18/11/2012 | 10:28:00

Người tái sinh di sản Hà Nội

Những gì được hóa thạch thì mãi trường tồn!”, với suy nghĩ như vậy, họa sĩ Vương Văn Thạo đã mày mò tìm cách “hóa thạch” các di sản của Thăng Long - Hà Nội. Bằng sự sáng tạo độc đáo và có giá trị thẩm mỹ cao, các tác phẩm trong dự án “Hóa thạch sống” của anh được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội năm 2011.

Tái sinh di sản văn hóa của Thủ đô bằng nghệ thuật

Dự án “hóa thạch sống” được Vương Văn Thạo bắt đầu từ năm 2004. Đến năm 2007, anh đã “hóa thạch” được 36 ngôi nhà cổ, đại diện cho 36 phố phường Hà Nội. Cầu Long Biên - một trong những biểu tượng tiêu biểu của Thủ đô cũng được Vương Văn Thạo “hóa thạch” và tác phẩm này đã được trao giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2009. Tháng 5/2011, anh làm tiếp hóa thạch 36 cổng làng, đình, ngõ thuộc Hà Nội, gần là các cổng làng, ngõ dọc phố Thụy Khuê ven hồ Tây, xa là ở các vùng Nghĩa Đô, Hoàng Mai, Đông Anh, Hà Đông... Chia sẻ về cách làm của mình, anh cho biết: Sau khi đi khảo sát, chụp ảnh, anh đắp mô hình ngôi nhà, cổng làng... bằng đất, làm khuôn silicon rồi sau đó đổ trùm composite trong suốt lên, tạo một khối "hóa thạch" những ngôi nhà cổ, cổng làng cổ với hai màu chủ đạo vàng, đỏ tuyệt đẹp và đầy cảm xúc. Bên cạnh những ngôi nhà là các cột điện cũng được “hoá thạch”, gắn biển báo tên phố hoặc đánh số nhà. Trong khối đó, Vương Văn Thạo khéo léo đổ hóa chất nhằm tạo ra những vết nứt, vết rạn, biểu thị những xung đột trong quá trình đô thị hóa.

Năm 2011, Vương Văn Thạo được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Họa sĩ cho biết, anh muốn tái sinh di sản văn hóa của Thủ đô thông qua cách nhìn nghệ thuật riêng của mình và rất hạnh phúc vì được trao giải thưởng có uy tín này.

Những dự án táo bạo

Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật năm 1995, lúc mới ra trường, Thạo chuyên làm sắp đặt và vẽ tranh giấy dó, năm 2001, triển lãm sắp đặt đầu tay của Thạo mang tên “Đất và nước” đã đoạt giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Một thời gian sau, anh lại chuyển sang vẽ body trên sơn dầu. Và dù ở phương diện nào, anh cũng giành được những thành công rực rỡ.

Thế nhưng, dường như điều đó chưa làm anh hài lòng. Là một họa sĩ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, anh luôn khát khao phải làm một cái gì đó để tri ân mảnh đất mình sinh ra. Ý tưởng “hóa thạch sống” những di sản văn hóa của Hà Nội được anh ấp ủ từ năm 2004, nhưng dự án táo bạo đó cũng phải đợi đến 2 năm sau mới hoàn thành. Hồi ấy, người ta thấy Thạo chăm vẽ hơn, lúc miệt mài bên khung vẽ, lúc lại say sưa với giấy dó, hí hoáy ghi chép.

Hiện nay, họa sĩ Vương Văn Thạo đã sáng tạo được hơn 300 tác phẩm là các điểm văn hóa tiêu biểu của Hà Nội. Anh muốn tác phẩm của anh được triển lãm ở nhiều nơi, để từ đó tăng thêm trách nhiệm cộng đồng đối với việc gìn giữ vốn di sản cổ xưa của Hà Nội. Thời gian tới, Vương Văn Thạo dự định sẽ tiếp tục “hóa thạch” rất nhiều thứ khác nữa trong muôn màu cuộc sống của Hà Nội - mà theo anh, sẽ sớm vĩnh viễn biến mất trong dòng chảy của đô thị hóa, công nghiệp hóa, cần phải được bảo tồn để bù đắp phần thiếu hụt trong đời sống tinh thần của con người đô thị.

Bộ tác phẩm “hóa thạch sống” của Vương Văn Thạo đã lọt vào Top 10 cuộc thi APB Foundation Signature Art Prize 2008 sau khi vượt qua 34 tác phẩm khác do Bảo tàng Mỹ thuật Singapore (SAM) tổ chức. Hiện nay, bộ tác phẩm này thuộc quyền sở hữu của Bảo tàng Mỹ thuật Singapore và được bảo tàng danh tiếng này tổ chức triển lãm định kì hằng năm để giới thiệu với công chúng nước này và du khách thế giới về một cách nhìn, lối thể hiện, và hơn cả là tình yêu thiết tha của một họa sĩ trẻ dành cho quá khứ, hiện tại và tương lai của Hà Nội.

(Người Hà Nội/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark