29/12/2012 | 08:43:00

Di tích lịch sử phải sống động, hút hồn du khách

Đã bao năm rồi thì phải, nhiều du khách trong và ngoài nước đến Thủ đô ghé thăm, thưởng ngoạn di tích lịch sử, văn hoá thường "dị ứng" với những tấm biển án ngữ đầu tiên "Di tích đã xếp hạng. Cấm vi phạm!".
 
Thay vì một khẩu ngữ mời gọi thân thiện, hút hồn và bắt mắt du khách, những tấm biển "đanh thép" như thế quả là dễ nản lòng khách thập phương.
 
Hà Nội đang chuẩn bị khẩn trương kỷ niệm 1.000 năm tuổi. Ai cũng biết, bao đời nay Thăng Long - Hà Nội là vùng đất của địa linh nhân kiệt. Là nơi khí thiêng, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm. Hà Nội có hàng ngàn di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng thuộc di tích quốc gia.
 
Nào di tích Hoàng Thành, nào Chùa Một cột, nào Văn Miếu Quốc Tử Giám, nào Tháp Rùa giữa Hồ Gươm, nào Cửa Nam, Cửa Bắc, Cửa Đông, Ô Quan Chưởng, nào Thành Cổ Loa, Thành Đại La, nào Vọng Ba Lâu, nào Nhà giam Hoả Lò, Quảng trường Ba Đình, Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Quảng trường 1-5, hầm Bộ Tổng Tư lệnh tối cao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước...
 
 Những đêm bình yên, trời dịu mát, đi đến đâu dường như hồn người có cảm giác như được nghe âm thanh vọng về của ngàn năm xa… Người trong nước hay khách nước ngoài cũng vậy, đến Thủ đô chỉ mong ước được thảnh thơi đi bộ trong không khí bình yên để được hưởng thụ khí trời mùa thu, để được đứng tần ngần trước những di tích cổ xưa và hiện đại, nghe dìu dịu tinh hoa của thành phố vì hòa bình thấm đẫm mỗi bước đi…
 
Thế nhưng, đã bao năm rồi thì phải, nhiều du khách trong và ngoài nước đến Thủ đô ghé thăm, thưởng ngoạn di tích lịch sử, văn hoá thường "dị ứng" với những tấm biển án ngữ đầu tiên "Di tích đã xếp hạng. Cấm vi phạm!". Hàng ngàn tấm biển ở vị trí trang trọng nhất như là một khẩu lệnh, như là sự răn đe du khách khiến ai cũng cảm thấy sờ sợ, phải rón rén, dò dẫm vì sợ bị trừng phạt bất cứ lúc nào. Thay vì một khẩu ngữ mời gọi thân thiện, hút hồn và bắt mắt du khách, những tấm biển "đanh thép" như thế quả là dễ nản lòng khách thập phương.
 
Tôi từng đưa nhiều bạn ở nông thôn xa về thăm Thủ đô. Thường điểm đầu tiên là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đập ngay vào mắt vẫn là tấm biển "Cấm vi phạm!", trong khi người ta cần biết đây là trường đại học đầu tiên của
 
Việt Nam (1075 thời nhà Lý) thì không được giới thiệu. Ở cổng nhỏ bên đường Văn Miếu ồn ã, các cụ ta xưa có dòng chữ Hán "hạ mã" để báo với khách cần xuống ngựa trước khi vào chốn tôn nghiêm... thì ít người biết.
 
Về thăm Ô Quan Chưởng bên đường Hàng Chiếu cũng vậy. Cũng chỉ thấy tấm biển "Di tích lịch sử đã xếp hạng. Cấm vi phạm!", trong khi vạn người cần biết Ô Quan Chưởng (tên chữ là Thanh Hà môn hay cửa Thanh Hà), là một cửa ô nằm ở phía Đông của toà thành đất bao quanh, được xây dựng vào năm 1749, đến năm 1817 được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay.
 
Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của thành Thăng Long, hiện cửa ô còn nguyên cửa chính và hai cửa con hai bên, trên tường cửa chính có gắn một tấm bia đá do Thống đốc cho đặt năm 1881 ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô này. Nhiều người đến đây, cũng chỉ ngắm bức tường rêu phong, cũ kỹ. Còn muốn biết Ô Quan Chưởng ư, hãy về nhà tra sử sách. Đó như là sự thách đố vậy!
 
Ngay cuối tháng 10 đây thôi, tôi ghé qua Nhà giam Hỏa Lò sát nách cơ quan mình, thấy Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội nhộn nhịp đón khách vào thăm di tích. Có nhiều du khách nước ngoài tò mò kéo đến xem. Nhưng cũng thật lạ, ngay ở cổng ra vào đập vào mắt người tham quan là tấm biển khá trừu tượng khó hiểu: "Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Phần còn lại. Đã xếp hạng". Thông điệp ấy dường như không thông báo cụ thể cái điều quan trọng nhất để có thể giải đáp cho khách di tích này nói về cái gì.
 
 Lẽ ra ngay ở cổng ra vào, rất nên thông báo với du khách nhà tù Hoả Lò là nơi thực dân Pháp dựng nên năm 1896 nhằm giam cầm tra tấn những chiến sĩ Cộng sản đấu tranh giải phóng dân tộc những năm 20, 30 của thế kỷ trước, trong đó có các cụ Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Dương Bá Trạc và các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười...
 
 Và cũng không kém phần hấp dẫn để nói với khách rằng, nơi đây từng là "Khách sạn Hilton" giam giữ nhiều tù binh giặc lái Mỹ trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước - một di tích có một không hai trên thế giới.
 
 Nếu có tấm biển đề "Nơi đây từng giam giữ phi công Mỹ"- một trại giam độc nhất vô nhị, biết đâu còn hấp dẫn bao khách quốc tế vì tò mò, vì ngưỡng mộ chúng ta mà chen nhau ghé thăm. Một nhà kinh doanh du lịch nói với tôi "Càng đông khách đến, càng cơ hội "hốt bạc". Vậy mà tiếc thay khi nhường đất xây liên doanh Tháp Hà Nội, ai đó đã bỏ mất phần diện tích nhỏ nhoi nơi giam phi công Hoa Kỳ.
 
Một doanh nhân vừa tâm sự với tôi rằng nên khôi phục lại chứng tích này. Dẫu khó nhưng có thể làm được. Để con cháu ta biết được chiến công hiển hách của dân tộc mình một thuở chiến tranh chống quân xâm lược.
 
Theo Phó trưởng Ban Văn hóa xã hộithuộc HĐND Thành phố Hà Nội Đào Xuân Dương, Hà Nội mở rộng hiện có hơn 5.000 di tích, trong đó có nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng. Trong số đó, thử hỏi có mấy di tích được chú thích theo dạng cấu trúc mời gọi đây là di tích gì, có từ năm bao nhiêu, liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử nào? Đây là những thông tin cần thiết nhất, tối giản nhất để khách du lịch hiểu ngay được đây là gì để có thể ghé thăm.
 
"Di tích được xếp hạng. Cấm vi phạm" hình như giống một lời răn đe hơn là mời gọi. Một nhà nghiên cứu văn hoá nói vui, khẩu lệnh ấy có thể ngăn chặn hành vi ngỗ nghịch của trẻ mục đồng… Trong khi đó một nguyên tắc tối thượng của quản lý di tích là làm sao khuyến khích càng nhiều, càng đông người biết đến.
 
Khách đến càng đông, di tích càng được sưởi ấm để sống động và mới mẻ. Và vì thế, sự kiện hay nhân vật lịch sử dân tộc càng lung linh như tiếp nhận hơi thở, ánh mắt của con cháu.
 
Nên chăng, ở những di tích như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngay ở cổng ra vào phía đường Văn Miếu, có thể đặt một tấm biển "Đây là Trường đại học đầu tiên của Việt Nam (1076)". Khách dừng chân, tò mò muốn biết thì hãy đi sâu vào trong để tìm hiểu thêm về Chu Văn An, về bia Tiến sĩ... Hay di tích hồ Hoàn Kiếm, chỉ nên ghi một câu ngắn gọn theo huyền thoại lịch sử "Nơi Lê Thái Tổ trả kiếm cho thần Kim Quy".
 
Có thể ghi cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh cho người trong nước và khách nước ngoài. Đó là gì nếu không phải là thái độ lịch sự, văn hoá? Hoàn toàn không nên có tấm biển như là răn đe "Cấm vi phạm". Nào ai mong đến chỗ văn hoá, đến di tích để phá hoại đâu?
 
Trong một lần trò chuyện cùng Nhà Nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, chúng tôi cũng đã nêu ý kiến này. Ông hồ hởi khen là sáng kiến hay. Ông còn nói, thực ra Hà Nội đã làm được một số di tích ngay từ năm nước ta tổ chức Hội nghị cấp cao các nước nói tiếng Pháp.
 
Ví như di tích lịch sử cách mạng ở 12 Ngô Quyền, nơi người dân Hà Nội tham gia cướp chính quyền tháng 8/1945 đã dựng nên tấm biển chữ vàng (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) với dòng chú thích giản dị mà giới thiệu được những điều cần biết về di tích. Và còn một số di tích khác. Thế nhưng sau hội nghị ấy, công việc bị dừng lại do lý do gì ông không rõ, có thể do thiếu kinh phí chăng?
 
Hà Nội còn chưa đầy 400 ngày nữa sẽ long trọng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Tất cả guồng máy đều chạy đua gấp gáp với thời gian. Chúng tôi mong muốn, UBND Thành phố Hà Nội nên dành thời gian và kinh phí để đầu tư việc chỉnh trang, làm sống động và mới mẻ di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng…
 
Mỗi di tích nên có những tấm biển đề ngắn gọn mà đủ ý diễn tả súc tích nhất bản chất của sự kiện và nhân vật lịch sử của dân tộc, của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Như thế, di tích mới sống động, đồng hành cùng mỗi bước đi của chúng ta./.

 

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark