16/02/2012 | 21:32:00

Đường phố Hà Nội: Bốn mùa cây lá, bốn mùa hoa

Hà Nội được mệnh danh là thành phố “xanh - sạch - đẹp”. Một thành phố ngút ngát màu xanh cây lá. Với người Hà Nội, cây không đơn giản chỉ là tấm lá chắn nuôi dưỡng bầu không khí trong lành mà cây, hoa nơi đây thân thuộc như tấm lịch thời gian. Nhìn cỏ cây hoa lá để nhận ra rằng tiết trời đang thay đổi, mảnh đất thân yêu đang ở mùa nào, thời gian nào.

Cây đường phố Hà Nội như tấm lịch đo thời gian bằng hương, bằng sắc của từng loài. Tháng Giêng với quất đào rực đỏ. Trên khắp mọi nẻo đường tràn ngập sắc hoa đào, trên gánh hàng hoa buổi sớm. Đào và quất không thể thiếu trong ngày tết của người Hà Nội.

Rồi đến tháng Hai, khi cành đào phai sắc để nhường chỗ cho những bông hoa gạo rực rỡ như những chiếc đèn trời. Thân cây gạo sần sùi, cành cây khẳng khiu, trên cao chót vót là những bông hoa gạo như chấm son tô điểm bầu trời xanh thẳm, gọi từng đàn sáo lại quây quần.

Tháng Ba, hoa sấu rải trắng mặt hè như những nong gạo nếp gợi niềm no đủ. Ta bất chợt nhận ra những bông hoa sấu li ti đầu mùa đang thầm lặng tỏa hương trên phố Trần Hưng Đạo, Trần Phú… Nó mộc mạc giản dị đến khiêm nhường nên không hẳn ai cũng nhận ra mùa hoa sấu, nhưng vẫn toát lên vể đẹp đến nao lòng.

Mùa hoa Loa kèn lại đến. Thứ hoa mỗi năm chỉ có một lần vào tháng Tư, khi tiết trời bắt đầu chuyển sang mùa Hạ. Hoa không sặc sỡ nhiều màu như những loài hoa khác mà chỉ một màu trắng tinh khôi. Hương hoa loa kèn cũng dịu dàng, thoang thoảng chứ không gay gắt. Hoa mang nét duyên ngầm như nét duyên của người thiếu nữ e ấp, thanh tao mà đài các. Vì thế mà bức tranh “Thiếu nữ và hoa loa kèn” của họa sĩ Tô Ngọc Vân khiến không ít người băn khoăn không biết hoa làm tôn vẻ đẹp của người thiếu nữ hay thiếu nữ làm tôn vẻ đài các của hoa.

Sang đến tháng Năm, tháng chia tay của tuổi học trò, khắp sân trường chói gắt một màu phượng đỏ. Phượng nở như tín hiệu giục giã một mùa thi sắp tới, ngậm ngùi chia tay với bạn cũ, trường xưa.

Giữa đất trời đỏ rực cành phượng vĩ, ta nhận ra nốt gam trầm của màu tím yêu thương. Tháng Sáu đã sang. Mỗi góc phố, công viên bằng lăng cứ giăng giăng màu tím suốt trưa hè làm dịu đi cái nắng chói chang. Sắc hoa tím dung dị mang nỗi buồn mang mác trong trẻo gợi nhớ, gợi thương với thầy cô, bạn bè. “Ta chợt nhớ mãi hoa bằng lăng phớt tím/Như vết mực in trên trang vở học trò” (Phan Thanh Thủy).

Tháng Bảy đến lượt hoa muồng vàng rực nắng chói chang như muốn níu kéo những ngày cuối hạ. Mỗi cánh hoa như nắng mùa thu, như hoa cải quê nhà, như màu lụa vàng chanh mới chuốt đã day dứt bao con người xa thành phố thân yêu.

Tháng Tám thu về, gió heo may càng dễ nhận ra mùi của dạ lan đâu đó.

Tháng Chín là mùa của hoa ngọc lan và hoa móng rồng. Tiết trời se lạnh, mùi thơm của hoàng lan dìu dịu, mát ngọt làm sao. Từng cánh hoa chín đung đưa mềm mại như bàn tay Phật, vì thế người Hà Nội thường gói ngọc lan với hoa ngâu, hoa hồng đặt lên ban thờ dâng cúng.

Cuối thu đầu đông là tiết trời đã bước qua tháng chín chớm tháng Mười. Mùi hoa sữa lại nồng nàn khắp phố, len lỏi tới từng ngõ nhỏ. Hoa sữa thường được ví như loài hoa thương nhớ. Biết bao chàng trai cô gái gặp nhau trong mùi hương ấy, rồi lại chia tay cũng trong mùi hương ấy, bao nhớ thương day dứt mỗi mùa hoa sữa về: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm, có lẽ nào anh lại quên em…”

Đến tháng Mười Một, Mười Hai mùa đông đã về ngập phố, từng cơn gió lạnh rít qua cửa sổ chỉ còn thấy hàng cây bàng đỏ ối vươn mình trong giá rét. Cả một dãy bàng ở phố Quán Thánh tưởng như chết lặng âm thầm cùng sương gió. Nhưng rồi một sức mạnh lạ thường, nó bật ra những cái lá xanh non mềm mại như cốm, một thảm xanh nuột nà. Và ta biết trời đất đã vào xuân.

Mỗi một loài hoa cỏ đều tạo ra nét riêng trên từng con phố. Vì thế, cây xanh đường phố luôn cần được quan tâm để Hà Nội xứng danh “Thành phố xanh” như bạn bè quốc tế vẫn ngợi ca.

thanglonghanoi (Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark