06/04/2010 | 15:54:00

Cổ Loa - Thành ốc cổ vào bậc nhất nước Việt

Hàng năm, vào ngày 6 đến 16 tháng Giêng âm lịch, nhân dân khắp nơi đều tề tựu về dự lễ hội Cổ Loa. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Thành Cổ Loa là tòa thành cổ vào bậc nhất Việt Nam được vua Thục Phán An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó).

Thành cách Hà Nội 18km về phía bắc thuộc xã Cổ Loa, huyện Ðông Anh.

Thành được xây dựng kiểu vòng ốc (nên gọi là Loa Thành), tương truyền có tới chín vòng, dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước để thuyền bè đi lại được.

Ngày nay ở Cổ Loa còn lại ba vòng thành đất: thành ngoài (chu vi 8km), thành giữa (hình đa giác, chu vi 6,5km) và thành trong (hình chữ nhật, chu vi 1,6km).

Thân thành ngày nay còn có chiều cao trung bình từ 4-5m, có chỗ còn cao tới 12m, chân thành rộng tới 20-30m.

Các cửa của ba vòng thành cũng được bố trí rất khéo, không cùng trên một trục thẳng mà lệch chéo đi rất nhiều. Do đó đường nối hai cửa thành ở cùng một hướng đều là một đường quanh co, lại có ụ phòng ngự ở hai bên nên gây rất nhiều trở ngại cho ngoại xâm.

Trải qua bao năm tháng trường tồn, cho tới nay việc tiến hành khai quật khảo cổ xung quanh khu vực đền thờ vua An Dương Vương trong quần thể di tích Cổ Loa đã hé lộ nhiều bí mật về Loa Thành xưa.

Theo giáo sư, tiến sĩ Phạm Minh Huyền, phụ trách đoàn khảo sát, sau khi mở sáu hố khai quật đã tìm thấy ba lớp văn hóa khác nhau, với rất nhiều di vật cổ có giá trị. Phía trên là lớp văn hóa thời Lê đến thời đại hiện nay, kế đến là lớp văn hóa thời Trần và lớp sâu dưới cùng chứa nhiều "gốm Cổ Loa".

Ở một hố đào khác xuất lộ những viên đất cháy lan tỏa từ trong ra và theo các chuyên gia, có thể đây là dấu vết các lò nung và cũng có thể là một dạng mộ táng.

Điều đặc biệt ở hố này là hiện tượng chèn đá dưới chân thành, hé mở những giả thuyết mới về kỹ thuật xây dựng thành, vì nơi này rất gần với Thành Nội của Loa Thành.

Ở các hố khác cũng cho thấy những mảnh gốm đỏ, sáng có niên đại thời Trần ăn sâu xuống phía dưới. Các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều cụm  ngói Cổ Loa và một số hố với hình dạng, kích thước và độ nông, sâu khác nhau.

Theo nhận định của đoàn nghiên cứu Viện Khảo cổ học và chuyên gia Nhật Bản, các vết tích của nền móng kiến trúc thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) được phát hiện cho thấy niên đại xưa nhất của ngôi đền có nhiều khả năng là thời Trần, phù hợp với những ghi chép lịch sử.

Qua những biến chuyển của thời gian, ngôi đền đã được tu sửa nhiều lần và có xu hướng chuyển về phía Nam.

Điều quan trọng hơn là lần đầu tiên các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện những di tích chứng tỏ sự phát triển văn hoá liên tục qua nhiều thời kỳ khác nhau ở khu vực đền An Dương Vương nằm ở phía Tây Nam Thành Nội của Loa Thành.

Các dấu tích như lò hình vuông, những mảnh đá khắc chữ về Cổ Loa và di tích lò hình cầu là phát hiện lý thú, giúp các nhà khoa học có thể nhận định khu vực đền thờ An Dương Vương tồn tại từ rất lâu đời, gắn bó với quá trình tồn tại của vùng đất này.

Hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, thành phố Hà Nội đang triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và xây dựng khu di tích thành Cổ Loa trở thành khu du lịch chuyên đề quốc gia./.

(Báo Ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark