19/05/2010 | 16:17:00

Cựu danh thủ Cao Cường: Một người Hà Nội hoài cổ

Cha con nhà cựu danh thủ Nguyễn Cao Cường. (Ảnh: Internet)

Cao Cường không phải là người ít nói. Nhưng trong những câu chuyện của mình ông thường ít nhắc đến hiện tại và tương lai mà thời lượng lớn là những hồi niệm quá khứ mà ông cho rằng bao giờ cũng đẹp nhất…

Khi tôi gặp Cao Cường để thực hiện bài viết này, biết về ý định của tôi, ông đã đề nghị đừng chỉ viết một bài báo mà hãy làm hẳn một cuốn sách. Đó không phải là một cuốn sách chỉ về ông mà về những con người đã cùng nhau xây đắp lên nền bóng đá Hà Nội, về những kỷ niệm những khó khăn và cả những may mắn mà những cầu thủ Hà Nội như Cao Cường đã trải qua.

Cao Cường nói: “Hãy đừng chỉ gói gọn riêng mình tôi trong một trang báo nhỏ nhoi mà hãy viết về những người như cha tôi (danh thủ Thái A), anh tôi (danh thủ Ba Đẻn), về những người đi trước, những người cùng thời và cả những thế hệ sau tôi.”

“Lịch sử bóng đá Hà Nội” - đó là cái tên mà Cao Cường đặt cho cuốn sách mà ngày đêm ông ấp ủ. Thậm chí, ông còn gợi ý sẵn sàng đi kiếm nguồn tài trợ, đầu ra và cả huy động sự trợ giúp về thông tin tư liệu để chúng tôi thực hiện cuốn sách đó cho kịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Có nhiệt huyết như thế cũng chỉ vì ông quá yêu bóng đá thủ đô, yêu mảnh đất này và cảm thấy tiếc nuối khi giới trẻ bây giờ còn biết quá ít về một thế hệ cầu thủ như ông.

Một trung phong chơi bóng bàn

Ít ai biết dù sinh ra trong “nhà nòi” bóng đá như thế nhưng Cao Cường lại xuất thân từ môn bóng bàn ở trường phổ thông. Nhờ có thể hình tốt và lại được đánh giá là có năng khiếu thể thao, Cao Cường được tuyển vào Đội bóng đá Thiếu niên Hà Nội.

Cao Cường đáng ra đã là cầu thủ của Công an Hà Nội như lứa bạn bè thời đó vì tất cả thành viên của đội Thiếu niên Hà Nội đều được tuyển thẳng vào đội bóng đại diện của thủ đô này. Nhưng một chấn thương xảy ra ngay trước đợt tuyển quân đó đã buộc Cao Cường phải ngậm ngùi nằm trên giường bệnh với chiếc chân trái bó parafin nhìn bạn bè ra đi.

May thay nhờ trước đó từng có lần đến nơi Thể Công đóng quân ở ngoại ô Hà Nội để thăm anh ruột Thế Anh (Ba Đẻn) rồi chơi bóng ở đó nên khả năng của Cao Cường đã được các huấn luyện viên biết đến.

Chính vì thế mà khi được Thế Anh tiến cử, Thể Công đã nhận ngay Cao Cường dù đôi chân còn tập tễnh. Chỉ chơi ở đội trẻ gần một năm rưỡi, Cao Cường đã được nhấc lên đội 1 và nổi danh với lối chơi hết mình và đầy uy lực.

Hồi tưởng lại những tháng ngày chơi bóng, quãng thời gian đáng tự hào nhất với Cao Cường không phải là những đợt tập huấn nước ngoài liên tiếp mà thời đó chỉ có Thể Công may mắn được ưu ái đài thọ hay những giải vô địch toàn quốc sau giải phóng đã làm nên sự nghiệp oanh liệt của ông.

Cao Cường nhớ nhất những giải bóng đá Hồng Hà dành cho các đội bóng phía Bắc mà chủ yếu là Hà Nội thời đất nước chưa thống nhất. Khi đó, những trận đấu hầu hết được tổ chức tại Trường huấn luyện thể thao ở Nhổn bất chấp những đợt tấn công phá hoại miền Bắc của Không quân Mỹ. Quanh sân đấu khi ấy là lổn nhổn những hầm trú ẩn để chỉ cần nghe còi báo động là các cầu thủ lẫn ban huấn luyện hai đội có thể nhảy xuống ngay.

Chắc hẳn chẳng đâu như ở Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ ác liệt ấy, khi một giải đấu lại có điều lệ quy định công nhận luôn kết quả cuối cùng của trận đấu nếu thời điểm báo động diễn ra khi trận đấu đã được 75 phút; nếu ngược lại thì hai đội sẽ phải chơi lại từ đầu vào hôm sau.

Theo Cao Cường, trong những ngày tháng ấy cứ bước vào sân là các cầu thủ đều chơi hết mình bất chấp cái chết có thể treo lơ lửng trên đầu.

Những nỗi niềm

Giã từ đời cầu thủ với vô số vinh quang, Cao Cường chuyển sang nghiệp huấn luyện viên rồi lại làm quản lý bóng đá.

Suốt 40 năm ông gắn chặt với quả bóng tròn và màu áo Thể Công. Bây giờ khi đội bóng quân đội đã bị xóa tên thì đó luôn là nỗi đau cứa vào tim Cao Cường mỗi khi ai nhắc đến.

Ông kể lại rằng vào cái ngày Thể Công chính thức biến mất trong làng bóng Việt ấy, có một người hâm mộ đã gọi điện đến cho ông để trách vì ngỡ rằng ông vẫn còn nắm cương vị lãnh đạo ở đây. Người đó đã chỉ nói 1 câu vừa làm ông đau mà ngẫm lại còn thấy ứa nước mắt: “Không nên xóa tên Thể Công vì đó không phải là đội bóng chỉ của quân đội mà của toàn dân.”

Bây giờ, mỗi lần đi qua sân Cột Cờ thấy người ta dành đậu xe ôtô và đâu đó thỉnh thoảng có người chia nhau đá bóng phủi thì Cao Cường lại đau lòng mà tự hỏi “Bao giờ cho đến ngày xưa?”

Hiện tại, mỗi cuối tuần Cao Cường vẫn ra sân Hàng Đẫy xem bóng đá nhưng chỉ với mục đích công việc trên cương vị Giám đốc chiến lược phát triển thể thao của T&T. Trong thời gian không xa Cao Cường sẽ quản lý một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của T&T xây tại Hà Nội.

Ông ấp ủ ý tưởng sẽ phải rèn luyện cho các học trò không chỉ là cái chân, cái đầu mà còn cả trái tim biết hết mình về bóng đá. Tuy nhiên ông cũng lo rằng trung tâm của ông sẽ khó thu hút được nhiều học viên vì giờ ở các thành phố lớn hiếm bậc phụ huynh muốn con chơi thể thao chuyên nghiệp./.

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark