19/11/2012 | 09:26:00

Những tiếng rao đêm trong tiềm thức người Hà Nội

“Ai bánh chưng, bánh gai, bánh giò không ?". “Ai ngô luộc, trứng vịt lộn đây!”… Những tiếng rao đêm trên đường phố dường như đã trở thành quen thuộc và ăn sâu vào tiềm thức người Hà Nội.

Mỗi lời rao mời lại có một giọng điệu riêng, lúc trầm ấm, lúc thanh cao, có lúc lại biến âm thật lạ và thu hút với nhiều âm sắc khác nhau, giống như một bản hòa ca cho thành phố về đêm.

Tiếng rao đêm từng là một nét văn hóa của người Hà Nội và đã đi vào âm nhạc, thi ca. Nhà thơ Tố Hữu từng viết: Ai ăn bánh bột lọc không?/Tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng/Tiếng rao nhỏ của một em bé gái/Không vang lâu, chỉ vừa đủ rao mời.

Nét văn hóa của người Hà Nội qua những tiếng rao đêm ngày xưa là vậy. Hà Nội xưa thâm trầm và cổ kính. Hà Nội nay ồn ào, tất bật và đông đúc với những âm thanh hỗn loạn cả ngày lẫn đêm. Có lẽ cũng vì vậy mà nét văn hóa của người Hà Nội qua những tiếng rao đêm Hà Nội xưa cũng mất dần.

Ngày nay, để giữ sức, người bán hàng cũng biết tận dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, như ghi âm tiếng rao rồi cho phát ra bằng loa pin hoặc ắc-quy, làm cho tiếng rao vang xa hơn. Nhưng nhiều khi do pin yếu, tiếng kêu “ọ… ọe”, nghe vừa thương vừa thật buồn cười.

Họ rao cả vào buổi sáng, trưa, chiều, tối và đêm. Rồi thì, những lời rao bán, mua hàng thiếu văn hóa, có lúc lại khó hiểu. Anh bán báo thì câu khách bằng những thông tin giật gân: “cướp”, “giết”; chị mua đồ điện tử cũ thì mời gọi bằng những câu thơ có vần điệu nhưng khó có thể hiểu được nội dung…

Trong một con ngõ nhỏ ở đường Ngọc Lâm (quận Long Biên), nhiều tối có tới 4-5 người rao mua, bán hàng khác nhau. Anh bán hàng tạp hóa chào mời khách bằng cách bật loa hết công suất, với loại nhạc Rap; chị bán bánh mì thì cũng tăng công suất loa của mình lên để chào mời...

Vẫn biết, đằng sau mỗi tiếng rao là một cuộc đời, một số phận, là những cuộc vật lộn để mưu sinh với những nỗi nhọc nhằn cơ cực nhiều khi không thể gọi thành tên. Thế nhưng, lòng tôi vẫn chợt buồn man mác khi những tiếng rao đêm của Hà Nội không còn mộc mạc, chậm rãi, nguyên sơ như thuở trước.

Hà Nội về đêm, thành phố như nhỏ lại, và người ta bắt đầu nhìn thấy rõ hơn những mảng màu sáng tối khó lòng nhận ra giữa cái nhộn nhịp ban ngày. Nơi đây là những ô cửa sáng đèn ấm áp, nơi kia là gầm cầu tối tăm bụi bặm. Nơi là những gia đình sum họp, quây quần, nơi là những người mẹ lang thang trong đêm tối tìm con. Nơi là chăn ấm nệm êm, nơi là chiếu manh và áo quần cũ nát…

Rồi những tiếng rao lại vang lên, đánh thức đêm buồn, đánh thức những tấm lòng hay trăn trở, nghĩ suy. Tiếng rao ấy vang lên trong không gian của một cuộc sống khác – mặt bên kia của một đô thị phồn hoa náo nhiệt./.
 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark