18/11/2012 | 10:56:00

Văn hóa gia đình ở Thăng Long-Hà Nội

Gia đình là tế bào xã hội. Gia đình có vững mạnh thì xã hội mới vững mạnh. Mỗi gia đình là một viên gạch để xây nên lâu đài đất nước. Có tiểu gia đình hai thế hệ sống chung, có đại gia đình ba, bốn thế hệ cùng một mái nhà gọi là “tam, tứ đại đồng đường”. Gia đình càng lớn, mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên càng nhiều, càng phức tạp. Các mối quan hệ nội bộ ấy quy tụ lại thành nếp sống gia đình, ông cha ta gọi là “gia phong”. Chính truyền thống văn hóa gia đình đã làm nên truyền thống đạo đức xã hội, góp phần tạo dựng bản sắc dân tộc Việt Nam.

Truyền thống gia phong đòi hỏi các thế hệ phải bảo vệ duy trì nếp sống đã hình thành trong gia đình qua các thế hệ nối tiếp, các lớp con cháu phải giữ gìn danh dự gia đình, làm vẻ vang cho ông bà, cha mẹ, không được làm việc xấu, tủi hổ đến tổ tiên, dòng họ.

Trong gia đình phải lấy cái chung làm trọng. Đoàn kết là mục tiêu số một. Khoan dung tha thứ là yếu tố cơ bản. Mỗi thành viên đều phải học chữ nhẫn, phải biết tự kiềm chế, nhường nhịn, nếu cần thiết hy sinh một phần lợi riêng, một niềm thích thú cá nhân để bảo toàn đại cục.

Nấc thang phấn đấu làm người của ông cha ta xưa là: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tu thân bắt đầu từ gia đình, với văn hóa gia đình rồi sau mới tới môi trường văn hóa xã hội, văn hóa dân tộc.

Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha, kính mẹ, ấy là chân tu

Chữ hiếu là gốc của đức nhân, nghĩa là đạo đức của cái gốc con người. Một người bất hiếu với bậc sinh thành ra mình, liệu có thể yêu thương người khác, có thể thương đồng bào, yêu đất nước được không?

Nói đến văn hóa gia đình là nói đến văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong gia đình sao cho có văn hóa. Mối quan hệ ấy có nhiều tầng: Đối với bề trên “Ông bà, cha mẹ, chú bác”, đối với ngang hàng “vợ chồng, anh chị em”, đối với bậc dưới “con cháu”. Ở làm sao cho trên thuận, dưới hòa là cả một nghệ thuật. Nó phải được chăm lo vun vén, tạo dựng hàng ngày hàng giờ, ở tất cả mọi sinh hoạt đối nội và đối ngoại, từ việc lớn đến việc nhỏ và là trách nhiệm của mọi người từ già đến trẻ. Song trong mái nhà chung phải thương yêu nhau, ăn ở có tình nghĩa, lo lắng cho nhau, chân thật, chung thủy, độ lượng, cùng chăm lo cho hạnh phúc chung. Phải xóa bỏ mọi ghen ghét, suy tị, nghi ngờ, đố kỵ.

Không sợ hẹp nhà, chỉ sợ hẹp bụng

Yêu nhau chín bỏ làm mười là cách ứng xử đẹp nhất của văn hóa gia đình.

Trước hết phải tôn trọng người già: Ông bà, cha mẹ. Những bậc tiền bối đã có công sinh thành và nuôi dạy con cháu nên người cần phải được con cháu chăm sóc, phụng dưỡng lúc sức yếu, tuổi già, không còn lao động làm ra của cải vật chất được nữa. Con cháu có nghĩa vụ phải quan tâm, nhất là khi trái gió trở trời, người già ốm đau, bệnh tật. Luân lý đạo đức truyền thống phương Đông không thể đưa ông bà, bố mẹ già vào nhà dưỡng lão, bỏ tiền thuê người nuôi là xong trách nhiệm như ở phương Tây.

Người có giáo dục phải có kiến thức, có phương pháp chưa đủ mà còn phải là mẫu mực làm gương cho con cháu. Cha mẹ, ông bà chơi bời, cờ bạc, nghiện hút… làm sao dạy được con ngoan, cháu thảo. Giỏ nhà ai, quai nhà ấy là thế. Mối quan hệ thường xảy ra căng thẳng giữa mẹ chồng với nàng dâu; cái khéo của nàng dâu là phải biết yêu thương, quý trọng người đã sinh ra người bạn đời của mình: “Mẹ sinh anh để bây giờ cho em” (Xuân Quỳnh)

Đã từng có câu ca dao của anh chồng dặn vợ mới cưới:

Mẹ già dữ lắm em ơi

Nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn lời mẹ cha

Nhịn cho nên cửa nên nhà

Nên kèo, nên cột, nên xà tầm vông

Nhịn cho nên vợ, nên chồng…

Chuyện ngày xưa ấy không còn nặng nề khi xã hội đã văn minh. Nhưng làm con dâu cần tế nhị, khiêm nhường, bằng thái độ và hành động chứng tỏ cho mẹ chồng thấy “dâu hiền hơn con gái” thì làm sao xảy ra chuyện bất bằng. Con dâu hãy cảm thông với tâm lý của mẹ chồng, vì có mình mà tình cảm của con trai mẹ đã phần lớn chia sẻ cho vợ và vai trò “tay hòm chìa khóa” của mẹ chồng chuyển dần sang cho nàng dâu. Khi có con gái về nhà chồng, mẹ đẻ thường dặn con: “Mới về lạ nước, lạ cái, không biết thì hỏi, người hỏi tốt nhất là mẹ chồng. Đó là người thông thạo mọi việc nhất trong nhà, con cần học hỏi bà để kế tục công việc của bà. Ăn ở tốt với mẹ chồng, bà sẽ là rào dậu che chắn cho con: Một mẹ già bằng ba then cửa! Nhập gia tùy tục”.

Về mẹ chồng cũng phải độ lượng, đừng thấy vợ chồng trẻ nó quấn quít nhau mà cho là chướng mắt, đừng bắt con trai phải khó xử khi “một bên là mẹ, một bên là vợ” biết nghe ai, bênh ai?

Người già ở thế hệ trước, cuộc sống kham khổ, vất vả, nay thấy con cháu ăn nên làm ra, ấm no sung túc hơn xưa, hãy mừng cho chúng và thông cảm cho lớp trẻ đang ở thời mới hiện đại khác ta mà có sự dung hòa cần thiết cho êm ấm cửa nhà. Hãy coi con dâu như con gái, đối xử như nhau, lẽ đương nhiên con dâu sẽ phải coi mẹ chồng như mẹ đẻ.

Vợ chồng khi đã lấy nhau không chỉ sống bằng tình nghĩa. Gặp được “một nửa” của mình tâm đầu, ý hợp còn gì vui bằng:

Làm trai lấy được vợ hiền

Như cầm đồng tiền mua được của ngon

Phận gái lấy được chồng khôn

Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng

Đã thành đôi lứa, không còn thơ mộng của những nhớ mong, đợi chờ, hẹn hò tương tư nữa. Trước mắt họ là cuộc sống rất thực: những lo toan hàng ngày về ăn ở, mặc, đi lại, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy con cái… làm cho tối mắt tối mũi. Vợ chồng cần tránh tranh chấp những điều vụn vặt trong sinh hoạt của nhau, phải thuyết phục và cải tạo dần những cá tính không phù hợp để hòa đồng không xảy ra va chạm.

Về mặt tình cảm cần ứng xử đúng mực, đừng đứng núi này trông núi khác. Cũng chớ ghen bóng ghen gió, bé xé ra to có khi là tan vỡ mái ấm. Hãy làm cho chồng thấy mình là cái anh ta không thể thiếu. Đi đâu cũng sẽ quay về cái bến đợi một đời.

Đó là cách khôn ngoan nhất của người vợ. Cứ “lạt mềm buộc chặt “ hơn là “đao to búa lớn”. Còn người vợ cần sự thủy chung:

Chồng ta áo rách ta thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người

Đừng để người thứ ba chen vào mà tan nát cửa nhà. Trong thời mở cửa, mọi thói sống gấp, đàng điếm đang thâm nhập làm suy thoái đạo nghĩa vợ chồng, sinh ra lắm cảnh “ông ăn chả, bà ăn nem”, phá vỡ gia đình khuôn phép, gia phong đồi bại, cần cảnh tỉnh phòng ngừa từ xa.

Đói no một vợ một chồng

Một niêu cơm tấm dầu lòng ăn chơi

Vậy thì lúc ăn đặc sản, lúc ăn hiệu cũng đừng quên câu ca ngày trước. Nuôi dạy con là trách nhiệm chính của gia đình. Nền nếp gia phong là cái móng để hình thành nhân cách cho lớp trẻ. Dạy con từ thủa còn thơ. Nhiều gia đình đã tạo được truyền thống tốt đẹp qua nhiều đời: truyền thống hiếu học, truyền thống hòa thuận, đoàn kết, thương yêu nhau, truyền thống nghề nghiệp, truyền thống có phong cách sống văn hóa rất đáng tự hào.

Có tiên thì hậu mới hay

Có trồng cây đức mới dày nền nhân

Nền nhân là từ nền gia phong. Dạy con kỵ nhất là không được nuông chiều. Ngày nay nhân dân ta thực hiện chính sách dân số tiến bộ, mỗi gia đình chỉ 1-2 con. Ít con nên càng dễ được cha mẹ nâng niu, yêu thương chiều chuộng quá mức. Các con đều thành quý tử, ông hoàng, bà chúa, là hòn ngọc báu của cha mẹ.

Khi kinh tế khá giả, nhiều cha mẹ không từ chối bất kỳ đòi hỏi nào của con, làm cho chúng sinh kiêu, có quyền được hưởng thụ, bắt cha mẹ phải phục tùng ý muốn của chúng. Cái hư nảy sinh từ đó.

Trẻ không biết giá trị của lao động, không biết kiếm được đồng tiền vất vả ra sao. Có tiền chúng a dua bè bạn, chơi bời lêu lổng, trốn học, đi bụi, sa ngã lúc nào không hay.

Trách nhiệm của cha mẹ là phải chăm lo giáo dục con cái theo phương pháp khoa học, theo gia phong và kỷ cương luật pháp của Nhà nước, tránh đừng để “Đời cha vo tròn, đời con bóp bẹp” và luôn nhớ câu răn “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Văn hóa gia đình là bộ phận quan trọng của đạo đức, lối sống, mang dấu ấn riêng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nhưng đều phải trong quỹ đạo chung của lối sống lành mạnh mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Để xây dựng đời sống văn hóa, chúng ta phải gắng sức bảo vệ, và phát huy sức mạnh của văn hóa gia đình truyền thống và tiếp thu những giá trị văn hóa mới hiện đại và tiến bộ, để góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

(Thăng Long Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark