06/02/2012 | 08:30:00

Các đường phố Hà Nội theo vần K

Khâm Đức

Ngõ: ở ngõ Chợ Khâm Thiên, cạnh số nhà 60 rẽ vào. Đất thôn Khâm Đức, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Trước đây, thôn này có tên là Khâm Thiên Giám vì có Toà Thiên văn đặt ở đây.

Nay thuộc phường Trung Phụng, quận Đống Đa.

Khâm Thiên

Phố: dài gần 1,2km; từ ngã tư Khâm Thiên - Lê Duẩn đến Ô Chợ Dừa, chạy qua nhiều thôn cũ của huyện Thọ Xương: Tương Thuận, Khâm Đức, Tô Tiền, Trung Tả, Quan Thổ, Xã Đàn; thuộc hai tổng Tiền Nghiêm và Hữu Nghiêm. Đầu phố là nơi đặt đài Khâm Thiên Giám. Nay thuộc hai phường Khâm Thiên và Thổ Quan, quận Đống Đa.

Hai bên phố có nhiều ngõ như: Ngõ Chợ Khâm Thiên, Sân Quần, Tô Tiền, Lệnh Cư, Văn Chương, Trung Tả, Thổ Quan, Tiến Bộ... Di tích cách mạng có ngôi nhà số 312, nơi thành lập Đông Dương Cộng sản đảng ngày 7-6-1929. Đền Tương Thuận, đình – đền Trung Tả, chùa Linh Ứng là các di tích văn hoá - kiến trúc đều được xếp hạng năm 1993. Ở các số nhà 47 - 49 – 51 là Đài tưởng niệm những người dân Khâm Thiên đã bị bom B52 của đế quốc Mỹ- giết hại trong đêm 26-12-1972, di tích lịch sử được xếp hạng năm 1979.

Phố Khâm Thiên hình thành gần trăm năm, thời Pháp thuộc là ngoại ô thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, sau thuộc Đại lý đặc biệt Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám và giải phóng Thủ đô mới là nội thành. Những năm 1930 -1945 là phố cô đầu nổi tiếng.

Khuất Duy Tiến

Đường: dài 1,7km; từ đường Trần Duy Hưng qua trụ sở Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân đến đường Nguyễn Trãi.

Đất các xã Trung Hoà, Nhân Chính, Trung Văn, huyện Từ Liêm trước. Nay thuộc các phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy và phường Nhân Chính, Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân.

Trước khi có tên chính thức: dân gọi đoạn cuối là đường bêtông Thanh Xuân.

Tên mới đặt tháng 7-2001.

Khuất Duy Tiến (1910 - 1984): quê ở thôn Thuần Mỹ, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây - nay là huyện Phúc Thọ, thuộc Hà Nội. Năm 1926 đang học năm thứ 3 trường Bưởi bị đuổi vì để tang Phan Chu Trinh và đòi ân xá Phan Bội Châu 1927 -1928 học trường Cao đẳng Thương mại. 1928 tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, đi “vô sản hoá” tại Nam Định, rồi gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Ông bị thực dân Pháp đày Côn Đảo (1931-1936).

Năm 1936 trở về, ông làm báo công khai của Đảng ở Hà Nội. 1938 Đảng đưa ông ra ứng cử Hội đồng Thương mại Bắc Kỳ đạt số phiếu cao, nhưng Pháp hủy kết quả. Năm 1939 ông lại bị bắt và đày lên Sơn La. Tháng 3-1945, ông vượt ngục về Hà Nội: tham gia cướp chính quyền. Sau Cách mạng tháng Tám ông giữ các chức vụ: Phó bí thư Thành ủy, Phó chủ tịch ủy ban hành chính thành phố, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Hà Nội trong chống Pháp, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, Khu ủy viên Khu IV, đại biểu Quốc hội khoá I.

Khúc Hạo

Phố: dài 220m; từ phố Lê Hồng Phong đến phố Trần Phú.

Đất thành nội thành Thăng Long thời Nguyễn. Nay thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình.

Thời pháp thuộc gọi là phố Sáclơ Culiê (rue Charles Coulier).

Khúc Hạo (? - 917): người đất Hồng Châu, nay là làng Cúc Bồ, huyện Ninh Giang, Hải Dương, là con Khúc Thừa Dụ - người tự xưng là Tiết độ sứ năm 905 - ông lên thay cha nối nghiệp năm 907, có nhiều cải cách về chính trị, tài chính, kinh tế... thực hiện chính sách khoan dân để củng cố nền tự chủ đất nước.

Khuông Việt

Phố: dài 700m, từ quốc lộ 3 (trước mặt Xí nghiệp Môi trường đô thị thị trấn Sóc Sơn) đến ngõ 81 đường Núi Đôi, thuộc thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Đặt lên tháng 6-2008.

Khuông Việt đại sư là tước hiệu do vua Đinh Tiên Hoàng ban cho nhà sư Ngô Chân Lưu (933 - 1011), phong tước Tăng thống, đứng đầu tăng đạo, dự việc trọng trong triều, qua thời Tiền Lễ vẫn thế. Ông vốn quê ở Cát Lợi, huyện Thường Lạc (nay là Tĩnh Gia, Thanh Hóa), lúc nhỏ học nho, sau tinh thông tam giáo, tu cùng sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc (Trấn Quốc) được truyền tâm ấn, thuộc thế hệ thứ tư dòng thiền Quan Bích.

Thiền sư còn giỏi việc đời, cùng Đỗ Thuận tiếp sứ nhà Tống là Lý Giác năm 986, làm thơ đối đáp trên sông Hoàng Long được sứ giả rất phục tài. Khi Lý Giác về nước ông làm bài thơ Vương lang quy đưa tiễn, sứ giả cảm kích lạy vua Lê Đại Hành rồi về nước không gây khó khăn. Ông có nhiều đóng góp vào việc xây dựng đất nước và còn là một nhà thơ.

Khuyến Lương

Đường: dài 1,5km; từ ngã ba đường Lĩnh Nam (chợ Cầu Nghè) đến dốc ngõ Cao (đê Nguyễn Khoái). Thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai. Tên mới đặt: 2-2006.

Khuyến Lương có tên nôm là Mui Chợ, một thôn của xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, nay là phường Trần Phú, quận Hoàng Mai. Trước 1945 là các xã Nam Dư và Khuyến Lương, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Sau 1954 thuộc quận Quỳnh Lôi, ngoại thành, 1961 đổi tên là xã Trần Phú, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Khương Đình

Đường: dài 1,4km; từ đường Nguyên Trãi rẽ vào, đi dọc theo bờ tây sông Tô Lịch đến công ty Nhựa Đại Kim, nối với đường Kim Giang. Nay thuộc các phường Thượng Đình, Hạ Đình quận Thanh Xuân.

Đất xã Khương Đình, huyện Thanh Trì trước, gồm ba thôn: Thượng Đình, Khương Hạ, Hạ Đình (vốn là ba làng của tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì). Sau nhập vào nội thành một phần thuộc quận Đống Đa, thành phường Thượng Đình. Tháng 1 -1997 nhập nốt phần còn lại và điều chỉnh với một số phường của Đống Đa để thành lập ra các phường Khương Đình, Khương Trung, Hạ Đình, Khương Mai thuộc quận mới Thanh Xuân. Cạnh đường có đình Vòng, còn gọi đình Hạ, di tích đã xếp hạng năm 1993.

Tên dân gian tự đặt trước là phố Thượng Đình. Từ năm 1988 mới chính thức mang tên này.

Khương Hạ


Phố: dài 400m; nối tiếp phố Khương Trung từ đền Cà đến đầu cầu Khương Đình trên sông Tô Lịch.

Đất làng Khương Hạ - còn có tên là Đình Gừng - một thôn của xã Khương Đình, huyện Thanh Trì trước đây.

Nay thuộc phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Khương hạ - Đình Gừng có nghề muối dưa cà nổi tiếng.

Tên mới đặt tháng 7-1999.

Khương Thượng

Phố: dài 1,5km; từ phố Tây Sơn, số 313 cạnh trường Đại học Thủy Lợi đi qua khu tập thể Khương Thượng, đình Khương Thượng đến đường Trường Chinh ở cổng đề chữ Xóm Tân Khương.

Đất trại Khương Thượng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, nơi Sầm Nghi Đống đóng đồn năm Kỷ Dậu (1789) bị quân Tây Sơn diệt tan trong chiến thắng Đống Đa lịch sử.

Nay thuộc các phường Ngã Tư Sở và Khương Thượng, quận Đống Đa. Đình Khương Thượng là di tích lịch sử đã xếp hạng năm 1990.

Trước dân tự đặt là ngõ xóm Tân Khương, tên mới đặt tháng 7-1999.

Khương Trung

Phố: dài 900m; từ đường Nguyễn Trãi (chỗ Cầu Mới, trước mặt Trung tâm dịch vụ Ngã Tư Sở), đi chếch vào thôn Khương Trung, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì trước, cạnh bờ phía đông sông Tô Lịch, đến đền Cà, thuộc thôn Khương Hạ.

Nay thuộc phường Khương Trung, quận Thanh Xuân. Đình, chùa Khương Trung được xếp hạng di tích năm 1993.

Tên phố mới đặt năm 1994.

Kiến Thiết

Ngõ: ở phố Khâm Thiên (cạnh số nhà 350 rẽ vào), có lối thông sang phố Tôn Đức Thắng. Đất thôn Quan Thổ, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương trước.

Nay thuộc phường Thổ Quan, quận Đống Đa.

Thời Pháp thuộc là ngõ Nam Thái (nơi có Xưởng cơ khí Nam Thái).

Tên mới đặt năm 1964.

Kiêu Kỵ

Đường: dài 3km; từ quốc lộ 5 đi qua cầu Chùa đến hết địa phận huyện Gia Lâm. Đất xã Dương Xá và Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Tên mới đặt tháng 8-2005.

Kiêu Kỵ vốn là 7 làng cổ: Báo Đáp, Chu Xá, Hoàng Xá (3 làng này xưa là xã Hạ Tốn), Gia Cốc, Trung Dương, Xuân Thụy, Kiêu Kỵ, thuộc tổng Đa Tốn, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh trước Cách mạng. Sau nhập lại thành xã Tân Hưng, năm 1961 huyện Gia Lâm chuyển vào ngoại thành Hà Nội, 1965 đổi tên là xã Kiêu Kỵ. Thôn Kiêu Kỵ (Cầu Cậy) thờ Nguyễn Chế Nghĩa, danh tướng nhà Trần, được vua ban thái ấp đất này. Xã có nhiều nghề truyền thống, nổi tiếng là nghề dát vàng bạc quỳ phục vụ việc thiếp vàng, bạc trong nghề sơn ta và nghề làm mực thoi (mực Tàu) viết giấy bản. Tướng Nguyễn Sơn quê ở đây

Kim Đồng


Phố: dài 350m; từ đường Giải Phóng đến phố Giáp Bát. Phố mới mở, đường rộng 25m, qua Công ty Thông tin di động VMS.

Đất làng Giáp Bát, tổng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì cũ. Sau là phường Giáp Bát, quận Hai Bà Trưng, từ 2004 thuộc quận Hoàng Mai.

Tên mới đặt tháng 1-1999.

Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền (1929 - 1943); thiếu niên dân tộc Nùng, người bản Nà Mạ, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng - gần hang Pắc Bó, đi theo cách mạng làm liên lạc cho Việt Minh những năm tiền khởi nghĩa, được kết nạp vào đội Nhi đồng cứu quốc đầu tiên. Một lần đi công lác, anh bị giặc Pháp bắn chết lúc mới 15 tuổi. Kim Đồng là tấm gương tiêu biểu cho thiếu nhi Việt Nam. Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Kim Giang


Đường: dài hơn 3km; nối tiếp với phố Khương Đình, chạy bên bờ tây sông Tô Lịch, qua khu nhà ở Kim Giang, hết địa phận quận Thanh Xuân, đi tiếp qua phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, đến Cầu Bươu trên đường Văn Điển-Hà Đông.

Kim Giang là tên một thôn của xã Đại Kim trước đây, nay thuộc phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, phường Đại Kim và Thanh Liệt.

Gần đường có nhà thờ và lăng mộ danh nhân Nguyễn Văn Siêu, xếp hạng năm 1986; đình - đền - chùa Kim Giang, xếp hạng năm 1989, đình thờ Chu Văn An và Phạm Tu.

Tên mới đặt năm 1988.

Kim Hoa


Phố: dài 600m; từ đầu phố Đào Duy Anh, cạnh ngã tư Kim Liên đi vào làng Kim Liên, đến đê La Thành, trước trụ sở Ủy ban nhân dân phường Phương Liên.

Kim Hoa là tên cửa ô của Thăng Long xưa, nằm ở phường Kim Hoa, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, đến giữa thế kỷ XIX mới đổi là Kim Liên. Ô Kim Hoa còn có tên là Ô Đồng Lầm, nơi có nghề nhuộm nâu và trồng rau muống ngon. Cuối phố có đình Kim Liên thờ thần Cao Sơn trấn phía nam Kinh thành, đã được xếp hạng di tích năm 1990. Gần đó có đình Đông Tác, còn gọi đình Trung Tự, di tích xếp hạng năm 1992.

Nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa.

Tên mới đặt tháng 1-1999.

Kim Mã

Phố: dài 2,57km; từ ngã ba với phố Sơn Tây - Nguyễn Thái Học (chỗ bến xe Kim Mã), kéo dài đến phố Cầu Giấy ở ngã ba Voi Phục.

Đường chạy trên đất các trại Kim Mã, Vạn Phúc, Ngọc Khánh, Thủ Lệ của Thập tam trại, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ. Đình Kim Mã xếp hạng di tích năm 1990. Chùa

Kim Sơn xếp hạng năm 1985. Đầu phố xưa có một cửa Ô gọi là Thanh Bảo, tên nôm là Ô Cầu Giấy.

Kim Mã còn gọi Tàu Mã hoặc Mã Trại là nơi nuôi ngựa của triều đình.

Nay thuộc các phường Kim Mã, Giảng Võ và Ngọc Khánh, quận Ba Đình.

Thời Pháp thuộc chỉ có tên gọi đoạn đầu phố đến chùa Kim Sơn, ở ngã ba với phố Giang Văn Minh là phố Tám Mái. Đoạn sau là quốc lộ 32: Hà Nội - Sơn Tây.

Sau hoà bình: phố Kim Mã (từ ngã ba chùa Kim Sơn trở đi, sau mới nối dài thêm đoạn cuối phố Sơn Tây vào).

Đoạn cuối phố, những năm 80, mới có nhà cửa xây nối liền và dân tự đặt là phố Ngọc Khánh. Nhưng năm 1986, Hội đồng nhân dân thành phố đặt tên Ngọc Khánh cho phố từ Kim Mã đến Giảng Võ và Hội đồng nhân dân Thành phố họp ngày 13-7-1996 đã xác định lại đoạn cuối vẫn là phố Kim Mã.

Kim Mã Thượng


Phố: dài 400m; từ phố Liễu Giai đến phố Linh Lang. Đất gốc của trại Kim Mã cổ, còn gọi là xóm Thượng của trại Vạn Bảo (sau đổi là Vạn Phúc), tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ.

Nay thuộc phường Cống Vị, quận Ba Đình.

Tên phố mới đặt năm 1995, gồm các đoạn ngoặt sang phố Đội Cấn. Tháng 1-1999, Hội đồng nhân dân Thành phố điều chỉnh lại, ngắt đoạn ngoặt sang phố Đội Cấn, cho nối dài thành phố Linh Lang.

Kim Ngưu

Phố: dài: 1,45km; từ đường Trần Khát Chân, chỗ cuối phố Lò Đúc, đến phố Minh Khai, chạy hai bên bờ sông Kim Ngưu, gọi là Đông Kim Ngưu và Tây Kim Ngưu, mỗi bên chỉ có một dãy nhà cho đến cầu Mai Động.

Phố mới mở trên đất các làng Thanh Nhàn, Trung Chí, Yên Lạc, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Bên bờ đông có các ngõ 203 sang phố Lạc Trung, ngõ 161 và ngõ 20 vào làng Thanh Nhàn. Bờ tây có ngõ 21, 23 và những lối vào khu tập thể Dệt 8-3, Quỳnh Mai.

Nay thuộc các phường Thanh Lương, Thanh Nhàn, Quỳnh Mai, Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.

Tên đường đặt năm 1986, lúc đầu chỉ ở bên bờ tây, số chẵn. Tháng 1-2002, chính thức đặt tên phía bờ đông song Kim Ngưu là bên số lẻ của đường này.

Kim Ngưu là một nhánh của sông Tô Lịch từ phía nam Cầu Giấy chảy về phía Giảng Võ, Nam Đồng, Cầu Dền, đầm Sét rồi đổ vào đầm Yên Sở. Theo truyền thuyết, nhà sư Nguyễn Minh Không được mời sang Tàu chữa bệnh cho vua Tống. Để tạ ơn, vua Tống cho vào kho lấy được gì thì lấy. Ông dùng pháp thuật thu hết đồng đen đem về nước đúc chuông. Đánh lên, tiếng vang sang Tàu làm con trâu vàng lồng lên chạy sang tìm chuông. Đường trâu chạy làm thành sông, đến phía tây kinh thành trâu quẫy phá, đất lõm xuống thành hồ Tây. Tại phường Quảng An, quận Tây Hồ có đền Kim Ngưu thờ trâu vàng./.

 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark