01/05/2010 | 16:51:00

Đường Trần Quang Khải

Đường Trần Quang Khải (Nguồn: 1.000 năm Thăng Long)

Trần Quang Khải (1241-1294) là con của Trần Thái Tông. Năm 25 tuổi (1266), ông được giao cai quản lộ Nghệ An. Từ năm 1278 đến trước khi quân Nguyên xâm lược Việt Nam lần thứ hai (1285), ông cáng đáng việc đối ngoại, giao thiệp với sứ giặc.

Trong thời gian này, Trần Quang Khải đã thực hiện được đường lối ngoại giao của nhà Trần là cương quyết giữ vững lập trường bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền đất nước, nhưng mềm mỏng linh hoạt trong sách lược.

Đến khi nổ ra chiến tranh, Trần Quang Khải chỉ huy nhiều trận đánh, nổi nhất là trận tập kích đồn Chương Dương: Tháng 5/1285, đánh vào căn cứ của địch lập trên bờ sông Hồng thuộc địa phận làng Chương Dương (nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội).

Chiến thắng này có một ý nghĩa chiến lược quan trọng vì nó đã tiêu diệt được một cứ điểm trọng yếu của địch trên sông Hồng, mở đường cho việc giải phóng Thăng Long.

Ngày 6/6 (Âm lịch) năm Ất Dậu, tức ngày 9/7/1285, triều đình nhà Trần sau sáu tháng rút ra khỏi Thăng Long nay lại trở về trong chiến thắng. Vào dịp này, Trần Quang Khải có làm bài thơ Tòng giá hoàn kinh nay vẫn còn truyền tụng.

Đường Trần Quang Khải chạy dọc theo sông Hồng, nối đường Trần Nhật Duật ở ngã ba Hàng Mắm với đường Trần Khánh Dư ở đầu phố Tràng Tiền (chỗ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Đây nguyên là đất thôn Trừng Thanh, Trung Hạ và thôn Trung Liệt miếu Thạch Tân (Bến Đá).

Tới giữa thế kỷ XIX, thôn Trung Liệt miếu Thạch Tân đổi ra là thôn Cổ Tân (Bến Cũ). Vì tới lúc này, sông Hồng đã chuyển dịch về phía Đông, bến đá (Thạch Tân) bị cát bồi, không thành bến nữa, thuyền bè không ghé vào được, cho nên hóa ra bến cũ (Cổ Tân).

Thêm vào đó, miếu Trung Liệt cũng đổ nát, không còn nữa. Vì vậy, thôn Trung Liệt miếu Thạch Tân trở thành thôn Cổ Tân. Ngôi nhà số 166 ngày nay xây trên nền đình làng Cổ Tân xưa. Cạnh đó, ở số nhà 168 nay vẫn còn một ngôi chùa cũ, có tên là Phúc Long.

Thời Pháp thuộc, đây là bến Guilemoto; sau cách mạng đổi ra tên hiện nay. Điều đặc biệt là phố này chỉ có từ số nhà 158 trở đi. Đó là do cách đánh số nhà không tách riêng hai đường Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải mà là chắp vào nhau, do đó ngôi nhà cuối đường Trần Nhật Duật (ở bên phía Bắc phố Hàng Mắm) mang biển số 154-156.

Sang ngang qua đường phố Hàng Mắm là bắt đầu đường Trần Quang Khải và ngôi nhà đầu tiên đáng lẽ là số 2, lại là số 158 (đền cây Si). Tại đây có một ngôi nhà đã chứng kiến chiến công oanh liệt của quân dân Thủ đô trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Đó là nhà Sôva tức là văn phòng của hãng tàu thủy Sauvage, số nhà 160, sau này cho tới thập kỷ 80 của thế kỷ XX là trụ sở của Trường cấp II Nguyễn Huệ, nay là Trường Tiểu học Nguyễn Du.

Ngay sau đêm nổ súng 19/12/1946, nhà này trở thành vị trí tiền đồn của Liên khu I. Càng đi sâu vào cuộc chiến đấu, vị trí Sôva càng trở thành trọng yếu vì đường dây liên lạc giữa bên ngoài và Liên khu I chỉ còn có thể đi qua đây. Giặc Pháp đã nhiều lần dùng xe tăng, đại bác bắn phá nhưng không sao chiếm nổi.

Mái nhà vỡ tung, cửa lớn cửa nhỏ tan nát, mặc dù vậy, các chiến sĩ Việt Nam đã lấy bao cát củng cố các ụ chiến đấu. Tám giờ sáng ngày 6/2/1947, địch từ nhà Bác Cổ (nay là Viện Bảo tàng Lịch sử) cho xe tăng, thiết giáp rầm rộ tiến đánh nơi đây. Sau 30 phút bắn phá, lính Pháp từ bên kia đê bắt đầu xung phong. Ngay đợt đầu, hàng chục tên gục trước làn đạn của chiến sĩ Việt Nam. Chúng tiến công bốn đợt, chiếm được tầng dưới.

Vậy mà chúng không sao lên nổi tầng gác. Chúng phun étxăng đốt. Giữa lúc đó quân tiếp viện của Việt Nam luồn đường hầm từ ngõ Phất Lộc sang đây, bất ngờ đánh ập vào. Giặc rút chạy; trận đấu kết thúc vào lúc sẩm tối. Việt Nam giữ được vị trí này cho mãi tới khi rút ra khỏi thành phố đêm 17/2/1947.

Nay, đường Trần Quang Khải có nhiều cao ốc mới xây khoảng chục năm trở lại đây như “tháp BIDV” ở số 194, vài chục tầng, chiếm cả một ô phố. Đây vốn là biệt thự của một tư bản Pháp, chuyên về khai mỏ; có kiến trúc rất đẹp, chỉ có một tầng hầm và hai tầng gác, thanh tú, hài hòa.

Người dân ngày trước quen gọi là “nhà tây mỏ vàng,” sau ngày tiếp quản Thủ đô trở thành một cơ sở của Bộ Giáo dục gồm một số vụ như Vụ Tổ chức, Vụ Phổ thông, Vụ Bổ túc văn hóa… tồn tại tới trước khi bị phá để xây mới. Hoặc ngôi nhà 198 nay là Ngân hàng Vietcombank cũng gần hai chục tầng. Lại còn có một cơ sở ngân hàng khác là số nhà 164, chi nhánh Agribank.

Cũng phải kể đến hai viện khoa học là Viện Quy hoạch Thủy lợi và Viện Chiến lược phát triển Giao thông vận tải ở số nhà 162. Đó chính là phần đất của Tòa án Hàng Tre do Pháp xây từ cuối thế kỷ XIX. Năm 1905, chúng xây Tòa án mới (nay ở phố Lý Thường Kiệt), chỗ Hàng Tre này giao cho Nha Công chính Đông Dương (choán luôn dãy nhà 164).

Ngày trước vốn còn một nhà máy nước đá, số 198 nay một phần là cửa hàng bia tươi khá hoành tráng. Phố còn có khách sạn Hồng Hà ở số 204, vốn là nhà khách của thành phố. Đến số nhà 216 là hết phố. Đó là Bảo tàng Cách mạng mà thời Pháp thuộc là nhà Đoan tức Nha Thương chính Đông Dương.

Ngoài những công trình mới xây, đa số các nhà cũ ở đường này là các cửa hàng phụ tùng ôtô. Vì là đường vành đai, ôtô qua lại đông nên cần những mặt hàng này. Còn bên lẻ vốn là bờ đê thông thoáng, nay là bãi cho thuê ôtô./.

(1.000 năm Thăng Long/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark