19/11/2012 | 15:44:00

Cuộc tranh luận không kết thúc về người Hà Nội gốc

Hà Nội của ta có tờ báo "Người Hà Nội", thủ đô Paris của nước Pháp có tờ "Le Parisien", thành phố New York của nước Mỹ có tờ "New Yorker"... Có nghĩa là mỗi một địa phương, một không gian hành chính có một danh xưng tạo nên những tính cách riêng cho những cư dân ở đó.

Nó tựa "thương hiệu địa lý" của những sản phẩm trên thị trường nhằm phô bày những đặc trưng ưu trội trong tuơng quan so sánh với những nơi khác ví như "cốm làng Vòng" hay "ô mai Hàng Đường". Với "người Hà Nội" còn có thể nói đến "con gái Hàng Đào hay Hàng Bạc" một thời gắn với một cái gì đó cao sang, đài các đến mức ăn hạt lạc cũng phải cắn làm đôi.

Nước Pháp có tiếng là một quốc gia ít có sự biến đổi về địa giới hành chính. Nghe nói từ hơn hai thế kỷ nay, kể từ sau cuộc Cách mạng tư sản 1789, địa giới các tỉnh vẫn giữ nguyên, khác với nước ta tách nhập khôn cùng. Thế nhưng khi bàn về tính cách cư dân của từng vùng cụ thể hay của nước Pháp nói chung thì vấn đề đến nay vẫn gây tranh cãi lại liên quan đến thành phần những người nhập cư từ các quốc gia đến từ nhiều vùng địa lý, mang theo nhiều sắc thái văn hoá, tập quán tín ngưỡng rất khác nhau đến nước Pháp nói riêng, thủ đô Paris nói chung.

Người ta đơn cử một ví dụ khá điển hình rằng đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp có thành phần người da màu nhiều hơn người Pháp gốc Châu Âu vốn là da trắng. Trên bình diện xã hội thì đó cũng là một biểu hiện tiến bộ về sự bình đẳng và là dấu ấn của tiến trình hội nhập hay toàn cầu hoá. Nhưng đứng về góc độ văn hoá thì nó sẽ đặt ra câu hỏi rằng những bản sắc mang tính bản địa đã từng trở thành những giá trị đặc trưng của mỗi vùng địa lý, hành chính còn giữ được hay không? Vậy thì bản sắc, đặc trưng của thành phố Paris và của người Paris (Parisien) có còn không, sự thay đổi là tất nhiên nhưng giá trị có thay đổi không?

Câu chuyện "Hà Nội gốc" vẫn thường được nhắc đến như một cuộc tranh luận không bao giờ kết thúc. Người ta biên soạn các cuốn danh nhân của nhiều tỉnh thường lấy tiêu chí đầu tiên là nơi sinh (quê hương) của nhân vật để minh chứng được nơi đó là "địa linh nhân kiệt", nhưng dường như còn có một tiêu chí khá phổ biến nữa là nhân vật đó đã từng gắn bó với kinh đô Thăng Long hay sau này là thủ đô Hà Nội và đạt tới đỉnh cao sự nghiệp hay danh vọng tại đó.

Một Nguyễn Du hay Xuân Diệu chắc chắn phải có mặt trong tuyển tập danh nhân Hà Tĩnh như một niềm tự hào của tỉnh miền Trung nổi tiếng là hiếu học này và đương nhiên nếu có mặt tại một cuốn "danh nhân Hà Nội" nào đó thì chủ yếu là để khẳng định tầm mức "quốc gia" của danh nhân ấy.

Dường như với Hà Nội thì việc sinh ra ở Hà Nội không phải là tiêu chuẩn duy nhất. Rõ ràng nói về người Hà Nội mà không nhắc đến Nguyễn Du hay Xuân Diệu thì sẽ thật bất công với cả hai phía. Hãy hình dung nếu nói về các nhân vật gắn với Hà Nội thời cận đại mà không nhắc đến 2 vị tổng đốc có mặt tại Hà Nội để thực hiện công vụ của mình rất ngắn ngủi nhưng lại là 2 biểu tượng của tinh thần "quyết tử" với thành Hà Nội trong hai trận đánh chống thực dân Pháp xâm lược là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu thì rõ ràng là không thể chấp nhận được, cho dù một người quê ở Thừa Thiên và một người ở tận Quảng Nam.

Đọc sách cũ thấy Thăng Long xưa có nột không gian nhỏ lắm và số dân cũng chẳng phải là đông. Duy nhất thời Minh Mạng, ông vua này muốn hạ uy thế của Thăng Long xưa cho dù tới thời Gia Long đã đổi mặt chữ để cái tên đẹp đẽ ấy không còn bao hàm giá trị vương giả nữa, bằng cách mở rộng không gian của tỉnh Hà Nội tăng gần gấp 3 lần để rồi chẳng bao lâu sau khi Vua Đồng Khánh cắt đất cho Pháp (1888) làm nhượng địa thì lại thu gọn thành phố Hà Nội về không gian ban đầu.

Đến tận thời cận hiện đại, số dân của cả thành phố không bằng một nửa quận bây giờ. Vả lại nếu phân tích kỹ cư dân trong không gian "thị" bên thành Hà Nội thì phần lớn là dân tứ chiếng, từ các làng xã nơi phát tích các phường hội được lập trong nội thành mà ở đó một trong những thiết thế hàng đầu là xây nơi thờ thành hoàng làng, bằng chứng của dấu ấn các làng nghề từ nhiểu tỉnh xung quanh vùng đồng băng Bắc Bộ đến Thăng Long-Hà Nội lập nghiệp.

Và đương nhiên còn một cộng đồng những thành viên của bộ máy chính quyền gắn với phần "đô" mà từ rất xa xưa các triều đại Việt Nam đã thực hiện thuật mà ngày nay ta gọi là "luân chuyển cán bộ" khiến cho những thầnh phần cấu thành cư dân kinh đô ngày càng phong phú...

Sự thiếu vắng trong xã hội truyền thống Việt Nam tầng lớp quý tộc hay các gia tộc truyền nối nhau quyền lực (trừ một ngoại lệ là thời các Chúa Trịnh) khiến cho thành phần cư dân của Thăng Long thiếu tính bền vững... Gần đây, các dòng họ đang có xu thế cô kết lại "vấn tổ tìm tông" lại càng thấy những dòng họ lớn đều đến từ các vùng khác. Tự thân Hà Nội chẳng có mấy dòng họ lớn.

Vậy thì làm sao nó có thể tạo nên một tính cách đặc sắc đến độ trở thành một chuẩn mực của Thăng Long-Hà Nội trong tiến trình cả ngàn năm. Trong sử sách, kể cả những công trình mang tính khảo cứu như của Lê Quý Đôn cũng chẳng thấy nói gì về cái bản sắc Thăng Long. Còn cái câu "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" chẳng rõ nó xuất xứ từ đâu và tự bao giờ? Ấy là chưa nói đến cái vô lý và cũng là vô lối của câu mệnh danh là ca dao cổ này phảng phất cái chất "Chí Phèo" mà vận vào thời nay rất ăn nhập. Rằng "dẫu không thanh lịch", chỉ cần có hộ khẩu hay có sổ đỏ ở Hà Nội đã là dân Thủ đô rồi./.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark