quân Minh và quân Chiêm; nhất là trận Chi Lăng - Xương Giang. Sau ông cùng Nguyễn Xí truất bỏ Nghi Dân, đưa Tư Thành (Lê Thánh Tông) lên ngôi. Ông mất năm 1471.

Đinh Tiên Hoàng

Phố: dài 900m; từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (đầu phố Hàng Đào - Hàng Gai) đến ngã tư Tràng Tiền – Hàng Khay - Hàng Bài. Phố chỉ có một bên là nhà, bên kia là đông hồ Hoàn Kiếm, chạy qua cổng đền Ngọc Sơn (di tích xếp hạng năm 1980), đền Bà Kiệu (di tích xếp hạng năm 1994), trụ sở ủy ban nhân dân thành phố, tượng đài và vườn hoa Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, tháp Hoà Phong (dấu tích còn lại của chùa Báo ân). Đất các thôn Hương Mính, Tả Vọng, Hậu Lâu đều thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc các phường Hàng Bạc, Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc ban đầu là hai phố: phố Hàng Chè (đoạn đầu đến đền Bà Kiệu); phố Hồ (rue du Lac) đoạn cuối. Sau nhập thành đại lộ Phơrăngxi Gácnhiê (boulevard Francis Gamier).

Đinh Tiên Hoàng (924 - 979) tức Đinh Bộ Lĩnh, người động Hoa Tư, châu Đại Hoàng, nay là huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; nổi lên từ Hoa Tư, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất non song, năm 968 lên làm vua, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, lập kinh đô ở Hoa Tư, có công xây nền móng độc lập, tự chủ cho đất nước ở thế kỷ X. Người đời tôn xưng ông là Vạn Thắng vương.

Đình Đại

Ngõ: ở phố Bạch Mai (cạnh số nhà 198 rẽ vào). Đình Đại ở ngay mặt ngõ, vốn của bốn giáp thuộc phường Hồng Mai xưa, di tích đã xếp hạng. Nay thuộc phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng.
 
Đình Đông

Ngõ: có hai ngõ cùng mang tên này:

1. Ở phố Bạch Mai (cạnh số nhà 119 rẽ vào), đình của một giáp phường Hồng Mai cũ. Nay thuộc phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng.

2. Ở phố Nguyễn Lương Bằng (cạnh số nhà 22 rẽ vào), nơi có đình Đông Các của thôn Trung, xã Thịnh Hào cũ. Ngõ thông ra cạnh chợ Dừa. Nay thuộc phường Nam Đồng và Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.

Đình Ngang

Ngõ: Nối phố Nguyễn Thái Học với phố Cửa Nam.

Nơi đây, xưa có “Hoàng đình” chắn ngang đường, kiểm người ra vào cửa Đại Hưng thành cổ, đất thôn Yên Trung Thượng, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Tháp Canh Thành (rue Tour de la Citadelle).

Đình Tương Thuận

Ngõ: ở trong ngõ chợ Khâm Thiên (cạnh số nhà 23 rẽ vào nơi có đình của thôn Tương Thuận, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Khâm Thiên, quận Đống Đa.
 
Đình Xuyên

Đường: dài 2km; từ quốc lộ (thị trấn Yên Viên) đến Ủy ban nhân dân xã Đình Xuyên (ngã ba đường liên xã), huyện Gia Lâm. Tên mới đặt: 12-2006.

Đình Xuyên có 2 thôn Công Đình và Tế Xuyên, trước thuộc tổng Hạ Dương, phủ Từ sơn, Bắc Ninh. Từ 1961 nhập vào huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.

Vùng này thời 12 sứ quân gọi là Tế Giang, căn cứ của Lữ Tá đường.

Định Công

Phố: dài 1,6km; từ đường Giải Phóng lới giáp địa phận xã Định Công, huyện Thanh Trì. Nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai, nơi xây dựng khu đô thị mới Định Công.

Tên mới đặt tháng 7-2000.

Định Công Thượng

Phố: dài 650m; từ cầu Lủ trên sông Tô, đi qua Viện Y học cổ truyền quân đội đến ngõ cạnh số nhà 27, thuộc phường Định Công, quận Hoàng Mai. Đặt tên tháng 6-2008.

Định Công Thượng là một trong hai thôn của xã Định Công, huyện Thanh Trì, nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai. Làng cổ này phát đạt nhờ có nghề làm kim hoàn nồi tiếng kinh thành nên còn gọi là Định Công Kim Hoàn. Tổ nghề vàng bạc là 3 anh em Trần Hòa, Trần Điện. Trần Điền. Người làng này là một trong ba làng đã lập nên phố Hàng Bạc.

Đoàn Kết

Ngõ: ở phố Khâm Thiên (cạnh số nhà 304 rẽ vào), có hai ngõ 1-2 cùng mang tên này, thông sang phố Tôn Đức Thắng (cạnh số nhà 273), đất thôn Quan Thổ, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Tên dân gian thời Pháp thuộc là ngõ Ăn Mày, nơi cư ngụ của những người ăn xin, hát xẩm rong. Sau hoà bình mới đặt tên này. Nay thuộc phường Thổ quan, quận Đống Đa.                                                                      
 
Đoàn Nhữ Hài

Ngõ: ở phố Trần Quốc Toản (cạnh số nhà 86 rẽ vào), chỉ có nhà bên số lẻ: bên kia là tường rào cơ quan. Ngõ Cộc.

Đất thôn Liên Thuỷ (sau là Liên đường) tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm. Thời Pháp thuộc gọi là đường 9 (voie 9).

Đoàn Nhữ Hài (1280-1335) người huyện Gia Lộc, Hải Dương, đầu thời Trần đến Thăng Long học, do viết biểu tạ tội cho vua Anh Tông dâng Thượng hoàng mà được phong làm Ngự sử trung tán. Hy sinh trong trận đánh giặc Ai Lao (Lào) ở Nghệ An.

Đoàn Thị Điểm

Phố: dài 310m; từ phố Tôn Đức Thắng đến làng An Trạch.
Đất phường Bích Câu cổ, sau là thôn Cận Tú Uyên, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay thuộc phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa.

Thời Pháp thuộc là phố Tôlăng (rue Tholance).

Đoàn Thị Điểm (1705 -1748): Hiệu Hồng Hà nữ sĩ, người xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Từ nhỏ đã hay chữ, được dân trong vùng tôn là bà “Trạng Giữa” (Giữa là tên nôm thôn Trung Phú, xã Giai Phạm). Bà từng lên Thăng Long dạy cung nữ trong phủ Chúa. Bà lấy ông Nguyễn Kiều, tiến sĩ người làng Phú Xá (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Bà là tác giả Truyền kỳ tân phả và dịch giả Chinh phụ ngâm.
 
Đoàn Trần Nghiệp

Phố: dài 350m; từ phố Huế đến phố Lê Đại Hành, cắt ngang qua phố Mai Hắc Đế, Bà Triệu.
Đất các thôn Yên Thọ, Phúc Lâm Tiểu, Long Hồ, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Giữa phố xưa có đàn Nam Giao - nơi vua lễ Trời Đất hàng năm. Nay thuộc phường Bùi Thị Xuân và Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc là phố Tướng Côngxtăng (rue Général Constant). Sau Cách mạng: phố Ký Con. Từ thời tạm chiếm mang tên này.

Đoàn Trần Nghiệp (1908 -1931) tức Ký Con, người làng Khúc Thủy, huyện Thanh Oai, Hà Đông (nay là Hà Nội), một đảng viên tích cực của Việt Nam Quốc dân đảng, làm Trưởng ban ám sát, trừng trị nhiều tên tay sai, mật thám cho Pháp. Ông bị Pháp bắt ở phố này, toà Đề hình kết án tử hình cùng với 11 người khác. Ông bị hành hình tại cửa Hoả Lò ngày 9-3-1931.

Đỗ Đức Dục

Phố: dài 700m; từ ngã ba đường Phạm Hùng (cạnh Trung tâm Hội nghị quốc gia đến ngã ba đường số 7 giao nhau với khu Mễ Trì Thượng, trên đất xã Mễ Trì, huyên Từ Liêm. Đặt tên tháng 6-2008.

Đỗ Đức Dục (1915 - 1993) quê ở Xuân Tảo, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội,sinh ra trong một gia đình nhà nho. Đỗ cử nhân luật, đi dạy học tư ở Huế, Vinh, Hà Nội, tham gia tích cực phong trào sinh viên. Thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, gia nhập Đảng Dân chủ Việt Nam từ thời kỳ bí mật. Đại biểu dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào quyết định tổng khởi nghĩa. Sau Cách mạng tháng Tám, làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Kháng chiến chống Pháp phụ trách báo Độc Lập của Đảng Dân chủ và là Phó Tổng thư ký của đảng này, Ủy viên Mặt trận Liên Việt. Hòa bình lập lại, được cử làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Chủ nhiệm báo Độc lập kiêm Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ, Ủy viên đoàn Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. 1957-1958 là cán bộ nghiên cứu của Viện Văn học, viết sách về chủ nghĩa hiện thực phê phán của Pháp và ở Việt Nam, dịch nhiều tác phẩm của Bandắc, Phơlôbe... Mất năm 1993 tại Hà Nội./.

(Còn tiếp)

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark