03/05/2010 | 17:58:00

Đình Tây Đằng

Đình Tây Đằng. (Nguồn: Internet)

Một trong nhiều đình có niên đại sớm nhất Việt Nam, hiện còn lại là đình Tây Đằng, một di tích đạt giá trị về lịch sử văn hóa và nghệ thuật. Có thể tìm thấy ở một nhịp thở của xã hội, vào thế kỷ thứ XVI, với những mảng chạm gắn với cuộc sống tâm linh và ước vọng đời thường.

Ở nơi ấy, trong chiều sâu của mảng chạm về hoạt cảnh là một khía cạnh về mối quan hệ của làng xóm với chỉnh thể quân chủ, về ứng xử nhân quần và biết bao ẩn số còn trôi chảy trên dòng suy tư dân dã.

Như vài ba ngôi đình cổ cùng niên đại, đình Tây Đằng là một sản phẩm lịch sử đương thời, xác định về một mốc chuyển đổi kiến trúc và nhận thức về Thần làng. Nó mang tư cách sáng tạo có tính chất bản lề của xu hướng phát triển di tích truyền thống. Đình Tây Đằng như một chuẩn đề đối chiếu cho các di tích khác, đồng thời nó cũng góp phần tích cực vào việc khẳng định có một nền nghệ thuật tạo hình Mạc (thế kỷ XVII) riêng biệt mà trước đây như đã bị lãng quên, mở đầu cho sự “náo nức” của nghệ thuật đình làng cuối thế kỷ XVII.

Đình Tây Đằng ở huyện Ba Vì, cách huyện lỵ khoảng 1,2km. Trước đây đình nằm ở bìa làng, trước mặt quang đãng, nhìn thẳng ra núi Ba Vì. Đình quay hướng Nam (ngả về Tây chút ít), đó là hướng mát mẻ, miền của trí tuệ (diệt trừ ngu tối) cũng là hướng của thiện nghiệp.

Theo quan niệm (ảnh hưởng của Trung Hoa) “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” thì hướng của đình cũng nhằm đề cao Tản Viên, coi ông là vua tinh thần của làng xã, góp phần giữ việc an khang thịnh vượng cho dân chúng.

Sự tích về Thánh Tản thì trước đây hầu như người Việt nào cũng biết, truyền thuyết về Ngài đã được chép vào sách cổ (Toàn thư phần ngoại ký). Có thể coi Ngài là anh hùng văn hóa, có tài “khuấy động trời đất”, mà một biểu hiện qua bản “anh hùng ca” (truyện Sơn Tinh Thủy Tinh) là sức lao động chống lụt của nhân dân ở buổi đương thời Tản Viên nhập thế.

Ngài được đời hóa để có tên là Nguyễn Tuấn, hồi nhỏ cơ cực, đầy hiếu nghĩa thương người, được thần hỗ trợ để có sức mạnh cứu nước cứu dân. Theo dòng trôi chảy của tư duy dân dã, Tản Viên hiển thánh, âm phù cho chiến thắng trong các cuộc mở nước và giữ nước. Ngài cũng giúp dân tìm ra lửa, dậy dân nhiều nghề rồi trở thành người đứng đầu trong “Bách nghệ Tổ sư”.

Song yếu tố một thần núi bao giờ cũng nổi trội hơn cả. Ngài như cái gạch nối, chuyển sinh lực của trời cha xuống cho đất mẹ để làm cho muôn loài sinh sôi .Với sức mạnh thiêng liêng ấy, Ngài mặc nhiên trở thành Thánh Cả và là thành hoàng làng nổi tiếng ở nhiều vùng quê (nhất là thuộc Sơn Tây và Hà Đông - ven sông Đáy).

Di tích mang niên đại cổ nhất thờ Tản Viên là đình Tây Đằng với nghệ thuật thế kỷ XVI. Đình đã trở thành một điểm sáng trong diễn trình lịch sử kiến trúc cổ truyền của người Việt.

Nếu như trước thế kỷ XVI, trước mặt đền chùa đều có dòng chảy hoặc đầm hồ tự nhiên, rồi những cây xanh to lớn được gắn cho ý nghĩa thiêng liêng nào đó để phần nào làm ẩn kiến trúc đi, như muốn nhập chúng vào thiên nhiên để tín đồ coi như từ Tây Đằng, dạng di tích kiến trúc này lại như cố tình phô trương cái bề thế của nó nên ít có cây thiêng ở gần. Điều tra kỹ, cũng thấy hiện tượng tương tự ở các đình thời sau.

Phải chăng đình mang gốc từ “nơi ban bố chính lệnh của triều đình”, sau đó như một trụ sở của chính quyền và rồi là nơi “hương đảng tiểu triều đình” và trong kết cấu phần nào bộ mái lại quá lớn như mang nét áp chế đè vào tâm hồn, nên đã một thời đình bị xa cách với một bộ phận nhân dân. Nhất là khi các chức sắc trong làng được ngồi vào chiếu trên, thì họ như có cảm giác được thay đổi thân phận so với ngày thường.

Trở lại với ngôi đình. Trước mặt là mảnh đất rộng làm nơi sinh hoạt cộng đồng trong ngày hội. Tiếp đó là hồ bán nguyệt đặt ngay phía trước nghi môn trụ. Đây là một dạng nghi môn phổ biến của thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cùng niên đại này còn hai tòa tả hữu vu kẹp lại bên một sân rộng.

Đại đình được dựng trên một nền hình chữ nhật cao bó đá vỉa, đó là cách thức phổ biến thường gặp ở các di tích từ giữa thế kỷ XVII trở về trước, kiến trúc bên trên chỉ một tòa hình chữ nhất (tới cuối thế kỷ XVII, lác đác mới có hậu cung nhô ra phía sau gian giữa).

Trước đây đình có sàn, nhưng có thể nghĩ rằng, cũng như nhiều di tích cổ truyền khác, đình Tây Đằng khó có thể có tường bao, vì chạm trổ nội thất của đình rất kỹ, chắc chắn cần có ánh sáng để chiêm ngưỡng, nhất là người Việt lại “thờ thần theo lối thế gian” (lối bình dân), cần hình tượng cụ thể để thông linh.

Đình Tây Đằng lớn vừa phải, có ba gian hai chái lớn, khiến đứng trong lòng đình có nhiều lúc ngỡ như năm gian trong thể cân đối. Nơi thờ Thánh hiện được đặt trên một gác lửng kiểu nhà sàn. Gác này nằm giữa hai cột cái và hai cột quân phía trong của gian giữa.

Hình thức này gợi cho chúng ta liên tưởng tới ngôi nhà của người Stiêng ở Nam Tây Nguyên (những ngôi nhà vừa có sạp để ngủ vừa có sàn để lương thực). Như thế cũng có thể nghĩ, nơi thờ Thánh rõ ràng mang tính chất sàn, còn nơi quan viên và dân đinh ngồi có lẽ mang tính chất sạp hơn, vì thế tới nay đình không còn sàn, nhưng mọi sinh hoạt có liên quan tới nó hầu như thay đổi không nhiều.

Nhìn bề ngoài, từ mặt nền tới đỉnh mái, thì độ cao của mái xấp xỉ hai lần từ mái giọt gianh xuống nền. Cũng đủ để xác nhận về một ngôi đình cổ, nhất là khi tiếp cận với bộ khung, chủ yếu bằng gỗ mít. Chất liệu này có lẽ ảnh hưởng từ chùa, để như muốn nhắc tới một miền đất tâm linh thánh thiện (mít paramita – có nghĩa là: đại trí tuệ đại giác ngộ dẫn đến thanh tĩnh, giải thoát…).

Cột đình thấp, tạc theo kiểu thượng thu hạ thách (trên nhỏ dưới to), đôi vì nóc qua một dấu vuông thót đáy lớn. Vì nóc làm theo kiểu giá chiêng với con rường trên mập, vồng lên để dồn lực về đầu cột và tạo không gian cho ván lá đề ở trung tâm. Đầu rường đỡ hoành và tì trên hai cột con, rường dưới dài hơn, bị khoét lõm ở giữa (tương ứng mũi lá đề), hai bên vươn ra đỡ chân cột con và đỡ hoành mái.

Tất cả hệ thống kẻ trên được kê trên “câu đầu” là thân gỗ lớn bào soi kiểu vỏ măng ở hai bên, bụng bào phẳng, đầu thóp lại. Đội bụng câu đầu là đầu dư, đuôi đầu dư chạy ra phía ngoài cột cái thay cho chiếc rường thứ nhất của bộ cốn chồng rường nối với cột cái và cột quân. Phần mái hiên khá rộng, tì lực trên hệ thống bẩy lớn dài, bẩy ăn rộng ở đầu cột quân, có đuôi đội bụng bộ cốn để tạo sự cân bằng lực cho mái hiên. Hiện nay, dưới đầu các bẩy đều được bổ sung một chiếc cột, khiến kết cấu bộ vì chuyển thành sáu hàng chân. Và từ khảo sát thực địa có thể rút ra mấy vấn đề sau:

Việc tu sửa các thời kỳ sau đã làm thay đổi kết cấu ban đầu, như thêm cột hiên (đấu ở cột ăn lẹm vào trang trí thân “bẩy”); thêm hai xà ốp nóc, xém bớt ván nong trên bẩy khiến phần chạm khắc mất sự trọn vẹn.

Tầu mái ăn mộng vào “ván nong” và “bẩy” một cách tùy tiện, không tôn trọng chạm khắc cổ truyền, khiến chúng ta có thể nghĩ, vào thời Mạc, đình Tây Đằng chưa có tàu mái, như thế kết cấu bộ khung không có góc cong, phải tới đầu thế kỷ thứ XVII với đình Tường Phiêu (xã Tích Giang cùng huyện) thì góc đao cong tương ứng với tàu mái mới ổn định hẳn… Dù sao thì hiện nay, đình Tây Đằng vẫn là một di tích nghệ thuật nổi tiếng đặc biệt là chạm khắc với các đề tài đồng điệu gắn với các lực lượng tự nhiên, hoạt cảnh về con người, các linh vật…

Nổi hơn cả trong linh vật là rồng (chủ yếu mang niên đại thế kỷ XVI), dưới hình thức chạm tròn, phù điêu chạm lộng, với nhiều dạng khác nhau như cá sấu cuộn soắn đuôi, đuôi cá và mặt khá dữ, rõ ràng chúng trở lên da dạng theo xu hướng phát triển của nghệ thuật dân dã. Đặc biệt ở trung tâm “vì nóc” đã ổn định lối rồng ngang (mặt ở giữa, thân cuộn xung quanh). Ngoài rồng còn lân, phượng, voi đi cày, voi lồng mà đầy nhân tính dưới hình thức như cười vui, rồi hươu, và đáng chú ý là ngựa có đao bay mọc ra từ chân trước kế lại như hình đôi cánh…

Có thể nghĩ, cũng như chùa Cói (Vĩnh Phúc đã bị phá trong chiến tranh chống Pháp), đình Tây Đằng là một di tích sớm nhất còn lại, được chạm nhiều hoạt cảnh dân dã, nó như mở đầu cho đỉnh cao nghệ thuật đình làng ở cuối thế kỷ XVII. Đó là cảnh các thiên thần nam nữ cưỡi rồng, cảnh chèo thuyền, đấu hổ, xiếc, đẽo gỗ, gánh con…

Nhiều đề tài nhưng chỉ phác đơn giản song vẫn đầy gợi cảm. Nổi lên trong đề tài này còn cảnh bà Banh (đàn bà ngồi xổm gần như khỏa thân ngồi chính diện) và nhiều cảnh nam nữ tự tình, trong đó có ông già ngồi chải tóc cho người vợ trẻ, hai bên chạm tiên có cảnh đuôi rồng cầm hoa sen đứng chầu (không chân - có lẽ là bóng dáng Bàn Cồ và Nữ Oa). Điểm xuyết cùng linh vật và hình tượng con người là các cây cỏ thiêng, các biểu tượng tự nhiên, nổi lên có hoa cúc và nhất là có vân xoắn cuộn tròn được chạm trổ rất kỹ ở trung tâm mảng chạm người ta vẫn như đọc được ở đó ước vọng cầu nước, cầu được mùa…

Đình Tây Đằng còn tồn tại tới nay, là một sản phẩm lớn của ông cha để lại. Đình mang tư cách mở đầu cho một truyền thống mới trong bước đi của lịch sử văn hóa. Đình có một giá trị nghệ thuật tự thân rất cao, chứa đậm bản sắc dân tộc. Chỉ tiếc rằng chúng ta chưa có nhận thức đầy đủ và ứng xử đúng đắn với quà tặng của tổ tiên./.

(Nghìn năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark