09/02/2012 | 15:29:00

Gặp lại “ông đồ già”

Trong số 4 nhân vật được mệnh danh là “tứ trụ thư pháp gia” của Việt Nam, cụ Cung Khắc Lược không chỉ là người duy nhất có bằng Tiến sĩ Hán Nôm mà còn nổi tiếng là người có phong cách sống cũng như lối viết thư pháp cực kì phóng khoáng và lãng tử.

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, người ta lại thấy một “ông đồ già” râu tóc bạc phơ, dáng người cổ kính, mình vận áo chùng thâm, tự tay trải chiếu bày mực Tàu giấy đỏ lên hè phố để viết câu đối Tết. Nhiều người thấy lạ xúm đến xem, hỏi ra mới biết đó chính là TS Hán Nôm Cung Khắc Lược, một trong “tứ trụ” của làng thư pháp chữ Hán ở Việt Nam.

Trong làng thư pháp chữ Hán Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, ai cũng biết đến tên tuổi của “tứ trụ thư pháp gia”, đó là cụ Lê Xuân Hòa (đã mất hồi cuối năm 2007), Nguyễn Văn Bách, Lại Cao Nguyện, Cung Khắc Lược. Mỗi người mỗi vẻ, song TS Cung Khắc Lược có vẻ là khác người hơn cả.

TS Cung Khắc Lược khác người không chỉ ở cái vẻ dung mạo tiên phong đạo cốt mà còn thể hiện rõ cả trong tính cách lãng tử của mình. Có lẽ vì thế mà cụ được bạn bè gán cho nhiều cái biệt danh như “kẻ lãng du”, “kẻ phá cách”... Chẳng thế mà lắm lúc người ta thấy cụ đề huề trong trong vạt áo dài gấm đỏ, ngồi nghiêm trang như ông đồ đang trong buổi bình văn. Có lúc lại thấy cụ vận tấm áo chùng thâm cũ kĩ, đầu đội mũ len nâu, chân xỏ dép da, đứng dạng chân gập mình mãi miết viết chữ trên hè phố một cách bất cần như quên hết mọi sự ở trên đời.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học, từ nhỏ cụ đã được học và tích lũy một vốn chữ Hán Nôm khá phong phú. Lớn lên lại tiếp tục theo học ngành ngữ văn, rồi sau đó có nhiều năm lên miền cao làm công tác giảng dạy. Công việc và cuộc sống nay đây mai đó đã lôi cuốn cụ bước dần vào con đường nghiên cứu Hán Nôm, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu chữ Nôm cổ của các dân tộc miền núi phía Bắc.
Không chỉ thông thạo chữ Hán Nôm, cụ còn là người quảng giao, thông minh, ưa tìm hiểu về các nền văn hóa, văn minh của nhiều nước trên thế giới. Vì thế, bất kể ai khi ngồi trò chuyện với cụ cũng đều bị cuốn hút bằng nhiều câu chuyện sinh động, hấp dẫn và dí dỏm về mọi vấn đề trong cuộc sống. Đặc biệt, tính cụ rất lãng tử, nói chuyện với khách thường thích xưng “anh - em”, lúc hứng lên thì xưng “tớ - cậu”. Vì thế ít ai biết rằng, ông già lãng tử Cung Khắc Lược lại từng là cán bộ, giảng viên của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn và có bằng tiến sĩ Hán Nôm hẳn hoi.

Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, nghệ thuật thư pháp không còn thịnh như xưa nữa. Vì thế người chơi chữ Hán đã ít mà người am tường và viết chữ Hán đẹp như TS Cung Khắc Lược xem ra còn ít hơn. Mấy chục năm nghiên cứu chữ Hán Nôm, nghệ thuật thư pháp gắn bó với cụ như người bạn tri kỉ, bởi nhờ nó mà cụ có thể giãi bày được những nỗi buồn vui của cuộc đời và nhân tình thế thái qua từng đường nét con chữ. Có lẽ vì thế mà những lúc hào sảng nét chữ của cụ lả lướt như rồng bay phượng múa, còn lúc buồn nét chữ cũng trắc trở nỗi suy tư.

Nghệ thuật viết thư pháp đòi hỏi người viết vừa phải có hoa tay, lại phải hiểu được cái ý tứ sâu xa thâm trầm của chữ, có như vậy mới thể hiện được cái thần của chữ và cái cốt cách của người cầm bút. Với TS Cung Khắc Lược, ngoài những lề luật, khuôn phép truyền thống, cụ còn nổi tiếng là người khá mạnh tay với những lối phá cách trong cách viết thư pháp chữ Hán. Chính vì thế, có những bức thư pháp của cụ, chữ viết và bố cục vô cùng phóng khoáng, cởi mở, vừa thể hiện được chất bác học của một loại hình chữ viết cổ, vừa cho thấy được vẻ tài hoa, lãng tử của người viết.

Thậm chí có lúc cụ không viết thư pháp bằng bút lông như cái cách mà người ta đã từng làm từ hàng trăm năm nay, mà viết bằng cọ quét sơn, chổi đót... Có lẽ vì thế mà nhiều người bảo cụ là kẻ “phá” chữ thánh hiền. Nghe người ta phê phán, cụ không tranh cãi mà chỉ bảo: “Chữ là của thánh hiền, còn cách viết là phải của người Việt. Vì vậy, tôi muốn viết một thứ thư pháp thật tự nhiên như chính tích cách giản dị của người Việt, chứ không muốn thể hiện một thứ chữ viết khuôn sáo, tỉa tót chỉ có trong sách vở”.

Trở lại với chiếu chữ ngày xuân của cụ Cung Khắc Lược bên bờ thành cổ ở Văn Miếu. Năm nào cũng vậy, càng gần đến ngày Tết, người đến xem và xin chữ cụ mỗi lúc mỗi đông, ta có Tây có, già có trẻ có... Nhiều người đến xin chữ vì biết tiếng cụ là người văn hay chữ tốt nên muốn cụ viết cho mấy chữ để lấy cái may đầu năm, và cũng có người chỉ đứng xem vì lòng hiếu kì trước phong thái lạ kì của một “ông đồ già” đang múa bút giữa phố phường nhộn nhịp người qua lại.

Trong không khí tràn ngập hơi xuân, nhà thư pháp Cung Khắc Lược mải miết trải lòng theo từng nét bút đầy hào sảng. Chốc chốc ông lại ngẩng đầu lên nheo mắt cười hóm hỉnh rồi cắt nghĩa cho người xem ý tứ của một chữ Hán, hoặc một câu đối Tết vừa viết xong. Thậm chí có lúc ông còn góp vui với khách du xuân bằng đôi ba câu chuyện cổ kim sâu sắc thấm đẫm chuyện đời, làm cho không khí ngày xuân như càng thêm ý nghĩa và ấm áp hơn./.

(Báo ảnh Việt Nam/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark