03/03/2010 | 15:15:00

Quần thể di tích đình, đền Phú Thị ở Gia Lâm

Đình và đền Phú Thị nằm trong một quần thể di tích đình, đền, chùa thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1989, cụm di tích này được công nhận di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia.

Phú Thị có tên nôm là làng Sủi, là một làng Việt cổ, sau đổi là Siêu Loại. Tới thế kỷ XVI, làng có tên là Phú Thị cho tới hiện nay.

Phú Thị còn là một làng nổi tiếng với nhiều danh nhân đất nước. Ở thời Lý đã nhắc tới hương Thổ Lỗi vì đây là quê hương bà Nguyên phi Ỷ Lan. Tới thế kỷ XVIII, làng nổi danh là làng khoa bảng với 10 tiến sĩ đỗ trong vòng 7 năm, nổi tiếng là quan Hoàng giáp, Quận công Nguyễn Huy Nhuận. Phú Thị còn là quên hương của các nhà thơ lớn Cao Bá Quát (Thánh Quát), Nguyễn Huy Lượng.

Đình Phú Thị

Đình có nguyên gốc từ một ngôi đền cổ thờ nhân vật lịch sử Đào Hoa Liên. Ông là một nhân vật quan trọng trong vương triều nhà Đinh, là người có tài văn võ, ông đã theo Đinh Bộ Lĩnh đi đánh dẹp loạn 12 sứ quân mang lại sự thống nhất và lớn mạnh cho dân tộc.

Phú Thị đã từng là nơi lập trại bản doanh của Đào Hoa Liên khi ông đi dẹp loạn ở Vũ Minh nên dân làng Sủi đã lập đền thờ ngay sau khi vua ban chiếu chỉ. Sau này khi ngôi đình làng cùng với tín ngưỡng Thành hoàng ra đời, ngôi đền đã trở thành đình và vị thần Đào tướng quân được tôn làm Thành hoàng.

Đình Phú Thị phía trước xây tường thẳng và những cửa cuốn mở tiếp nhau chạy suốt 5 gian, trên đắp nổi 2 rồng chầu Mặt Trời lửa, dưới đắp hình hổ phù. Đại đình gồm 5 gian, xây kiểu bít đốc, các vì làm kiểu vì kèo quá giang, trang trí rồng thời Nguyễn. Hậu cung 2 gian, xây tường bao kín. Trong cung xây bệ cao đặt long ngai, bài vị Thành hoàng làng.

Đền Phú Thị

Đền thờ bà Nguyên phi Ỷ Lan, một gương mặt lớn của lịch sử dân tộc ở thời nhà Lý. Bà đã có những đóng góp lớn lao trong việc phục hưng đất nước dẹp giặc ngoại xâm.

Đền Phú Thị gồm nhà tiền tế, phương đình và hậu cung. Mặt trước nhà xây tường thẳng đứng, gian giữa của đền xây 2 tầng, 8 mái, qua hiên là nhà tiền tế làm kiểu bán mái. Trên các cốn mê chạm lộng rồng lá. Mặt sau xây tường cao ngăn cách với phương đình.

Phương đình là 1 nhà vuông 8 mái, các đầu đao được uốn cong, 2 vì của mái làm kiểu chồng rường, các bức cốn chạm các hình hổ phù, rồng cuốn thủy, trúc hóa long, rồng mây, rồng lá…

Khu cung cấm gồm 3 gian ngoài và hậu cung. Trong nhà là bức hoành phi lớn “Mẫu nghi thiên hạ”. Hậu cung xây gạch cuốn vòm trên đặt long ngai, bài vị thờ thần.

Đình, đền, chùa Phú Thị được xây dựng trên một khu đất cao, rộng rãi và bằng phẳng. Đền được đặt ngang sát đình tạo thành mặt bằng rộng lớn. Ở phía trước, sau đình là chùa. Đình, đền, chùa được liên kết với nhau bởi các ngách nhỏ bên trong. Kiến trúc được bắt đầu bằng 2 trụ biểu làm lối vào, qua cổng là sân chạy suốt 10 gian của đình và đền.

Hiện nay, đình, đền cùng với chùa còn lưu giữ một số di vật quý có giá trị ở nhiều lĩnh vực với 20 bia đá trong đó có nhiều bia được trang trí đẹp, mang niên đại Lê Trung hưng, 2 quả chuông đồng (quả lớn đúc năm Cảnh Hưng 4, năm 1743), 1 khánh đá có niên hiệu Bảo Thái (năm 1725), 1 số hoành phi, câu đối, Thần phả ghi sự tích Thành hoàng làng, cùng 73 pho tượng Phật.

Đình, đền Phú Thị cùng với chùa tạo thành một quần thể di tích đẹp, một điểm thăm quan du lịch hấp dẫn du khách./.

Đình Trung (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark